Khởi nghiệp chỉ với 20 USD
Ông Yang Bing-Yi sinh ra và lớn lên tại tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. Năm 1948, ông chuyển tới Đài Loan khi trong túi chỉ còn vỏn vẹn 20 USD.
Tại Đài Loan, ông xin làm nhân viên giao hàng cho một cửa hàng nhỏ bán dầu ăn có tên là Heng Tai Fung để kiếm tiền duy trì cuộc sống. Sau một thời gian làm việc, ông được cất nhắc lên làm phụ trách mạng lưới khách hàng và hàng tồn kho của cửa hàng.
Năm 28 tuổi, ông kết hôn với người đồng nghiệp Lai Pen-mei. Hai người cùng nhau gây dựng sự nghiệp bằng cách mở cửa hàng bán dầu ăn riêng, lấy tên là Din Tai Fung vào năm 1958. Được biết, lý do hai vợ chồng ông Yang đặt tên cửa hàng như vậy vì cụm từ “Din” đề cập đến một chiếc bình nấu ăn, trong khi “Tai Fung” kết hợp các ký tự cho “hòa bình” và “sự phong phú”.
Ban đầu, cửa hàng bán dầu ăn Din Tai Fung được đặt trên đường Xinyi ở Đài Loan, sản phẩm chính của cửa hàng là dầu đậu phộng đóng chai. Đến năm 1972, công việc kinh doanh của ông Yang ngày càng khó khăn bởi nhu cầu dầu đậu phộng chai giảm sút nên hai vợ chồng bán thêm tiểu long bao và nhiều đặc sản khác của Trung Quốc để duy trì cửa hàng. May mắn rằng, những món ăn này được yêu thích tới mức nhà hàng Din Tai Fung cuối cùng chỉ tập trung làm món tiểu long bao và các món ăn Trung Quốc khác.
Sau nhiều năm, kỹ năng làm tiểu long bao của ông Yang càng ngày càng tiến bộ. Ông lắng nghe đóng góp của khách hàng và liên tục chỉnh sửa công thức của Din Tai Fung để làm ra món ăn với hương vị tuyệt hảo nhất.
Sự ra đời của chuỗi nhà hàng dimsum nổi tiếng thế giới
Đến năm 1993, cửa hàng của ông Yang vẫn chỉ nổi tiếng với những người sành ăn địa phương. Sau đó, tờ New York Times đưa Din Tai Fung vào một bài đăng về các nhà hàng ngon nhất thế giới, nhận xét nhà hàng này khiêm nhường và "rất sạch sẽ". Kể từ đó, Din Tai Fung đột ngột thu hút những thực khách nước ngoài tò mò.
Vào năm 1996, ông Yang mở nhà hàng Din Tai Fung chuyên về ẩm thực đầu tiên ở Tokyo. Năm 2000, chuỗi nhà hàng mở rộng địa bàn hoạt động sang Mỹ.
Theo một đầu bếp của Din Tai Fung tại Mỹ chia sẻ, nhân viên bếp cần ít nhất 6 tháng để học cách làm, trong đó có 18 lần gập bắt buộc khi tạo hình cho bánh bao, há cảo. Ông Yang Bing-Yi hướng đến sự hoàn hảo và chính xác nhất của từng chiếc tiểu long bao, từ đường kính của giấy gói và trọng lượng của mỗi chiếc bánh.
Từ một cửa hàng nhỏ với chỉ 4 bàn ăn, ông Yang Bing-yi và vợ đã gây dựng nên chuỗi cửa hàng với 170 chi nhánh trên khắp Đài Loan, Trung Quốc và 13 quốc gia khác. Năm 2009, nhà hàng này còn nhận được sao Michelin. Và dù không phải là người nghĩ ra tiểu long bao, Din Tai Fung lại thành công trong việc đưa món ăn này ra thế giới trong thời điểm ít người ngoại quốc biết đến nó.
Năm 2007, họ đã ghi nhận doanh thu 22 triệu USD và bán gần 15 triệu bánh mỗi năm.
Năm ngoái, chỉ tính riêng 5 cửa hàng tại Đài Loan đã mang về 44 triệu USD doanh thu cho chuỗi nhà hàng, nâng tổng doanh thu của Din Tai Fung trong năm 2022 lên mức 150 triệu USD.
H.C (t/h)