Được khởi xướng từ năm 2007, Asia Pacific Entrepreneurship (APEA) là giải thưởng doanh nghiệp uy tín hàng đầu khu vực châu Á, được tổ chức bởi Enterprise Asia, nhằm vinh danh những doanh nghiệp và doanh nhân xuất sắc có thành tích vượt trội, xây dựng doanh nghiệp thành công và tạo ra các giá trị tốt đẹp cho cộng đồng một cách bền vững. Năm 2023, APEA đã được trao cho 65 doanh nghiệp và doanh nhân xuất sắc trong đó có ông Lê Đức Huy - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco DakLak).
Sau 30 năm hình thành và phát triển với rất nhiều nỗ lực, đến nay Simexco DakLak đã trở thành doanh nghiệp nông nghiệp lớn nhất Tây Nguyên, với doanh thu 250 triệu USD/năm. Đầu tháng 10/2023, Simexco DakLak là doanh nghiệp duy nhất của Tây Nguyên đã lập “cú đúp” một cách ngoạn mục: Simexco DakLak được vinh danh ở hạng mục "Doanh nghiệp xuất sắc châu Á - Corporate Excellence Award" và ông Lê Đức Huy - Tổng Giám đốc Simexco DakLak được vinh danh là "Doanh nhân xuất sắc Châu Á - Master Entrepreneur Award".
Tại lễ trao thưởng, Tổng Giám đốc Lê Đức Huy nói: “Tôi xin cảm ơn 40.000 nông hộ cà phê và hồ tiêu đã đồng hành cùng chúng tôi phát triển bền vững tạo ra những sản phẩm chất lượng, giá trị cao nhất cho người tiêu dùng toàn cầu. Và cảm ơn hàng ngàn người lao động đã đồng hành cùng Simexco 30 năm qua để đạt được thành quả này. Tự hào là doanh nghiệp Việt, doanh nhân Việt, người Việt”.
Gắn bó với Simexco DakLak khi mới 25 tuổi. Sau 13 năm, ông Lê Đức Huy được bổ nhiệm giữ vị trí Tổng Giám đốc ở tuổi 38. Ông cho rằng, tuy tuổi mình còn trẻ, nhưng so với những trải nghiệm thực tế, đồng hành cùng cán bộ, công nhân viên, hiểu được văn hóa, triết lý của đơn vị thì ở thời điểm đó bản thân tôi đã đủ “độ chín".
Đúng vậy! Là người sống nhiều năm ở Đắk Lắk, tôi hiểu khá rõ về vị “thuyền trưởng” của Simexco DakLak. Tôi cũng đã có lần cùng ông lặn lội đến vùng đất xã Ea Tân, Ea Toh… huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk - nơi được xem là những vùng đất có cà phê, hồ tiêu có giá trị nổi trội so với nhiều nơi ở Tây Nguyên để thăm những mô hình sản xuất cà phê, hồ tiêu thích ứng với biến đổi khí hậu; mô hình sản xuất cà phê, hồ tiêu có chứng nhận và cả mô hình sản xuất cà phê đặc sản…nên phần nào tôi cũng hiểu về ông và những cống hiến của ông cho cộng đồng.
Theo ông Huy, sản phẩm cà phê muốn gia tăng giá trị thì phải có chất lượng cao. Chất lượng cà phê không ổn định thì việc nâng cao giá trị, phát triển thương hiệu gặp nhiều khó khăn. Điều này diễn ra ở Việt Nam khoảng 10 năm trước. Để thay đổi nó thì không có cách nào khác là phải làm cà phê chất lượng cao và đó là cà phê đặc sản.
Năm 2014, ông Huy và Simexco DakLak bắt đầu đồng hành cùng nông dân, hợp tác xã sản xuất cà phê đặc sản với quy mô nhỏ. Năm đầu tiên, sản lượng mặt hàng này chỉ được 5 tấn. Khi ấy, doanh nghiệp vừa sản xuất, vừa hoàn thiện cách làm và tìm kiếm thị trường. Đến niên vụ 2022 - 2023, sản lượng cà phê chất lượng cao và cà phê đặc sản đã đạt 600 tấn, xuất đi nhiều quốc gia, với giá cao hơn từ 100 - 200% so với thị trường. Đặc biệt, Simexco DakLak đã có 2 tấn cà phê đặc sản được đấu giá đến 700 triệu đồng Việt Nam và là lô cà phê Robusta đắt nhất thế giới. Đây cũng là lô hàng cà phê đặc sản đạt giải tại cuộc thi “Cà phê đặc sản Việt Nam - Vietnam Amazing Cup” năm 2023.
Ông Huy cho biết: Cuộc thi Cà phê Đặc sản Việt Nam đã được tổ chức 5 lần. Trong khi đó, phiên đấu giá cà phê đặc sản thì đây là năm đầu tiên thực hiện. Ở sân chơi này, người nông dân đã có dịp để trổ tài, chứng minh về mặt đẳng cấp chất lượng của hạt cà phê trong quá trình bản thân dày công chăm sóc, chế biến.
"Giá trị của thị trường của hạt cà phê đặc sản Việt Nam hoàn toàn độc lập với giá của thị trường cà phê thương mại thường bị chi phối bởi nhiều yếu tố vĩ mô và tập đoàn tài chính, thương mại quốc tế. Thị trường này sẽ góp phần không nhỏ để nâng tổng giá trị ngành hàng Việt Nam lên 10 tỉ đô la trong 10 năm tới. Trong 1,8 triệu tấn cà phê của Việt Nam, sản lượng cà phê đặc sản chỉ đạt 3.000 tấn, nên dư địa phát triển còn rất lớn. Bên cạnh đó, xu hướng các thị trường lớn như Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Nhật và các nước châu Âu thì cà phê thương mại chững lại, cà phê đặc sản tăng mạnh. Thời gian tới, Simexco DakLak sẽ tiếp tục tăng 50% sản lượng chế biến hằng năm, đồng thời đẩy mạnh tiếp thị, xúc tiến thương mại trong nước và thế giới để “cắm cờ” cà phê đặc sản Việt Nam ở nhiều nơi trên thế giới” - ông Huy lạc quan chia sẻ.
15 năm gắn bó đời mình với Simexco DakLak, ông Lê Đức Huy luôn đau đáu với những khát vọng đưa cà phê Việt Nam vươn tầm thế giới và xây dựng Simexco DakLak phát triển mạnh, bền vững, góp phần nâng cao đời sống cho người nông dân và cán bộ, nhân viên, người lao động của đơn vị.
Trong suốt hành trình 14 năm thực hiện chiến lược liên kết với bà con nông dân để sản xuất các mặt hàng nông nghiệp đạt các tiêu chuẩn quốc tế, ông Lê Đức Huy đã nỗ lực cùng với tập thể Simexco DakLak tạo dựng được hệ thống chuỗi liên kết với nông dân lên đến 40.000 nông hộ, với diện tích 50.000 ha tại 3 tỉnh Tây Nguyên đạt các tiêu chuẩn chứng nhận quốc tế, như: Mưa rừng nhiệt đới (RA), cà phê cộng đồng (4C), chứng nhận công bằng thương mại (Fairtrade), Hữu cơ (Organic), Chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột và các chứng nhận trong nước v.v… Nông dân tham gia chuỗi liên kết sản xuất với Simexco DakLak đã dần thay đổi được tư duy, nhận thức về canh tác, giảm thiểu tác động đến môi trường, thực hiện an toàn vệ sinh lao động, vệ sinh thực phẩm; canh tác đáp ứng mong muốn của người tiêu dùng, canh tác để thay đổi sinh kế. Bên cạnh đó, các vấn đề xã hội cũng được quan tâm một cách đúng đắn, như: không sử dụng lao động trẻ em; tất cả con em của nông dân trong độ tuổi đi học phải được đến trường; vấn đề bình đẳng giới được quan tâm sâu sát; phụ nữ nông dân đã được quan tâm nhiều hơn…
Đến thời điểm này, Simexco DakLak đang sở hữu hệ thống logistic, nhà máy chế biến sản phẩm, hệ thống, quy trình quản lý có thể đáp ứng được quy mô sản xuất, kinh doanh 1 năm 135.000 tấn cà phê và nông sản. Simexco DakLak đang là đơn vị tiên phong trong việc nâng cao giá trị của ngành cà phê Việt Nam, đặc biệt là trong việc nâng cao chất lượng và thương hiệu sản phẩm; thúc đẩy sản xuất sản phẩm Cà phê Đặc sản Việt Nam và đưa giá trị cao hơn 3 đến 5 lần so với cà phê thương mại, tăng thu nhập đáng kể cho người nông dân. Bên cạnh tập trung phát triển kinh tế, Simexco DakLak luôn đi đầu quan tâm phát triển doanh nghiệp theo tiêu chí bền vững, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát khí thải trong nông nghiệp bằng việc thực hiện các chương trình canh tác cảnh quan bền vững, giảm sử dụng hóa chất nông nghiệp và tăng sử dụng sản phẩm vi sinh - hữu cơ… Hiện sản phẩm sản xuất theo mô hình liên kết giữa Simexco DakLak với nông dân đã phân phối được đến 75 quốc gia, vùng lãnh thổ. Các sản phẩm của Simexco DakLak được tiêu thụ trực tiếp bởi các tập đoàn rang xay lớn nhất thế giới, như: Nestle, JDE, Lavazza, Strauss…
Trải qua 30 năm hình thành và phát triển, Simexco DakLak đã tạo ra tổng doanh thu 83.000 tỷ đồng; tổng kim ngạch xuất khẩu 4.000 triệu USD; tổng sản lượng cà phê tiêu thụ 2.500.000 tấn; các sản phẩm của Simexco DakLak đã xuất khẩu đến 125 quốc gia. Với vai trò là Tổng Giám đốc điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của Simexco DakLak, ông Lê Đức Huy đã góp phần quan trọng vào việc mang lại hiệu quả kinh doanh tăng trưởng lớn cho công ty. Đặc biệt năm 2022, lợi nhuận trên vốn điều lệ của doanh nghiệp đạt 40% (126 tỷ/315 tỷ đồng), thu nhập của người lao động tăng đến 17 triệu đồng/người/tháng.
Ông Huy luôn xác định rằng, mình vừa là Phó bí thư Đảng ủy, vừa là Tổng Giám đốc của công ty, vì thế bản thân luôn trau dồi, giữ gìn phẩm chất đạo đức, thực hiện tốt vai trò nêu gương trên mọi lĩnh vực, sống giản dị, gần gũi với mọi người. Trong công việc, mình phải thật chỉn chu. Trong giao tiếp, mình là hình ảnh đại diện của tập thể nên cần thận trọng, thể hiện sự chuyên nghiệp. Simexco DakLak luôn duy trì chữ "tín" là giá trị cốt lõi lâu nay. Do đó, bản thân và tập thể đơn vị luôn đề cao sự chuyên nghiệp trong cách làm việc, trong quy trình quản lý chất lượng hàng hóa, giao hàng, dịch vụ, chất lượng… nhằm đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe nhất của khách hàng cũng như của thị trường. Những năm gần đây, Simexco DakLak đã đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh, ngay cả trong quy trình kết nối với nông dân. Đơn vị đã thực hiện số hóa 100% thông tin vườn cây của bà con; liên kết có truy xuất nguồn gốc, mã số để đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe nhất mà thị trường yêu cầu. Đó cũng là 1 trong những điểm sáng, giúp Simexco DakLak bứt phá trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 và tiếp tục phát triển.
Với những thành tích đã đạt được, liên tục từ năm 2016 đến năm 2022, ông Lê Đức Huy đều được công nhận là Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở và chiến sỹ thi đua cấp tỉnh (2016, 2022); được Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh Đắk Lắk tặng nhiều bằng khen về những thành tích xuất sắc, đóng góp tích cực cho sự phát triển ngành cà phê tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2014 - 2019; phong trào Doanh nhân trẻ tỉnh Đắk Lắk khóa VI, nhiệm kỳ 2018 - 2021… được trao tặng danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2022”. Và tháng 10 năm 2023, ông vinh dự được vinh danh là "Doanh nhân xuất sắc Châu Á - Master Entrepreneur Award”.
Nguyễn Hiếu