Đề án phát triển doanh nghiệp tỉnh Nghệ An đến năm 2025 đã xây dựng một hệ thống “tiêu điểm” để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động và thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp…
Đẩy mạnh tuyên truyền phát triển doanh nghiệp
Đề án nêu trên xác định, tiếp tục tuyên truyền sâu rộng các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển doanh nghiệp. Tạo sự thống nhất xuyên suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của doanh nghiệp đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.
Thực hiện công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin truyền thông về các chính sách hỗ trợ, khuyến khích nhằm thu hút sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân, hộ kinh doanh có tiềm năng chuyển đổi, thành lập doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về pháp luật, cơ chế chính sách và các nguyên tắc, cam kết quốc tế trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư. Cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về các cam kết, hiệp định song phương và đa phương mà Việt Nam tham gia.
Phát động mạnh mẽ phong trào khởi nghiệp
Tổ chức phát động các chương trình khởi nghiêp và đưa tinh thần khởi nghiệp lan toả đến với mọi người dân. Trong đó, chú trọng khơi dậy niềm đam mê, khát vọng làm giàu chính đáng cho bản thân, gia đình và đất nước đến với lực lượng thanh niên. Tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ thanh niên trong quá trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Xây dựng chính sách khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Kết nối ý tưởng khởi nghiệp với các nhà đầu tư tiềm năng. Thiết lập mạng lưới liên kết giữa các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo, chuyên gia…nhằm hỗ trợ thanh niên trong hợp tác, trao đổi thông tin, kiến thức và kỹ năng. Hỗ trợ các ý tưởng khởi nghiệp khả thi.
Tiếp tục kiện toàn Hệ sinh thái khởi nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp. Tạo điều kiện để doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tham gia vào các Trung tâm đổi mới sáng tạo nhằm kết nối nguồn lực. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư tư nhân xây dựng các Khu dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp tập trung, Khu làm việc chung, Vườn ươm khởi nghiệp.
Thúc đẩy thành lập doanh nghiệp mới
Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện công tác đăng ký kinh doanh qua mạng và giảm thời gian xử lý hồ sơ đăng ký kinh doanh xuống còn 50% theo quy định của Chính phủ. Tăng cường công tác tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp và thủ tục chuyển đổi doanh nghiệp để hạn chế tối đa việc trả lại hồ sơ cho doanh nghiệp.
Khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp. Các huyện, thị, thành thực hiện rà soát, thống kê các hộ kinh doanh trên địa bàn để đánh giá, phân loại các hộ kinh doanh đủ điều kiện chuyển đổi theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhằm vận động chuyển đổi sang doanh nghiệp. Phấn đấu giai đoạn 2021 – 2025, Nghệ An chuyển đổi khoảng 2.286 hộ kinh doanh thành doanh nghiệp.
Đẩy mạnh tuyên truyền đến các hộ kinh doanh, trong đó nhấn mạnh các lợi ích thiết thực khi thành lập doanh nghiệp như: Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; khả năng tiếp cận nguồn vốn; quyền thế chấp tài sản. Đặc biệt là tính minh bạch và tư cách pháp nhân trong giao dịch với đối tác trong và ngoài nước…nhằm mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Triển khai các hoạt động hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi sang loại hình doanh nghiệp, gồm: Hỗ trợ về thủ tục hành chính, bồi dưỡng kiến thức quản lý doanh nghiệp, nghiệp vụ kế toán, thủ tục thuế, đăng ký nhãn hiệu hàng hoá, hỗ trợ tín dụng, xúc tiến thương mại…Tổ chức tuyên dương kịp thời các hộ kinh doanh tiêu biểu, có doanh thu lớn, có đóng góp tích cực cho xã hội.
Phát triển doanh nghiệp mở rộng quy mô, xây dựng thương hiệu sản phẩm
Phát triển doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn để làm “đầu tàu” dẫn dắt ở một số ngành, lĩnh vực. Tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến đầu tư các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty trong và ngoài nước có uy tín, có năng lực tài chính đầu tư các dự án lớn trên địa bàn tỉnh. Thực hiện hiệu quả Nghị quyết 05/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Nghệ An về chính sách hỗ trợ đầu tư giai đoạn 2021 – 2025 để thu hút các dự án đầu tư lớn, có tính động lực. Tăng cường công tác hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư đang triển khai các dự án tại Nghệ An.
Khuyến khích việc liên kết, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp. Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp có quy mô lớn, có khả năng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, khẳng định vị trí của doanh nghiệp tại thị trường trong nước và khu vực. Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hoá gắn với nâng cao khả năng tiếp cận thị trường trong và ngoài nước thông qua chương trình xúc tiến thương mại.
Tăng cường liên kết doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị
Tạo mọi điều kiện để tăng cường sự liên kết phát triển giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh với các tập đoàn kinh tế mạnh, doanh nghiệp quy mô lớn, có năng lực tài chính và công nghệ cao. Hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị. Tổ chức kết nối doanh nghiệp có quy mô lớn trong lĩnh vực sản xuất, thương mại, dịch vụ với các doanh nghiệp nhỏ và vừa để hình thành các chuỗi cung ứng, sản xuất, bao tiêu sản phẩm, hàng hoá, nhất là lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Củng cố, nâng cấp mô hình sản xuất tập trung, liên kết sản xuất hiện có để hình thành cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị thuộc những ngành có tiềm năng phát triển như công nghệ thông tin, công nghiệp điện tử, cơ khí chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao, bảo quản và chế biến nông sản, thực phẩm…Hỗ trợ hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng, trước hết là chuỗi cung ứng hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu. Đẩy mạnh liên kết chuỗi, tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng nguyên vật liệu và doanh nghiệp phân phối, bán lẻ. Tổ chức các diễn đàn, các hội thảo về liên kết sản xuất và tiêu thụ, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết. Tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và các tổ chức quốc tế để kết nối, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia các chương trình, dự án nhằm phát triển cụm liên kết, tham gia chuỗi giá trị.
Chú trọng phát triển doanh nghiệp sản xuất công nghiệp
Hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, như: Chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp, chính sách hỗ trợ khuyến công, phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh. Trong đó, nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù khuyến khích phát triển một số ngành công nghiệp ưu tiên, có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao (cơ khí chế tạo, điện, điện tử, công nghệ thông tin…); chính sách phát triển hạ tầng thương mại, hạ tầng dịch vụ logistics…
Đổi mới và tăng cường hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư dự án sản xuất công nghiệp, nhất là tiếp cận các Tập đoàn FDI có quy mô lớn để lan toả, thu hút các nhà đầu tư vệ tinh. Tăng cường tính liên kết vùng trong thu hút đầu tư phù hợp với tiềm năng, thế mạnh từng địa phương và khu vực về nguyên vật liệu, nguồn nhân lực. Đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn, nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn trên cơ sở ưu tiên hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất tiểu thủ công nghiệp, hỗ trợ các mô hình khởi nghiệp sáng tạo.
Bên cạnh đó, Đề án phát triển doanh nghiệp tỉnh Nghệ An đến năm 2025 còn xây dựng một hệ thống “tiêu điểm” để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động và thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Tin rằng, khi thực hiện hiệu quả những giải pháp trên, Nghệ An sẽ “khơi thông” được “điểm nghẽn” trong phát triển doanh nghiệp.
Văn Cương – Hoàng Lan