Kuaishou Su Hua - cựu nhân viên Google thành tỷ phú đôla điều hành đế chế trị giá 61 tỷ USD

11:16 02/02/2021

Sau lần đến thăm thung lũng Silicon, Kuaishou Su Hua quyết định nghỉ việc ở Google và 8 năm sau trở thành nhà đồng sáng lập nền tảng livestream tặng quà ảo lớn nhất thế giới.

Tỷ phú mới của Trung Quốc - Su Hua, nhà đồng sáng lập hãng công nghệ Kuaishou. Ảnh: Kuaishou.
Tỷ phú mới của Trung Quốc - Su Hua, nhà đồng sáng lập hãng công nghệ Kuaishou. Ảnh: Kuaishou..

Trong ngành phát trực tuyến ở Trung Quốc, việc tặng quà ảo là rất phổ biến. Bạn có thể gửi cho người phát livestream yêu thích của mình bất cứ thứ gì, từ một bông hoa hồng với giá 5 tệ cho đến những thứ có giá trị hơn nhiều.

Quà ảo chỉ là tượng trưng nhưng việc sử dụng tiền lại là thật và đó chính là điều đã làm nên thành công của Kuaishou.

Kuaishou (đối thủ của ByteDance với ứng dụng TikTok đình đám) đã trở thành nền tảng livestream lớn nhất khi nói đến quà ảo. Ứng dụng này có nhiều người dùng trả tiền hàng tháng để tặng quà ảo hơn bất cứ đối thủ nào tại Trung Quốc và trên thế giới. Mới đây, Kuaishou đã huy động thành công 5,4 tỷ USD trong đợt IPO tại Hong Kong.

Theo Bloomberg, điều này sẽ giúp tạo ra ít nhất 4 tỷ phú mới với tổng tài sản khoảng 15 tỷ USD. Cụ thể, các nhà đồng sáng lập Su Hua và Cheng Yixiao mỗi người sẽ sở hữu hơn 5,5 tỷ USD.

Kuaishou (trong tiếng Trung Quốc nghĩa là "nhanh tay") là một trong những câu chuyện thành công trên Internet lớn nhất của Trung Quốc trong thập kỷ qua với sự hậu thuẫn của gã khổng lồ công nghệ Tencent, nhắm tới định dạng video ngắn hiện rất phổ biến.

"Nguồn lực quan trọng của Internet là sự chú ý. Nó phục vụ gần như tất cả mọi người, như ánh mặt trời, thay vì chỉ tập trung vào một nhóm nhất định. Đó là logic đơn giản đằng sau Kuaishou", nhà đồng sáng lập Kuaishou Su Hua, 38 tuổi, nói.

Su Hua quê Hồ Nam, miền trung Trung Quốc. Anh học lập trình máy tính tại Đại học Thanh Hoa danh tiếng trước khi gia nhập Google ở Bắc Kinh vào năm 2006. Tại đây, anh kiếm được khoảng 23.000 USD mỗi năm, gấp 8 lần mức lương trung bình tại Trung Quốc khi đó. Su cho biết anh rất hạnh phúc với công việc nhưng một lần đến thăm Thung lũng Silicon, Mỹ (nơi quy tụ các công ty khởi nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới), anh quyết định khởi nghiệp.

Su nghỉ việc tại Google trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 để bắt đầu công ty video quảng cáo của riêng mình nhưng không thành công. Sau một thời gian ngắn làm việc tại Baidu, anh quen biết Cheng XiYao vào năm 2011 và họ nhanh chóng trở thành cộng sự. Năm 2013, hai kỹ sư công nghệ này đã chuyển đổi ứng dụng Kuaishou từ một công cụ tạo ảnh GIF sang nền tảng video như ngày nay. Khi đó, Kuaishou nổi tiếng với các video về cuộc sống ở vùng nông thôn Trung Quốc.

Để cạnh tranh với ByteDance (công ty sở hữu ứng dụng video Douyin tại Trung Quốc và TikTok tại nước ngoài), Kuaishou đã mở rộng sức hút của mình bằng cách hợp tác với những ngôi sao danh tiếng như Châu Kiệt Luân. Đồng thời, Kuaishou đã tăng tốc khả năng kiếm tiền bằng cách tạo vị trí để quảng cáo cho các thương hiệu trong ứng dụng.

Việc mua quà tặng ảo chiếm gần 2/3 doanh thu của của Kuaishou. Công ty này đang đặt mục tiêu đi sâu vào các lĩnh vực kinh doanh có lợi nhuận cao hơn như thương mại điện tử và game trực tuyến. Doanh thu của Kuaishou đã tăng gần 50% lên 40,7 tỷ nhân dân tệ trong 9 tháng đầu năm ngoái, theo bản cáo bạch IPO.

Theo thống kê, người dùng dành trung bình gần 90 phút mỗi ngày trên Kuaishou. Mặc dù mức độ tương tác mạnh mẽ đó giúp Kuaishou bỏ xa các nền tảng phát trực tiếp của đối thủ như Joyy và Momo nhưng công ty này gặp không ít cạnh tranh, đặc biệt là từ siêu ứng dụng WeChat của Tencent.

Thương vụ IPO của Kuaishou cũng có thể bị lu mờ bởi màn IPO tiềm năng của đối thủ lớn hơn rất nhiều ByteDance. Chỉ riêng tại thị trường Trung Quốc, ứng dụng Douyin của ByteDance hiện có hơn 600 triệu người dùng, gấp đôi Kuaishou. Lần gần đây nhất, ByteDance được định giá 180 tỷ USD.

"Kuaishou đã đại tu sản phẩm của mình và trở nên giống với Douyin hơn. Cả hai sẽ phải cạnh tranh trực tiếp với nhau trong tương lai", nhà phân tích Wang Guanran nhận định.

Cũng như đối thủ ByteDance, Kuaishou không miễn nhiễm với những căng thẳng địa chính trị trong thời gian vừa qua. Các nền tảng phát trực tuyến của Kuaishou gồm Kwai và Snack Video bị cấm ở Ấn Độ khi Trung Quốc và Ấn Độ xảy ra xung đột ở biên giới tranh chấp. Tại Mỹ, nền tảng Zynn giống TikTok của Kuaishou cũng không thu hút người dùng kể từ khi ra mắt vào tháng 5 năm ngoái dưới ảnh hưởng của lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào các công ty công nghệ Trung Quốc.

Ngoài ra, Kuaishou cũng phải đối mặt với việc Trung Quốc yêu cầu những người phát livestream và người tặng quà ảo đăng ký tên thật, cấm trẻ vị thành niên cho tiền tip cũng như yêu cầu các nền tảng hạn chế giá trị của quà tặng.

Dù vậy các nhà đầu tư vẫn háo hức khi Kuaishou lên sàn. Cổ phiếu của hãng công nghệ này đã tăng giá cao hơn gấp đôi so với giá niêm yết 115 HKD trong phiên giao dịch hôm 1/2.

Nhà sáng lập Kuaishou vẫn rất thận trọng khi so sánh khả năng kiểm soát sự chú ý và lưu lượng truy cập Internet của nền tảng này giống với việc đeo chiến nhẫn thần trong bộ phim "The Lord of the Rings". "Khi đeo chiếc nhẫn, bạn sẽ cảm thấy vô cùng mạnh mẽ. Nhưng thực tế, sức mạnh của chiếc nhẫn đang kiểm soát bạn", Su Hua nói.

TH (Theo Bloomberg)