Nguồn cung ngoại tệ lớn sẽ đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với các nước đang phát triển và cần rất nhiều vốn như Việt Nam, giúp đất nước giảm thiểu nhiều rủi ro trong quá trình huy động vốn, giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn nước ngoài, mà còn giúp tỷ giá Việt Nam ổn định trước “cơn sóng” lớn từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung.
Nguồn cung ngoại hối dồi dào
Theo các chuyên gia, trong những năm gần đây, tổng nguồn cung ngoại hối của cả nước đang có xu hướng tăng mạnh. Tính đến hết tháng 4/2019, dự trữ ngoại hối có thể đạt tới con số kỷ lục là 66 tỷ USD.
Cung ngoại hối đến từ 4 nguồn chính, bao gồm từ giải ngân vốn FDI, thặng dư thương mại, kiều bào ở nước ngoài chuyển về cho người thân và đặc biệt là nguồn đến từ các thương vụ M&A lớn với nguồn ngoại tệ vào Việt Nam lên tới hàng tỷ USD.
Số liệu báo cáo từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Tp.HCM cũng cho thấy trong 8 tháng đầu năm 2019 đã có 3,65 tỷ USD kiều hối chuyển về nước qua các tổ chức tín dụng trên địa bàn Tp.HCM. Ước tính cả năm 2019, tổng lượng kiều hối chuyển về Tp.HCM sẽ đạt 5,6 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, kiều hối chuyển về Tp.HCM những năm qua luôn chiếm 52-55% tổng lượng kiều hối chuyển vào Việt Nam. Gần đây, tổng lượng kiều hối cả nước đang có xu hướng tăng nhờ thị trường xuất khẩu, nên tỷ trọng kiều hối ở Tp.HCM giảm xuống còn khoảng 47- 48% so với tổng kiều hối cả nước.
Nếu so với nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu thì kiều hối là khá nhỏ, thế nhưng nếu so với xuất khẩu ròng thì nguồn thu kiều hối lại lớn hơn rất nhiều lần. Thậm chí, nguồn thu kiều hối hiện đã tương đương với nguồn vốn giải ngân FDI.
Kiều hối góp phần đưa dự trữ ngoại tệ lên mức kỷ lục
Số liệu thống kê cho thấy chỉ riêng năm 2018, kiều hối về Việt Nam đã đạt kỷ lục 15,9 tỷ USD, chiếm 6,6% tổng sản phẩm quốc nội của đất nước.
Trao đổi với phóng viên, một chuyên gia tài chính nhận định nguồn kiều hối chuyển về Việt Nam năm nay sẽ tiếp tục khả quan. Tuy nhiên, có một thực tế là việc phân phối kiều hối hiện nay có thể không đồng đều so với một số khu vực kém phát triển hơn và không thể thu được lợi ích kinh tế mà kiều hối mang lại.
“Chính sách thu hút kiều hối của Việt Nam ngày càng có sự thông thoáng, tạo điều kiện cho kiều bào chuyển tiền về Việt Nam, bổ sung nguồn vốn vào sản xuất kinh doanh, tăng tiêu dùng và thúc đẩy gia tăng đầu tư. Tuy nhiên, hiện nay, dịch vụ chi trả kiều hối tại các tỉnh nhỏ và vùng nông thôn vẫn còn hạn chế. Do đó, nếu dịch vụ này trải dài đồng đều khắp đất nước thì tổng lượng kiều hối của Việt Nam sẽ còn tăng mạnh hơn nữa”, chuyên gia này nhận định.
Gần đây, một số ngân hàng kết hợp với các tổ chức cung cấp các giải pháp chuyển tiền thông minh đối với dịch vụ chi trả kiều hối nhằm hút nguồn kiều hối từ nước ngoài về Việt Nam. Chẳng hạn như SeABank vừa “bắt tay” với Thunes cho phép người sử dụng các dịch vụ tài chính liên quan tiếp cận tới kiều hối một cách nhanh chóng, thuận tiện tại hơn 10.000 địa điểm bưu điện Việt Nam.
“Nắn” dòng kiều hối
Theo phân tích, gần đây, lượng kiều hối chuyển vào lĩnh vực đầu tư bất động sản và chứng khoán tăng mạnh. Thống kê của NHNN Chi nhánh Tp.HCM cho thấy trong năm 2018, 22% lượng kiều hồi đổ vào lĩnh vực buôn bán bất động sản.
Dự kiến, trong năm nay, lượng kiều hối đổ vào lĩnh vực bất động sản tiếp tục tăng do thị trường này được đánh giá đang trên đà khởi sắc. Ngoài ra, những biện pháp của NHNN trong hạn chế rủi ro cho vay bất động sản sẽ tiếp tục tác động thị trường bất động sản năm 2019, nhưng lại trở thành điểm lợi cho kiều hối. Nguyên nhân là nếu NHNN siết chặt tín dụng bất động sản thì các nhà đầu tư sẽ buộc phải đi tìm nguồn đầu tư thay thế, trong đó có kiều hối.
Tuy nhiên, một số ý kiến lo ngại kiều hối đổ vào lĩnh vực này chủ yếu để “lướt sóng”, vì vậy nếu không được kiểm soát chặt có thể tạo nên bong bóng giá tài sản.
Ts. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, cho rằng tổng lượng ngoại tệ tăng mỗi năm là điều tích cực. Tuy nhiên, vì đây là nguồn tiền của dân nên việc quyết định đầu tư vào đâu là quyền của họ, phụ thuộc vào họ đặt niềm tin vào lĩnh vực nào: sản xuất kinh doanh, bất động sản, cổ phiếu, gửi tiết kiệm ngân hàng…
Chính vì vậy, muốn hướng kiều bào đầu tư vào sản xuất kinh doanh hay những hoạt động khác mang lại lợi ích cho nền kinh tế đất nước, Chính phủ cần có những chính sách tích cực để tạo niềm tin cho họ, hay những người thụ hưởng nguồn tiền này.
“Để có thể tận dụng nguồn kiều hối, Việt Nam cần phải tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, thay đổi môi trường đầu tư theo hướng tích cực, đặc biệt là hạn chế thay đổi đột ngột các quy định trong hoạt động đầu tư, nới lỏng các quy định, điều khoản, thủ tục hành chính…”, ông Doanh nhấn mạnh.
Hoàng Hà