Liên tục thua lỗ, Công ty CP Thương mại Hà Tây bị nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục

23:37 16/08/2022

Công ty CP Thương mại Hà Tây đã thua lỗ 4 năm liên tiếp và bị đơn vị kiểm toán đã từ chối đưa ra ý kiến liên quan đến loạt vấn đề.

Công ty CP Thương mại Hà Tây (HTT/UPCoM) vừa có giải trình về việc kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến cho báo cáo tài chính soát xét 6 tháng 2022 cũng nhưng việc tăng lỗ sau soát xét.

Cụ thể, sau soát xét, Thương mại Hà Tây vẫn giữ nguyên mức doanh thu hơn 2 tỷ đồng. Song do chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 48% lên hơn 4 tỷ đồng nên công ty lỗ ròng 7,4 tỷ đồng, trong khi báo cáo tự lập chỉ lỗ 6 tỷ đồng. 

Liên tục thua lỗ, Công ty CP Thương mại Hà Tây bị nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục
Liên tục thua lỗ, Công ty CP Thương mại Hà Tây bị nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục.

Theo HTT, sở dĩ công ty lỗ nặng hơn sau soát xét do phải tăng trích lập dự phòng thêm 20% đối với dư nợ của Công ty Nhật Minh (70%) và ông Lê Trọng Chiến.

Về tình hình kinh doanh, Thương mại Hà Tây đã thua lỗ 4 năm liên tiếp từ 2018-2021.

Đối với báo cáo tài chính soát xét của HTT, đơn vị kiểm toán đã từ chối đưa ra ý kiến liên quan đến loạt vấn đề.

Thứ nhất, tại ngày 30/6/2022, công ty có lỗ lũy kế gần 60 tỷ đồng, nợ phải trả ngắn hạn đang vượt quá tài sản ngắn hạn là gần 55 tỷ đồng. Thương mại Hà Tây đang thiếu hụt vốn lưu động để thanh toán các khoản nợ đến hạn. Các khoản nợ quá hạn thanh toán tại ngày 30/6/2022 của công ty chủ yếu là dư nợ ngân sách Nhà nước với 15 tỷ đồng, nợ gốc vay ngân hàng 30,6 tỷ đồng, lãi vay ngân hàng ước tính 15 tỷ đồng và các khoản nợ phải trả khác. Các yếu tố này dẫn tới nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của công ty.

Mặt khác, tại thời điểm phát hành báo cáo, đơn vị kiểm toán vẫn chưa nhận được đầy đủ thư đối chiếu xác nhận số dư phải thu, phải trả, tiền vay của các ngân hàng.

Ngoài ra, công ty đang có số dư chi phí sản xuất kinh doanh dở dang của dự án khu đô thị mới Trung Văn mở rộng là hơn 79 tỷ đồng. Thương mại Hà Tây đang tiến hành đền bù, giải phóng mặt bằng tiếp tục thực hiện dự án. Tuy nhiên đến thời điểm kiểm toán công ty vẫn chưa cung cấp được tiến độ thực hiện dự án và khả năng quyết toán công trình.

Đơn vị kiểm toán cũng không được tham gia chứng kiến kiểm kê tiền mặt tồn quỹ, hàng tồn kho, tài sản cố định và bất động sản đầu tư. Về các vấn đề này, Thương mại Hà Tây cho biết, nợ phải trả ngắn hạn chủ yếu là vay nợ của các ngân hàng, tiền gốc lãi cộng với tiền thuế phải trả cho Nhà nước.

Trước đó từng có thông tin báo cáo tài chính của Công ty CP Thương mại Hà Tây vào năm 2017 và 2018 có rất nhiều vấn đề đáng bàn về vấn đề điều hành và nguy cơ thất thoái tài sản của công ty HTT. Các vấn đề này chỉ ra các dấu hiệu đáng ngờ vực cần làm rõ về một công ty đại chúng, đã niêm yết trên sang chứng khoán TP Hồ Chí Minh (Hose).

Các khoản đầu tư lớn của Công ty CP Thương mại Hà Tây, hiện nay có dấu hiệu thua lỗ, mất vốn hoặc bị cá nhân chiếm dụng vốn.

Cụ thể, khoản đầu tư của HTT vào Công ty cổ phần chè Linh Dương (5 tỷ đồng), hiện nay được giải thích một cách kỳ lạ trên Báo cáo tài chính 2018, không xác định được giá đầu tư hợp lý. Công ty cổ phần chè Linh Dương không cung cấp báo cáo cho khoản đầu tư này. Trong khi Công ty chè Linh Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị vẫn là ông Đào Văn Chiến, Chủ tịch HĐQT Công ty HTT. 

Khoản đầu tư vào Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Phúc Hưng (Công ty Phúc Hưng) 30 tỷ đồng cũng được giải thích một cách rất thiếu thuyết phục trong báo cáo tài chính là không nhận được phản hồi của Phúc Hưng và không xác định được tính đúng đắng của khoản nợ này.

Linh Anh