Khủng hoảng thất nghiệp tồi tệ nhất tại Hàn Quốc

17:52 22/02/2021

Báo cáo xu hướng lao động tháng 1 được Văn phòng Thống kê Quốc gia Hàn Quốc công bố hôm 10/2 cho thấy tình hình nghiêm trọng trên thị trường việc làm nước này, gần 1 triệu lao động mất việc chỉ trong tháng 1.

Trong tháng 1, số lượng lao động có việc làm của Hàn Quốc giảm 980 triệu người xuống còn 25,82 triệu, giảm lần thứ 11 liên tiếp so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức giảm cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 (với 1,28 triệu người mất việc). Tỷ lệ thất nghiệp tại Hàn Quốc đã tăng vọt lên 5,7%, tăng 1,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. 

Người trẻ Hàn Quốc là nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong cuộc khủng hoảng này. Trong tháng 1, nhóm người lao động trong độ tuổi từ 15-29 chứng kiến khoảng 310.000 việc làm biến mất do tình hình tồi tệ trong các ngành vốn sử dụng nhiều lao động trẻ như nhà hàng, khách sạn. Tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm tuổi này tăng 1,8 điểm phần trăm lên 9,5%. 

Việc tuyển dụng lao động lớn tuổi, vốn được duy trì tương đối tốt, cũng bắt đầu có dấu hiệu lung lay. Số lượng lao động trên 60 tuổi có việc làm giảm 15.000 người, ngược lại so với mức tăng 250.000 người vào tháng 12 năm ngoái. 

Kể từ khi Tổng thống Moon Jae-in lên nắm quyền vào năm 2017, số lượng người trên 60 tuổi có việc làm bắt đầu tăng lên, trong khi đó với nhóm người trẻ lại sụt giảm. Xu hướng này chủ yếu xuất phát từ sự thay đổi nhân khẩu học với tỷ lệ sinh giảm. Tuy nhiên, vẫn còn một số nguyên nhân khác.

Đại dịch Covid-19 càng khiến xu hướng này diễn ra mạnh mẽ. Nhiều nhà hàng, cùng với các cơ sở thể thao và giải trí, buộc phải đóng cửa do các lệnh hạn chế phòng dịch Covid-19. Nhu cầu tuyển dụng nhân viên bán thời gian cũng giảm mạnh khiến nhiều người vật lộn kiếm việc làm.  

Hàn Quốc đối mặt khủng hoảng thất nghiệp tồi tệ nhất kể từ năm 1997 - Ảnh 2.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong một bài phát biểu ngày 5/2 - Ảnh: Nikkei Asia

Trong 4 năm qua, chính phủ Hàn Quốc đã chi khoảng 100 tỷ Won (90,47 tỷ USD) cho chính sách việc làm. Nhiều người cao tuổi kiếm được việc làm bán thời gian như vệ sinh, nấu ăn hoặc điều tiết giao thông tại các tổ chức công. Số lượng này bắt đầu giảm vào tháng 1 năm nay do các chương trình tạo việc làm như vậy hết hạn vào cuối năm 2020. Bên cạnh đó, thời tiết giá rét và tuyết rơi dày cũng khiến nhiều việc làm cho người cao tuổi phải hoãn lại. 

Để cải thiện tình hình, Tổng thống Moon Jae-in cho biết trước tiên chính phủ sẽ tăng cường vai trò của khu vực kinh tế công nhằm tạo ra nhiều việc làm mới với mục tiêu 900.000 việc làm trong quý 1. Đối với khu vực kinh tế tư nhân, chính phủ sẽ khuyến khích tạo và duy trì việc làm bằng cách mở rộng chính sách ưu đãi, miễn giảm thuế hoặc miễn một số quy định đối với doanh nghiệp. 

Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế Hàn Quốc, cơ quan tư vấn của Liên đoàn các ngành công nghiệp Hàn Quốc, khả năng thúc đẩy thị trường lao động của khu vực kinh tế công của nước này còn nhiều hạn chế. Do đó, để tạo việc làm lâu dài, chính phủ cần có các giải pháp toàn diện nhằm thúc đẩy hoạt động sôi nổi hơn trong khu vực kinh tế tư nhân, ví dụ như bãi bỏ một số quy định và cải thiện môi trường kinh doanh. 

PV