Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến, kiến nghị từ doanh nghiệp đều cho rằng; trong thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp đang hoạt động tại tỉnh Quảng Nam gặp rất nhiều khó khăn trong duy trì hoạt động kinh doanh, nổi bật là đơn giá thuê đất trả tiền hàng năm bị tính quá cao; công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều trở ngại; không có đất để thi công xây dựng công trình…
Đề cập đến sự phối hợp của cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp mong muốn các sở, ngành cần thống nhất trong việc giải quyết tách thửa, chuyển nhượng, cấp sổ con từ sổ block cho doanh nghiệp đủ điều kiện, tính toán giá liên sở vật liệu sát thực tế, làm lại đơn giá thuê đất thương mại, dịch vụ...
Doanh nghiệp kiến nghị thành lập tổ công tác giải tỏa đền bù cấp huyện và tổ công tác tháo gỡ cấp tỉnh có giám sát hằng tuần, hằng tháng, báo cáo UBND tỉnh đối với từng dự án cụ thể. Những dự án có tiền tạm ứng bồi thường lớn hơn tiền ký quỹ, những dự án bị chậm tiến độ do lỗi địa phương chậm bàn giao mặt bằng, không phải lỗi do nhà đầu tư thì tiếp tục được hoãn ký quỹ và được gia hạn tiến độ.
Phát biểu kết luận, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng chia sẻ với những khó khăn mà cộng đồng doanh nghiệp gặp phải trong thời gian qua, nhất là các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, những khó khăn này của doanh nghiệp cũng chính là các vướng mắc mà UBND tỉnh đang tập trung tháo gỡ, giải quyết.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đánh giá cao kết quả việc thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm đối với Nhà nước của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.
Để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh ban hành Công văn số 3021 ngày 26/4 giao nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện chủ trương tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, chính quyền có trách nhiệm đồng hành thực sự với doanh nghiệp, đem lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp. Tỉnh đang đẩy mạnh cải cách hành chính, thủ tục hành chính phải gọn nhẹ, cắt giảm những thủ tục không cần thiết, không đặt thêm những thủ tục hành chính mà pháp luật không quy định, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch; bên cạnh đó cần xử lý nghiêm những trường hợp sách nhiễu gây khó khăn cho doanh nghiệp.
UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã thành lập 5 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 do Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng để kiểm tra, đôn đốc tại các đơn vị, địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành tiếp thu nghiêm túc các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp; đồng thời, từng ngành có trách nhiệm hỗ trợ, giải quyết những khó khăn cho doanh nghiệp, nếu vượt thẩm quyền báo cáo UBND tỉnh xem xét, tháo gỡ.
Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phát huy vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp với chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục có những đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Trọng Tâm