Không thể ưu đãi theo cách 'cho không'

00:00 12/10/2020

Các tổ chức tín dụng cũng là doanh nghiệp, không thể bỏ vốn ra ưu đãi theo cách “cho không” lãi suất 0% cho 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước, trong khi họ đang phải chịu rất nhiều chi phí liên quan đến đồng vốn đó.

sieu-uy-ban-9978-1586357824.jpg

"Siêu uỷ ban" đề xuất 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước được vay vốn lãi suất 0% trong tối thiểu 3 năm (Ảnh minh hoạ: Internet)

Trước tình trạng thua lỗ của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã đề xuất cơ chế cho các đơn vị này vay gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng, thời hạn cho vay tối thiểu 3 năm, lãi suất 0% phục vụ nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, thanh toán lương cho người lao động. Trong đó, riêng Vietnam Airlines đề nghị được hỗ trợ khoảng 12.000 tỷ đồng, bắt đầu giải ngân từ tháng 4/2020.

"Cứu" bằng cơ chế

Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước, hiện nay, các ngân hàng thương mại đã xây dựng và triển khai gói hỗ trợ tín dụng ưu đãi lãi suất từ 0,5% - 4,5% với tổng giá trị các gói tín dụng khoảng 285.000 nghìn tỷ đồng (tăng hơn 35.000 tỷ đồng so với Chỉ thị Thủ tướng Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước ban đầu).

Đồng thời, các ngân hàng tiếp tục xem xét giảm lãi suất đối với dư nợ hiện hữu, với mức lãi suất giảm từ 1% - 3%; tiếp tục xem xét không tính lãi phạt, giảm phí các dịch vụ ngân hàng.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, đây là những nỗ lực của ngành ngân hàng trong bối cảnh các tổ chức tín dụng cũng đang gián tiếp chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh như: nợ xấu tăng, tín dụng giảm, huy động vốn giảm...

Mới đây, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã có báo cáo gửi Chính phủ, cho biết do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hiện có 7/19 tập đoàn, tổng công ty đã bắt đầu không cân đối được thu chi, tổng số lỗ gần 3.730 tỷ đồng. Để "cứu" các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp và giúp doanh nghiệp có khả năng phục hồi sau dịch bệnh, "siêu uỷ ban" đã đề xuất 19 tập đoàn, tổng công ty không chỉ được tiếp cận gói tín dụng trên như một khách hàng thương mại bình thường với ưu đãi như các doanh nghiệp khác mà sẽ được vay tối thiểu 3 năm với lãi suất 0%.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia không đồng tình với đề xuất này và cho rằng khu vực cần ưu tiên nhất lúc này là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Một chuyên gia kinh tế khẳng định ảnh hưởng từ dịch bệnh là rất lớn đến nền kinh tế nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng. Vì vậy, một mình chính sách tiền tệ không thể giải quyết được những khó khăn hiện nay, mà cần sự vào cuộc mạnh mẽ của chính sách tài khóa.

Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp lớn, sức chịu đựng đối với dịch bệnh và khả năng phục hồi sau dịch sẽ cao hơn so với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do đó, các chính sách tiền tệ chỉ hỗ trợ một phần, Chính phủ vẫn phải dành nguồn lực để hỗ trợ những khu vực kinh tế yếu hơn.

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên trường Chính sách công và Quản lý Fullbright cho rằng theo ước tính sơ bộ, gói tín dụng 250.000 tỷ đồng cũng không đủ bù đắp tổn thất về doanh thu và những thiệt hại mà các doanh nghiệp đang đối mặt. Do đó, kể cả khi dành riêng gói tín dụng ưu đãi này cho 19 "ông lớn" cũng không thấm vào đâu.

Ngoài ra, theo chuyên gia này, nếu bây giờ cho các tập đoàn, tổng công ty cùng tiếp cận gói tín dụng, hỗ trợ ngang bằng với doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân thì sẽ xoá được sự quan liêu.

Đồng tình, TS Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Tài chính, Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh phân tích: do đặc điểm của các doanh nghiệp vừa và nhỏ cái gì cũng nhỏ nên cái gì cũng yếu từ tài sản đảm bảo, vốn... nên cần phải ưu tiên cho khu vực này trên hai bình diện: tính kịp thời và ưu tiên bằng vật chất, nghĩa là lãi suất bằng 0% càng tốt. Còn đối với các doanh nghiệp lớn, lực lượng doanh nghiệp quốc doanh cũng cần "cứu" nhưng cứu bằng cơ chế.

Không thể lấy tiền của dân "cho không" doanh nghiệp

Dưới góc nhìn của một chuyên gia ngành ngân hàng, TS Cấn Văn Lực cũng cho rằng đề xuất của "siêu uỷ ban" không khả thi ở 3 khía cạnh.

Thứ nhất, việc cho vay với lãi suất 0% chỉ áp dụng cho các khoản vay để đảm bảo an sinh xã hội. Cụ thể, tại Dự thảo Nghị định về gói hỗ trợ người lao động, đảm bảo an sinh xã hội để đối phó với tác động tiêu cực của dịch Covid-19 vừa được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ cũng chỉ đề xuất cơ chế cho các doanh nghiệp vay thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, thời hạn không quá 12 tháng, mức vay tối đa theo 50% mức lương tối thiểu vùng/tháng/người.

Những khoản vay này sẽ được dành để trả lương cho người lao động bị ngừng việc trong 3 tháng và doanh nghiệp có trách nhiệm trả số tiền lương ngừng việc còn lại cho người lao động. Dự kiến tổng gói này khoảng 16.200 tỷ đồng để hỗ trợ cho khoảng 3 triệu lao động.

Thứ hai, gói hỗ trợ 285.000 tỷ đồng của các ngân hàng thương mại không phải khoản tiền ngân sách nhà nước bỏ ra để hỗ trợ nền kinh tế, mà đó là nguồn vốn thương mại của các ngân hàng, tức là các ngân hàng phải huy động vốn từ người dân và doanh nghiệp để cho vay (hiện nay, lãi suất huy động dài hạn đang dao động từ 6,5% - 8,5%/năm).

Thứ ba, bản thân các tổ chức tín dụng cũng là doanh nghiệp, không thể bỏ vốn ra ưu đãi theo cách “cho không” doanh nghiệp khác được, trong khi họ đang phải chịu rất nhiều chi phí liên quan đến đồng vốn đó.

Tuy nhiên, theo TS Cấn Văn Lực, việc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước không được tiếp cận vốn lãi suất 0% không có nghĩa là “đường cụt”. Nếu chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 thì các “ông lớn” này hoàn toàn có thể tiếp cận vay gói tín dụng 285.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi mà các tổ chức tín dụng đang công bố. “Đấy là điều kiện ưu đãi rất tốt rồi”, ông Lực nêu quan điểm.

Huyền Anh