Bloomberg đưa tin theo một cuộc khảo sát của Ngân hàng Mỹ (BofA), những người trẻ giàu có ở Mỹ đã mất niềm tin vào thị trường chứng khoán. Họ không còn tin rằng chứng khoán là kênh làm giàu chính và bắt đầu tìm kiếm những khoản đầu tư thay thế.
Theo cuộc khảo sát được BofA công bố hôm 11/10, những người trẻ từ 21 đến 42 tuổi, nắm giữ trên 3 triệu USD, chỉ phân bổ 25% danh mục đầu tư cho cổ phiếu. Để so sánh, chứng khoán chiếm tới 50% danh mục đầu tư của nhóm lớn tuổi hơn.
Theo truyền thống, các nhà quản lý tài sản thường khuyến nghị người trẻ tuổi tiếp xúc nhiều hơn với thị trường chứng khoán, vì họ có lợi thế về thời gian. Đầu tư dài hơn giúp tăng lãi tốt hơn.
Dữ liệu lịch sử cho thấy, chỉ số S&P 500 cho hiệu suất trung bình 12%/năm kể từ khi ra mắt năm 1957 đến cuối năm 2021. Tuy nhiên, năm nay, chỉ số này đã giảm 24% trong bối cảnh thị trường hỗn loạn và lạm phát tăng.
Mất niềm tin vào chứng khoán, thế hệ trẻ tin rằng theo thời gian, danh mục đầu tư truyền thống - bao gồm cổ phiếu và trái phiếu sẽ không còn mang lại khoản lời vượt trội, theo ông Jeff Busconi, Giám đốc điều hành tại Bank of America Private Bank.
Thay vì chứng khoán, những người trẻ tuổi tin vào tiềm năng của các tài sản như tiền mã hóa, bất động sản và quỹ đầu tư tư nhân.
BofA đã thực hiện cuộc khảo sát với 1.052 người dành hơn 3 triệu USD để đầu tư. Theo đó, những người trẻ phân bổ 15% danh mục đầu tư cho tiền mã hóa. Đối với nhóm lớn tuổi hơn, tỷ lệ này chỉ vỏn vẹn 2%.
Những người giàu trẻ tuổi ở Mỹ không còn coi chứng khoán là kênh làm giàu chính. Thay vào đó, họ tin vào tiềm năng của các tài sản như tiền mã hóa, bất động sản.
Ngọc Phi (tổng hợp)