Khách du lịch Tây Ban Nha đến Việt Nam: Thị trường tiềm năng còn bỏ ngỏ

11:13 09/10/2021

Trong lộ trình chuẩn bị mở cửa đón khách du lịch quốc tế, Tây Ban Nha được đánh giá là một trong những thị trường tiềm năng đối với du lịch Việt Nam bởi nguồn khách có khả năng chi tiêu cao, lưu trú dài ngày, cần nghiên cứu, đưa ra các giải pháp để khai thác hiệu quả.

Nhằm chia sẻ thông tin về thị trường khách mục tiêu của Việt Nam, nhất là sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch Việt Nam đã tổ chức Hội thảo trực tuyến “Giải pháp thu hút khách du lịch Tây Ban Nha đến Việt Nam trong bối cảnh mới”.

Những năm gần đây, Việt Nam liên tục nằm trong nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Năm 2019, Việt Nam thu hút được trên 18 triệu lượt khách quốc tế (tăng 16,2% so với năm 2018), cao nhất từ trước đến nay và với đà tăng trưởng cao ngoạn mục trong 5 năm liên tiếp, ngành du lịch đặt mục tiêu thu hút 20 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2020. 

Việt Nam đang nằm trong nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới.
Việt Nam đang nằm trong nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. (Ảnh: Internet)

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, năm 2020 du lịch Việt Nam chịu tổn thất nặng nề. Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 3,8 triệu lượt, giảm 80%, khách du lịch nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm 34,1% so với năm trước, tổng thu du lịch cũng giảm 58% (mức giảm tương đương 19 tỷ USD). Năm 2021, đại dịch Covid-19 trên thế giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, gây khó khăn lớn cho ngành du lịch.

Trước bối cảnh ấy, ngành du lịch Việt Nam đang cùng chung tay hành động với sự đồng lòng vào cuộc của cả doanh nghiệp, địa phương và cơ quan quản lý để cơ cấu lại nguồn khách, cơ cấu lại sản phẩm du lịch phù hợp để đón nhận cơ hội mới. Trong đó, những đổi mới, sáng tạo trong cách làm du lịch thời Covid-19 sẽ là nền tảng tạo đà để du lịch Việt Nam mau chóng phục hồi và đạt được các mục tiêu tăng trưởng đề ra trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030.

Theo Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch Việt Nam, bên cạnh các thị trường lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc... ngành du lịch cần phải chủ động nghiên cứu, xúc tiến và đẩy mạnh khai thác những thị trường quan trọng, giàu tiềm năng khác. Trong đó, khách du lịch Tây Ban Nha thuộc khu vực châu Âu, là một trong những thị trường khách có khả năng chi tiêu cao, lưu trú dài ngày, có tốc độ tăng trưởng cao của du lịch Việt Nam nhưng số khách thu hút được chưa nhiều.

Tây Ban Nha có dân số gần 48 triệu người, GDP bình quân đầu người 27.000 USD, ngành du lịch và dịch vụ đóng góp 70,9% GDP của nước này. Hàng năm, Tây Ban Nha thu hút hơn 80 triệu du khách quốc tế, đứng thứ 2 trên thế giới chỉ sau Pháp và có gần 23 triệu lượt khách đi du lịch nước ngoài (năm 2019). Giai đoạn 2008 - 2019, số lượng khách du lịch Tây Ban Nha đi du lịch nước ngoài khá lớn, dao động trong khoảng 13-23 triệu lượt, chiếm khoảng 48% dân số nước này.

Tuy nhiên, hiện số lượng khách du lịch Tây Ban Nha đến Việt Nam vẫn còn khiếm tốn. Cụ thể, năm 2013, khách Tây Ban Nha đến Việt Nam đạt 33.183 lượt, năm 2019 đạt 83.597 lượt, tăng trưởng trung bình giai đoạn 2013-2019 là 17%/năm. So với con số xấp xỉ 23 triệu khách Tây Ban Nha đi du lịch nước ngoài năm 2019 thì số khách Tây Ban Nha đến Việt Nam chiếm chưa đến 0,5%. Ngoài ra, mức chi tiêu bình quân 1 khách Tây Ban Nha đến Việt Nam là 1.477,33 USD, trong đó khách tiêu trong tour 838,43 USD, tiêu ngoài tour 918,85 USD.

Đặc điểm của khách Tây Ban Nha, đó là họ thường đi du lịch theo đoàn vào mùa hè, độ dài chuyến đi đến những điểm đến xa thường kéo tới hơn 2 tuần. Du lịch văn hóa, tham quan bảo tàng, trải nghiệm văn hóa bản địa, mua sắm, nghỉ dưỡng là mục đích chủ yếu của khách du lịch Tây Ban Nha. Mặt khác, đa số người Tây Ban Nha đều lên kế hoạch du lịch từ rất sớm cho chuyến đi dài ngày và thường đặt tour du lịch online và đi du lịch theo chủ đề như du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng... Bên cạnh đó, yếu tố ẩm thực ngày càng trở nên quan trọng và được chi tiêu nhiều trong hành trình trải nghiệm của họ.

Với những đặc điểm, xu hướng và thị hiếu của khách du lịch Tây Ban Nha nêu trên, bà Đỗ Thị Thanh Hoa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng, ngành du lịch cần xây dựng những sản phẩm du lịch phù hợp, đáp ứng đầy đủ các nhu cầu và làm hài lòng các du khách, từ đó có đưa ra các giải pháp thu hút khách du lịch Tây Ban Nha đến Việt Nam trong bối cảnh mới.

Cụ thể, đề xuất đưa ra đó là để có thể thu hút được thị trường khách tiềm năng như Tây Ban Nha, cần phải có nghiên cứu đầy đủ về phân khúc thị trường này để hiểu rõ hơn về nhu cầu, thị hiếu, mục đích chuyến đi, hình thức tham quan, mong muốn khám phá, trải nghiệm, mức chi tiêu, độ tuổi hay các xu hướng về tiêu dùng trong du lịch… Đặc biệt là những thay đổi trong xu hướng đi du lịch của khách Tây Ban Nha sau đại dịch Covid 19 để từ đó có thể đề xuất một số giải pháp tăng cường và thu hút khách du lịch Tây Ban Nha đến Việt Nam có hiệu quả.

Ngoài ra, thống kê của Tổng cục Du lịch Việt Nam, hiện nay cả nước có khoảng 17.000 hướng dẫn viên du lịch quốc tế nhưng chỉ có 1,6% hướng dẫn viên tiếng Tây Ban Nha, chủ yếu tập trung ở các tỉnh, thành phố lớn. Tình hình nêu trên đòi hỏi ngành du lịch Việt Nam cần sớm có định hướng dài hạn phù hợp để đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực là hướng dẫn viên chuyên nghiệp nói tiếng Tây Ban Nha được cấp thẻ hành nghề đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường khách tiềm năng này.

Được biết, kể từ năm 2018, Việt Nam đã đơn phương miễn thị thực trong vòng 15 ngày cho khách du lịch đến từ một số nước Tây Âu, trong đó có Tây Ban Nha. Tuy nhiên, thời gian tới, nhiều ý kiến cho rằng, cần gia tăng số ngày miễn visa cho du khách Tây Ban Nha đến Việt Nam từ 15 ngày lên 30 ngày bởi đây là dòng khách đi du lịch trong thời gian dài; đẩy mạnh tour du lịch về đêm để thu hút khách tăng chi tiêu cũng như thời gian lưu trú khi đến Việt Nam.

Mai Anh