Indonesia điều tra gia hạn tự vệ một số mặt hàng sợi vải nhập khẩu

14:10 01/05/2022

Hiệp hội Dệt may Indonesia (API) cho rằng, một số sản phẩm sợi nhập khẩu tiếp tục gia tăng gây ra thiệt hại hoặc đe dọa thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất nội địa mặc dù các sản phẩm nhập khẩu đã bị áp dụng thuế tự vệ từ năm 2020.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Ủy ban Tự vệ Indonesia (KPPI) mới đây đã ra thông báo khởi xướng điều tra gia hạn biện pháp tự vệ đối với một số nhóm sản phẩm sợi vải nhập khẩu. Vụ việc được tiến hành trên cơ sở xem xét yêu cầu của Hiệp hội Dệt may Indonesia (API).

Theo đó, Hiệp hội Dệt may Indonesia (API) cho rằng, một số sản phẩm sợi nhập khẩu tiếp tục gia tăng gây ra thiệt hại hoặc đe dọa thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất nội địa mặc dù các sản phẩm nhập khẩu đã bị áp dụng thuế tự vệ từ năm 2020.

Các bên liên quan cần gửi yêu cầu tham gia bằng văn bản trong vòng 15 ngày kể từ ngày khởi xướng điều tra (ngày 25/4/2022).

Địa chỉ nhận thông tin: Indonesian Safeguards Committee Komite Pengamanan Perdagangan Indonesia (KPPI). MI Ridwan Rais Street No. 5, Building I, 5th Floor, Jakarta 10110; Tel/Fax: (021) 3857758; E-mail: kppi@kemendag.go.id.

Thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu xử lý trong trường hợp hàng hóa xuất khẩu bị nước ngoài điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, Cục Phòng vệ thương mại (PVTM), Bộ Công Thương khuyến nghị các hiệp hội và doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu liên quan: Liên lạc với Cơ quan điều tra (KPPI) theo địa chỉ trên để đăng ký làm bên liên quan trong thời hạn quy định; Cung cấp thông tin hợp lý và đúng hạn theo yêu cầu của Cơ quan điều tra trong suốt quá trình vụ việc diễn ra; Phối hợp, trao đổi thông tin với các đối tác nhập khẩu của Indonesia để có ý kiến với Chính phủ Indonesia, yêu cầu xem xét lợi ích kinh tế xã hội và quyền lợi của người tiêu dùng; Liên hệ và phối hợp chặt chẽ với Cục PVTM để trao đổi thông tin và nhận được sự hỗ trợ kịp thời trong trường hợp cần thiết.

Cục Phòng vệ thương mại lưu ý thêm, bất kỳ hành động thể hiện sự bất hợp tác hoặc hợp tác không đầy đủ có thể dẫn tới việc Cơ quan điều tra Indonesia sử dụng các chứng cứ sẵn có bất lợi hoặc gia hạn biện pháp tự vệ theo đề xuất của nguyên đơn. Đặc biệt, việc bị tiếp tục áp dụng biện pháp tự vệ có thể làm giảm lợi thế cạnh tranh, có nguy cơ mất một phần hoặc toàn bộ thị trường xuất khẩu cho ngành sản xuất trong nước của Indonesia và/hoặc các đối thủ từ các quốc gia khác.

Trong thời gian tới, việc hiểu được các thông tin thị trường Indonesia nêu trên là yêu cầu bắt buộc để doanh nghiệp Việt Nam có thể làm ăn kinh doanh lâu dài với đối tác thương mại quan trọng này.

Minh Tú