Quang cảnh buổi “cà phê doanh nhân”.
Hơn 4 năm qua, đều đặn mỗi tháng 2 lần, chương trình “Cà phê doanh nhân” lại được mở để lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk ngồi gặp gỡ, đối thoại và lắng nghe ý kiến từ phía các doanh nghiệp. Từ đây, nhiều khó khăn vướng mắc được tháo gỡ, cơ chế chính sách về môi trường đầu tư kinh doanh được điều chỉnh theo hướng thuận lợi hơn, giúp các doanh nghiệp có cơ hội phát triển, tăng thu hút đầu tư vào tỉnh.
Ly cà phê… hai trong một
Hai tuần một lần, cứ vào sáng thứ 3, quán cà phê doanh nhân - doanh nghiệp tại không gian khởi nghiệp tỉnh Đắk Lắk rôm rả tiếng cười. Các doanh nhân, doanh nghiệp trẻ (thuộc Hội Doanh nhân trẻ Đắk Lắk) cùng ngồi bên ly cà phê, cùng gặp gỡ, trò chuyện với lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk một cách vui vẻ, sảng khoái, không giới hạn điều mình muốn nói.
"Các doanh nghiệp, nhà đầu tư gặp mặt, cà phê trao đổi, trò chuyện, chia sẻ với lãnh đạo UBND tỉnh. Nếu vấn đề nào trao đổi được thì trao đổi ngay, nếu chưa được thì làm hồ sơ để chuyển qua thứ 5. Sở KH&ĐT có trách nhiệm ghi chép, tập hợp các ý kiến vướng mắc hoặc những đề xuất của nhà đầu tư, nếu cần thiết phải có sự tháo gỡ, phải có sự chỉ đạo tập trung của UBND tỉnh thì thứ 5, UBND tỉnh triệu tập các thành viên có liên quan tại UBND tỉnh để giải quyết ngay". Ông Huỳnh Văn Tiến, Phó giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Đắk Lắk.
Bên ly cà phê lần này, có ông Y Giang Gry Niê Knơng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk và gần 20 giám đốc các doanh nghiệp. Những người đến sau cứ ngồi nối tiếp nhau cùng uống cà phê và trò chuyện.
Vừa nhâm nhi ly cà phê nức mùi thơm, ông Lê Văn Vương, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Vương Thành Công vừa vui vẻ trao đổi ông Y Giang Gry Niê Knơng: “Doanh nghiệp đang liên kết sản xuất cà phê hữu cơ (oganic) và đã đạt tiêu chuẩn 4 sao. Vừa qua, tại hội nghị sản phẩm OCOP, không có hàng để bán, còn trước đây doanh nghiệp phải loay hoay tìm đầu ra”.
Theo ông Vương, hiện nay cà phê oganic rất có giá trị. Người nông dân sản xuất cà phê bình thường, bình quân thu nhập 96 triệu đồng/ ha, nhưng sản xuất cà phê hữu cơ liên kết với doanh nghiệp giá trị tăng lên 150 - 160 triệu đồng/ ha.
Hiện công ty của ông đang mở rộng, khuyến khích người nông dân trồng xen cây dược liệu, đinh lăng chăm sóc theo phương pháp oganic để xuất khẩu sang thị trường Nhật.
Tuy nhiên, người dân chưa hiểu nhiều về chăm sóc bằng phân hữu cơ, nên đang có rào cản rất lớn để tạo ra sản phẩm sạch.
“Vì vậy, doanh nghiệp rất mong tỉnh bằng cách nào đó, quan tâm tổ chức một cuộc tập huấn hay có giải pháp để giúp cho bà con nông dân, giúp cho doanh nghiệp về sản xuất sản phẩm hữu cơ”, ông Vương đề xuất.
Lắng nghe ý kiến này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk chia sẻ: “Vương Thành Công đang liên kết, tạo ra sản phẩm oganic rất tốt. Để tiếp tục phát triển, vấn đề doanh nghiệp trăn trở không quá khó.
Doanh nghiệp muốn tập huấn sản xuất sản phẩm hữu cơ, hãy đề xuất văn bản lên UBND tỉnh, tôi sẽ chỉ đạo Sở NN&PTNT đứng ra chủ trì ngay một cuộc tập huấn, mời chuyên gia về hướng dẫn”.
Trong không khí vui vẻ của quán “Cà phê doanh nhân”, ông Phạm Đông Thanh, Giám đốc Công ty Vận tải ô tô An Phước, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh hỏi Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk: “Doanh nghiệp đang hoạt động dự án nuôi heo thịt nhưng giờ muốn chuyển qua vừa nuôi heo thịt vừa nuôi heo nái để tự sản xuất con giống cho trang trại thì phải làm như thế nào cho phù hợp? Thủ tục thay đổi có khó không?”.
Ngay lập tức, ông Y Giang Gry Niê Knơng trao đổi và chỉ tay về phía ông Huỳnh Văn Tiến, Phó giám đốc Sở KH&ĐT chia sẻ: “Dự án nuôi heo thịt và heo giống khác nhau, quy trình nuôi khác và tuân thủ các điều kiện nhất định. Việc này, tôi giao cho anh Tiến tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp để làm”.
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Ông Y Giang Gry Niê Knơng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk chia sẻ với các doanh nghiệp.
Tiếp tục câu chuyện với các doanh nhân, ông Y Giang Gry Niê Knơng cho biết: “Quá trình công tác, tôi thấy ở các nước người ta kết hợp du lịch với vùng sản xuất rất tốt.
Hàng năm, họ cho người tiêu dùng đến tận vườn để chứng kiến loại sản phẩm mình dùng hàng ngày được sản xuất ra như thế nào. Đó là cách làm hay, tôi hy vọng ở Đắk Lắk cũng làm được điều đó”.
Trao đổi lại, ông Phạm Đông Thanh nói: “Việc này ở tỉnh ta rất khó thực hiện bởi đường sá đi lại, dẫn vào các vùng nguyên liệu, vùng sản xuất rất khó. Đường không thể đi lại bằng ô tô, mà phải đi công nông thì làm sao mà phát triển theo hướng đó được”.
Cũng theo ông Thanh, vấn đề lớn nhất khiến kinh tế Đắk Lắk chậm phát triển là bị hạ tầng giao thông kìm hãm. Hiện nay, chi phí logistics chiếm quá lớn.
Đắk Lắk chủ yếu phát triển kinh tế là hồ tiêu, cà phê… vùng nguyên liệu nằm ở tận thôn, xã, cung đường vận chuyển khó khăn, không thể dùng xe có trọng tải lớn vì đường sá đâu đâu cũng cấm biển cấm tải trọng 5 hay 10 tấn.
Vì vậy, doanh nghiệp phải dùng xe tải nhỏ để “tăng bo” hàng từ vùng nguyên liệu về khu công nghiệp, từ đó mới bốc lên xe tải trọng lớn để vận chuyển đi, làm phát sinh rất nhiều chi phí.
“Đường sá hư hỏng xuống cấp đi lại rất khó khăn, 30km nhưng đi ô tô phải mất 2 tiếng, ổ voi, ổ gà xót hết xe, vậy làm sao để vận chuyển hàng hóa được. Nhà đầu tư nào dám bỏ tiền vào đầu tư. Thiết nghĩ lãnh đạo tỉnh, Nhà nước cần quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng kết nối nhằm phục vụ tốt vận chuyển hàng hóa, giảm chi phí logistics”, ông Thanh kiến nghị.
Ông Y Giang Gry Niê Knơng cho hay: “Tỉnh luôn đồng hành cùng sự khó khăn và phát triển của doanh nghiệp. Chúng ta vừa cà phê nhẹ nhàng, vừa trao đổi thoải mái. Nếu vấn đề nào thuộc lĩnh vực của tôi, giải quyết được tôi giải quyết ngay, cái nào chưa giải quyết được thì Sở KH&ĐT ghi lại báo cáo, để giải quyết.
Lĩnh vực nào không phải tôi phụ trách, tôi sẽ trao đổi lại với lãnh đạo phụ trách để có hướng giải quyết tốt nhất cho doanh nghiệp. Tuyệt đối không để ý kiến, chia sẻ của doanh nghiệp bị “chìm”, phải tạo điều kiện tốt nhất để gỡ vướng cho doanh nghiệp phát triển”.
Ngọc Hùng/baogiaothong.vn