Ông Lê Vĩnh Thế, Bí thư Huyện ủy Lệ Thủy.
Thưa ông, Lệ Thủy là vùng đất “địa linh, nhân kiệt” hội đủ các yếu tố rừng núi, sông suối, đồng bằng và bờ biển, nơi lưu giữ nhiều di tích lịch sử, văn hóa và các làn điệu hò khoan… Ông vui lòng chia sẽ thêm về tiềm năng này?
Lệ Thủy là một huyện ở phía Nam của tỉnh Quảng Bình được mọi người biết đến là một vùng trọng điểm lúa của tỉnh, một địa phương giàu truyền thống cách mạng, con người nơi đây hiền lành, chịu thương, chịu khó và rất hiếu khách. Ngày nay, hòa chung công cuộc đổi mới của cả nước, cả tỉnh, Lệ Thủy đang vươn mình trỗi dậy mạnh mẽ bằng tiềm năng du lịch, dịch vụ. Huyện Lệ Thủy hiện có 18 di tích lịch sử, trong đó có 10 di tích cấp quốc gia, 8 di tích cấp tỉnh. Các di tích nổi tiếng có thể kể đến là nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chùa An Xá, lăng mộ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, chùa Hoằng Phúc, Miếu Thành Hoàng, trận địa pháo binh Ngư Thủy… Tính đến nay, huyện Lệ Thủy đã có 2 di sản được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia là Hò khoan Lệ Thủy và Lễ hội đua, bơi thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang.
Đến với Lệ Thủy, du khách sẽ bắt gặp một loạt địa danh được thiên nhiên ưu ái cho vẻ đẹp tinh khôi, những cảnh đẹp tự nhiên (rừng nguyên sinh, suối nước khoáng Bang, bãi tắm Tân Hải, khe Nước Lạnh, hang Đại tướng, hồ An Mã, Bàu Sen,…), các lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống, ẩm thực độc đáo … Các làng nghề thủ công truyền thống, các sản phẩm du lịch đang dần được khôi phục, duy trì và phát triển.
Trung tâm huyện lỵ Lệ Thủy nhìn từ trên cao.
Hiện nay, du lịch Lệ Thủy đang tập trung khai thác tour du lịch khám phá hang Đại tướng, trải nghiệm khe nước lạnh, khu du lịch nghỉ dưỡng suối nước nóng khoáng Bang, bên cạnh đó du khách đến đây còn có dịp tham gia các hoạt động hấp dẫn như: Lễ hội đua, bơi thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang vào dịp Lễ Quốc khánh 2/9 hằng năm…
Về cơ sở hạ tầng dịch vụ phục vụ cho du lịch, toàn huyện Lệ Thủy có 20 nhà nghỉ, 1 khách sạn 2 sao, 1 khách sạn 3 sao đang xây dựng và 1 khách sạn 5 sao đã được cấp phép xây dựng. Mạng lưới kinh doanh thương mại phát triển rộng khắp với 29 chợ. Trên địa bàn có 2 hãng xe taxi và 1 tuyến xe buýt. Ngoài ra, các loại hình dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bưu chính viễn thông, tín dụng, thể thao, giải trí… phát triển mạnh, đáp ứng nhu cầu đi lại, du lịch của nhân dân.
Thu hút đầu tư đang được nhiều địa phương coi là một trong những giải pháp để thúc đẩy kinh tế phát triển. Vậy, quan điểm của lãnh đạo huyện Lệ Thủy vấn đề này như thế nào và Lệ Thủy đã có những chính sách gì để thu hút đầu tư, thưa ông?
Huyện Lệ Thủy xác định tầm quan trọng của hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Trong những năm gần đây, huyện Lệ Thủy đã tập trung đẩy mạnh hoàn thiện các cơ chế, chính sách, cải cách hành chính nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch. Tuy vậy, so với tiềm năng sẵn có, việc thu hút đầu tư vào phát triển du lịch trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều hạn chế như quy mô dự án còn nhỏ, sự phân bổ không đồng đều giữa các lĩnh vực. Quy mô vốn đầu tư vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Khe nước lạnh
Xin ông cho biết, thời gian tới, huyện Lệ Thủy có những chính sách để thu hút đầu tư nhiều dự án trong lĩnh vực du lịch?
Thứ nhất, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch là một trong những điều kiện quan trọng để thu hút các nhà đầu tư. Địa phương sẽ tranh thủ sự hỗ trợ từ các nguồn lực của Trung ương và của tỉnh (Chương trình hành động quốc gia về du lịch, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch); nguồn vốn từ các dự án của các tổ chức quốc tế, ngân sách địa phương để triển khai các dự án đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, đặc biệt là hệ thống hạ tầng giao thông, viễn thông, điện lực, ngân hàng (các trạm ATM) tại các trung tâm du lịch của huyện, điểm du lịch.
Thứ hai, đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến, liên kết du lịch và hỗ trợ du khách được xác định là một nhân tố quan trọng góp phần vào sự phát triển của ngành du lịch của địa phương. Qua đó, giới thiệu đến du khách những tiềm năng, thế mạnh cùng các sản phẩm du lịch hấp dẫn, mở ra các cơ hội hợp tác đầu tư, khẳng định vị thế du lịch Lệ Thủy trong cả nước và khu vực.
Tăng cường cung cấp thông tin du lịch trên mọi phương tiện, nâng cao chất lượng công tác ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý du lịch. Tăng cường quảng bá “Cẩm nang du lịch Lệ Thủy”; xây dựng pano quảng bá du lịch, phối hợp sản xuất các clip giới thiệu về vùng quê, điểm đến, lễ hội, giá trị văn hóa độc đáo của huyện Lệ Thủy. Thực hiện có hiệu quả công tác xã hội hóa trong quảng bá, xúc tiến du lịch; phối kết hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp trong việc xây dựng, thực hiện các hoạt động quảng bá du lịch tại huyện; liên kết với các Công ty lữ hành để quảng bá, kết nối các điểm du lịch trên địa bàn.
Hang Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Thứ ba, phát triển nguồn nhân lực du lịch. Hạn chế của du lịch Lệ Thủy là lao động trong lĩnh vực du lịch còn yếu và thiếu chuyên môn nghiệp vụ, khả năng giao tiếp xã hội, giao tiếp ngoại ngữ, các kiến thức về văn hóa, du lịch còn khiêm tốn. Để thu hút cũng như nâng cao chất lượng phục vụ cho khách du lịch nhiều hơn, huyện cần phải đào tạo nhân lực cho ngành Du lịch ở các cấp trình độ khác nhau, chuyên ngành khác nhau. Về nội dung đào tạo, hết sức chú trọng việc đào tạo ngoại ngữ cho cán bộ quản lý, doanh nghiệp và những người dân trực tiếp làm du lịch. Cùng với đó là làm tốt công tác liên kết trong đào tạo, tập trung vào các lĩnh vực: lễ tân, buồng, bàn, bar, kỹ thuật chế biến món ăn, thuyết minh viên, bán hàng, chụp ảnh, vận chuyển khách. Giai đoạn đầu có thể lựa chọn cả phương pháp đào tạo ngắn hạn như "cầm tay chỉ việc" để khắc phục tình trạng thiếu nguồn nhân lực trước mắt.
Thứ tư, chú trọng đến việc đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, các loại hình du lịch mới, các sản phẩm du lịch đặc trưng, đặc biệt là các dự án xây dựng các tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng ở khu vực ven biển đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi.
Trọng Lãnh (Thực hiện)