Làm cách nào để rèn luyện trí nhớ?

15:51 26/10/2022

Trí nhớ có vai trò rất quan trọng trong đời sống tâm lý của con người, là điều kiện để con người tích lũy vốn kinh nghiệm sống của mình và sử dụng kinh nghiệm sống đó tốt hơn trong mọi hoạt động. Vậy làm thế nào để có một trí nhớ tốt?

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. 

Quá trình đưa mọi thứ vào bộ nhớ dài hạn của chúng ta hoạt động như thế nào theo cấu trúc vật lý của não? Để xử lý thông tin cho trí nhớ dài hạn, bộ não thực chất phải tái cấu trúc những nơ-ron của nó, hoặc tế bào thần kinh. Hiện tượng này được gọi là tăng độ mạnh dài hạn (long-term potentiation). Bất cứ khi nào chúng ta học thứ gì đó, nó thay đổi cấu trúc những tế bào não và thậm chí có thể tạo ra những tế bào não mới!

Những cấu trúc được tạo ra bởi những nơ-ron được gọi là mạng lưới nơ-ron vì các nơ-ron thần kinh giao tiếp với nhau thông qua một mạng lưới. Khi chúng ta phát triển những mạng lưới mới qua việc học, những nơ-ron của chúng ta tạo ra protein giúp chuyển các chất dẫn truyền thần kinh, hoặc các tín hiệu hóa học giúp các tế bào não giao tiếp, qua những liên kết giữa những tế bào Xynap. Mỗi lần chúng ta sử dụng liên kết này, nó sẽ mạnh hơn. Những liên kết này cũng kết nối với các bộ phận khác của bộ não, như phần vỏ não thị giác và thính giác, điều này giúp chúng ta gắn kết dữ liệu cảm giác với ký ức của chúng ta.

Hoạt động của vùng hồi hải mã đóng vai trò then chốt với trí nhớ của con người. Vùng hồi hải mã (Hippocampus) là một vùng não nhỏ nằm bên trong thùy thái dương, là một bộ phận của não trước. Hồi hải mã đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành, tổ chức và lưu trữ những ký ức mới, tổng hợp thông tin từ bộ nhớ dài hạn sang ngắn hạn, cũng như kết nối một số cảm giác và cảm xúc với những ký ức này. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Các loại trí nhớ
Trí nhớ tạm thời
Giả dụ chúng ta nhìn một vật gì đó trong vòng vài giây là có thể nhớ được nó trông như thế nào, sau đó chúng ta sẽ quên ngay lập tức, đó chính là trí nhớ tạm thời, đây là dạng ngắn nhất của ghi nhớ, nó hoạt động như một tầng đệm để thu nhận kích thích do 5 giác quan mang lại. Thông tin được ghi nhận chính xác chỉ trong khoảng thời gian cực kì ngắn. Khác với loại trí nhớ khác, trí nhớ tạm thời không thể rèn luyện, kéo dài bằng cách luyện tập được, tuy nhiên đây lại bước cần thiết để lưu giữ thông tin vào vùng trí nhớ ngắn hạn.
Trí nhớ ngắn hạn
Trí nhớ ngắn hạn (hay còn gọi là trí nhớ làm việc – working memory) là những ghi nhớ tạm thời những thông tin mà chúng ta vừa mới xử lý nó. Nó có khả năng ghi nhớ và xử lý thông tin cùng lúc. Trí nhớ ngắn hạn chỉ có thể lưu giữ lượng thông tin nhỏ trong một khoảng thời gian ngắn, tuy nhiên nếu chúng ta thường xuyên “rèn luyện trí nhớ” thì có thể lưu giữ thông tin lâu hơn.
Một ví dụ khác về hoạt động của trí nhớ ngắn hạn là nó có thể giữ một thông tin tạm thời để làm việc (như thông dịch viên phải vừa nhớ thông tin bằng 1 ngôn ngữ và dịch nó ra thành một ngôn ngữ khác).
Tuy nhiên, thông tin này sẽ nhanh chóng biến mất trừ khi chúng ta cố gắng lưu giữ lại một cách có ý thức. Trí nhớ ngắn hạn là bước cần thiết đi đến giai đoạn trí nhớ dài hạn. Sự chuyển thông tin đến vùng trí nhớ dài hạn để nhớ được lâu hơn có thể được kích hoạt và cải thiện bằng cách lặp lại thông tin đó, hoặc bằng liên tưởng tức là cách gắn thông tin đó với một ý nghĩa hoặc những kiến thức có sẵn.
Trí nhớ dài hạn
Trí nhớ dài hạn được dùng để lưu trữ thông tin trong thời gian dài. Mặc dù chúng ta thấy rằng mình quên đi mỗi ngày nhưng dường như trú nhứ dài hạn bị hao mòn rất ít qua thời gian và nó có thể được lưu giữ thông tin không giới hạn trong thời gian vô hạn.
Trí nhớ ngắn hạn có thể trở thành trí nhớ dài hạn qua quá trình hợp nhất, rèn luyện trí nhớ thường xuyên bằng cách lặp đi lặp lại nhiều lần và kết hợp với ý nghĩa. Nếu như trí nhớ ngắn hạn dùng âm thanh ít hình ảnh để lưu giữ thông tin thì trí nhớ dài hạn lại mã hóa thông tin dựa vào ý nghĩa và sự liên tưởng để lưu trữ, ghi nhớ lại.
Rèn luyện trí nhớ dài hạn như thế nào? Thông tin được nạp vào bộ óc của con người sẽ mất dần theo thời gian với một tốc độ rất nhanh nếu chúng ta cứ để cho nó trôi qua như vậy, và để khắc phục tính trạng này chúng ta cần thường xuyên rèn luyện trí não, ôn lại các thông tin cần nhớ để củng cố trí nhớ và biến trí nhớ từ ngắn hạn thành trí nhớ dài hạn. Việc nhắc lại thông tin càng nhiều lần thì chúng ta càng khó có thể quên thông tin hơn hoặc tốc độ quên sẽ giảm đến mức thấp nhất hoặc có thể không bao giờ quên.

Các phương pháp rèn luyện trí nhớ ngắn hạn

Giảm stress trong cuộc sống của bạn
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, stress có tác động rất tiêu cực lên trí nhớ ngắn hạn của chúng ta. Nếu trong cuộc sống chúng ta thường xuyên bị stress thì khả năng trí nhớ ngắn hạn trong việc thực hiện những công việc và nhận thức đơn giản lại càng thấp. Đó là một chu trình gây thất vọng: Mất tập chung, trí nhớ kém làm chúng ta không thể hoàn thành nhiệm vụ sẽ tạo nên stress và quá nhiều stress lại làm giảm khả năng lấy lại và duy trì sự tập chung của chúng ta. Để phá vỡ cái vòng luẩn quẩn này thì hãy tạo ra sự vui vẻ, hãy trở nên thức tỉnh hơn, khi nào thấy những ý nghĩ không mong muốn xuất hiện trong đầu hãy hít thở thật sâu trong vài phút nó sẽ giúp bạn lấy lại bình tĩnh và kiểm soát sự tập trung khi bạn quay lại với công việc.

Tập thể dục nhiều hơn và sống khoẻ mạnh
Trí nhớ ngắn hạn cũng có thể được cải thiện bằng những bài tập thể dục với cường độ cao. Một thực nghiệm được tiến hành bởi tiến sỹ Christine Lo Bue-Estes và các cộng sự của bà xem xét tác động của tập thể dục lên trí nhớ ngắn hạn trước, trong và sau khi thực hiện những bài tập đòi hỏi sự gắng sức. Các kết quả cho thấy, trong khi trí nhớ ngắn hạn giảm trong lúc tập nhưng ngay sau khi tập gắng sức, thì nó lại tăng lên sau một giai đoạn hồi phục ngắn so với những người không tập thể dục.

Một giấc ngủ ngon có thể cải thiện trí nhớ của bạn
Từ những năm 1960, các nhà nghiên cứu đã ghi nhận mối liên hệ quan trọng giữa giấc ngủ và trí nhớ. Trong một thí nghiệm kinh điển được thực hiện vào năm 1994, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng việc không cho những người tham gia khảo sát được ngủ đầy đủ sẽ làm giảm khả năng cải thiện hiệu suất của họ đối với nhiệm vụ ghi nhớ.
Ngoài việc hỗ trợ trí nhớ, giấc ngủ cũng đóng một vai trò thiết yếu trong việc học thông tin mới. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, việc học sinh mất ngủ sau khi học một kỹ năng mới sẽ làm giảm đáng kể khả năng ghi nhớ về kỹ năng đó trong khoảng 3 ngày tiếp theo.

Học những kỹ năng mới ví dụ như tập chơi một nhạc cụ
Một nghiên cứu của bác sĩ Torkel Klingberg phát hiện ra rằng, trí nhớ ngắn hạn có thể được tăng cường thông qua tiếp xúc với sự kích hoạt thần kinh quá mức, nghĩa là chúng ta càng luyện tập một kỹ năng nào đó thì vùng não được kích hoạt bởi kiểu kinh nghiệm cảm giác đó càng lớn hơn. Cuối cùng, bất kì việc gì chúng ta có thể làm để tăng cường khả năng này – dù đó là tập thể dục, học một kỹ năng mới hay tập thiền- giúp chúng ta duy trì tập trung và dập tắt hàng triệu thứ đang cố lấy đi sự chú ý của chúng ta.
Tóm lại, trí nhớ ngắn hạn rất quan trọng với cuộc sống của chúng ta, khả năng về trí nhớ ngắn hạn tốt sẽ dự báo về những kỹ năng trong đọc hiểu, đánh vần, làm toán góp phần vào việc nỗ lực học tập của một đứa trẻ. Vì vậy, rèn luyện trí nhớ ngắn hạn ngay từ lúc còn nhỏ chính là cách để chúng ta đạt được những thành tựu trong việc học tập sau này.

D.A (Tổng hợp)