Nhiều năm qua ông “vua hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyễn vẫn kiên trì đeo đuổi ý tưởng về việc xây dựng và phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, như một cách xây tổ cho “đại bàng chúa” hạ cánh, để dòng tiền cũng theo đó bay về…
Bà Lê Hồng Thuỷ Tiên, Tổng Giám đốc Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) đã rất khách quan khi nói chồng mình là “một doanh nhân cực kỳ yêu nước”!
Ông Hạnh bây giờ tuy đã lùi về tuyến sau, ngồi ở ghế Chủ tịch Hội đồng thành viên IPPG và cũng đã nhập lại quốc tịch Việt Nam với cái tên mới xuất hiện trong văn bản hành chính gần đây là Nguyễn Hạnh. Nhưng hành trình cuộc đời ông là minh chứng rõ nét nhất về lòng yêu nước mà ai cũng thấy và uy tín lớn của ông trên thương trường quốc tế cũng vì thế mà ngày càng được nâng cao hơn, nhất là qua những mục tiêu phát triển kinh tế bền vững và có trách nhiệm.
Tìm cơ chế cho "Đại bàng chúa"
Gọi ông giữa chiều chủ nhật để “chắc chắn hơn” về những gì mà Đà Nẵng và một số nơi đang chuyển động theo ý tưởng đề xuất của IPPG, ông nghe máy ngay và tiếng cười lạc quan quen thuộc vẫn giòn tan.
Một quốc gia muốn phát triển nhanh phải có số tiền lớn và dòng tiền phải được kiểm soát, nên cần có trung tâm tài chính minh bạch, có phải vậy không? “Trung tâm tài chính để các nhà đầu tư đổ tiền vào một cách có kiểm soát. Mà bây giờ, cụm từ trung tâm tài chính đã có một nghĩa mới, không phải là xây mấy tòa nhà lên rồi kêu gọi các ngân hàng đến thuê đạt văn phòng tại đó. Còn trung tâm tài chính đúng nghĩa thì phải cần chính sách đặc thù cho những nhà đầu tư có uy tín trong top ngành tài chính của thế giới, để họ huy động được các đại bàng chúa đổ tiền vào”, ông giải thích nhanh khi chúng tôi đặt vấn đề.
Theo ông, đến thời điểm này Việt Nam vẫn chưa có “đại bàng chúa” xuất hiện. “Không phải đại bàng chúa nào cũng đổ tiền vào ngay. Do cơ chế, chính sách mình chưa có. Họ chỉ đổ tiền vào những quốc gia, vùng lãnh thổ nào có cơ chế chính sách hấp dẫn cạnh tranh và họ chấp nhận được, ví dụ như Hồng Kông, Singapore. Khi dòng tiền các nhà đầu tư bỏ vào trung tâm tài chính thì không phải nằm yên. Nó phải vận động đầu tư qua những mô hình kinh tế hiện đại như khu thương mại tự do, khu phi thuế quan, các khu nghỉ dưỡng phức hợp cao cấp; đầu tư vào các ngành nghề Việt Nam cần phát triển kinh tế … Mà hiện nay theo xu hướng phát triển của thế giới, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 các khu thương mại tự do và khu phi thuế quan được chính phủ các nước trong châu A khuyến khích mở rộng để thu hút đầu tư, tăng trưởng mua sắm tiêu dùng nội địa. Các khu phi thuế quan của mình hiện nay lạc hậu quá rồi. Trung Quốc và các nước đã đi trước mình hai chục năm!”, ông nói.
Đào sâu nghiên cứu câu chuyện phát triển thần kỳ bất chấp đại dịch thế kỷ của Hải Nam (Trung Quốc), ông cho rằng đó là mô hình phát triển kinh tế cho các vùng sâu rất tốt mà Việt Nam nên tham khảo. Ông nói: “Đó là mô hình thương mại tự do mới nhất hiện nay. Chỉ sau 2 năm mở cửa doanh số đã lên đến 9,4 tỉ USD. Người Trung Quốc không còn đi ra nước ngoài mua sắm nữa. Dân Trung Quốc xuống Hải Nam mua đồ miễn thuế như đi du lịch. Trong khi chỉ vài năm trước nơi đây là khu thương mại tự do, phát triển chậm và chính quyền đã có bước đột phá mạnh mẽ về cơ chế để thay đổi. Đảo Hải Nam sau 2 năm có 658 tỉ USD vốn đầu tư. Đất thành quý hiếm, ai cũng nhào tới kinh doanh”.
Tìm nhà đầu tư chiến lược để phát triển những vùng kinh tế trọng điểm
Ngược về những năm trước, tại lễ khởi công nhà ga “tổ yến” ở Cam Ranh, chúng tôi đã có dịp chứng kiến những phút giây xúc động của ông khi chia sẻ về khoảnh khắc cuộc đời mình. Là dân Nha Trang, có cơ duyên lập nghiệp và thành công trong lĩnh vực hàng không trên đất Mỹ, nên “món quà cho quê hương” không gì ý nghĩa hơn một công trình chất lượng và mang tính biểu tượng cao. “Mong ước sân bay này sẽ đạt tiêu chuẩn bốn sao cộng. Sẽ là khởi đầu của công ty cổ phần đầu tiên do tư nhân tham gia sáng lập, để góp sức phát triển nền kinh tế đất nước”. Ngày nay, “tổ yến Cam Ranh” cũng đang nhộn nhịp trở lại sau thời gian “ngủ đông” do tác động kinh hoàng của đại dịch toàn cầu.
“Phải nhìn lớn. Cũng một mãnh đất đó, nhà đầu tư đúng tầm, có tâm, đầu tư đẳng cấp, đúng cái địa phương cần, họ có thể tạo ra nhiều lợi ích cộng hưởng thêm cho địa phương, giúp phát triển kinh tế quốc gia thông qua những lợi ích gia tăng kéo theo như thu hút khách quốc tế, thu hút thêm nhà đầu tư… chứ không đơn thuần chỉ bán bất động sản”, ông nói.
Là người “cầm chịch” xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam của nhóm liên danh gồm các nhà đầu tư hùng mạnh nước ngoài, ông tiết lộ: “Tận dụng lợi thế về kinh nghiệm, nguồn lực của các nhà đầu tư trong liên danh, IPPG đã trao đổi và thống nhất ngay sau khi các thể chế, cơ chế chính sách của Trung tâm tài chính được Việt Nam thông qua, IPPG cùng các nhà đầu tư sẽ đồng bộ triển khai các dự án trọng điểm tại 9 tỉnh, thành với quy mô vốn lên đến hàng trăm tỉ USD”.
Cuối năm 2020, IPPG đã ký kết hợp tác với quan trọng với Lotte PK Duty Free – được coi như “ông trùm” của ngành kinh doanh miễn thuế tại Hàn Quốc, để phát triển chuỗi cửa hàng miễn thuế tại Đà Nẵng và Trung tâm thương mại Tràng Tiền (Hà Nội). Bên cạnh đó, cũng không dừng lại Phú Quốc, IPPG đang có kế hoạch mở thêm hai khu mua sắm khủng ở các tỉnh thành khác vì xác định đó là điểm đến không thể thiếu trong bài toán thu hút khách quốc tế. “Ngoài các dự án phi thuế quan, chúng tôi cũng sẽ phát triển các dự án phố hàng hiệu tại các đô thị thương mại dịch vụ lớn, tạo thành những điểm đến sầm uất liên hoàn trong hơn 40 đề án trọng điểm mà tập đoàn và liên danh các nhà đầu tư đã đề xuất”, ông chia sẻ.
Và nếu không có gì thay đổi, chuyến bay đầu tiên của hãng hàng không vận tải hàng hoá mang tên IPP Air Cargo do ông sáng lập sẽ đáp xuống sân bay quốc tế Đà Nẵng vào ngày 6/6/2022, cùng thời điểm khai mạc hội thảo mở rộng các tuyến hàng không châu A do IPPG giành quyền đăng cai và tài trợ. Đây cũng sẽ là bước đột phá ngoạn mục của một doanh nhân từng được mệnh danh “người đi mở đường bay”, giúp Việt Nam phá thế cấm vận vươn mình hội nhập với thế giới từ hơn 30 năm trước.
Hoàng Khanh