Huawei phát triển các công cụ thiết kế chip tiên tiến thay thế sản phẩm từ Mỹ

23:17 28/03/2023

Theo Tạp chí tài chính Caijing của Trung Quốc, trong bài phát biểu ngày 28/2, Chủ tịch Xu Zhijun ho biết, công ty sẽ hoàn thành thử nghiệm công cụ trong năm nay.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Theo Bloomberg, Huawei phát triển các công cụ phần mềm có khả năng thiết kế chip tiên tiến tới quy trình 14 nm, hỗ trợ các công ty Trung Quốc vượt qua lệnh trừng phạt của Mỹ, đồng thời thay thế công nghệ của đối thủ.

Trong nhóm nội bộ lãnh đạo tập đoàn, Chủ tịch luân phiên Huawei Eric Xu cho biết đã làm việc với các đối tác Trung Quốc, tiến đến xây dựng những công cụ cần thiết cho việc tạo ra dòng chip tiên tiến hơn.

Theo tạp chí tài chính Caijing của Trung Quốc, trong bài phát biểu ngày 28/2, Chủ tịch Xu Zhijun ho biết, công ty sẽ hoàn thành thử nghiệm công cụ trong năm nay.

Theo Caijing, Huawei đã hợp tác với các hãng EDA trong nước để viết phần mềm, “bản địa hóa các công cụ EDA trên 14nm”. Huawei sẽ cho phép đối tác và khách hàng dùng phần mềm này.

EDA chỉ chung phần mềm, phần cứng và dịch vụ cần thiết để lên kế hoạch, thiết kế và sản xuất chip. Vài thập kỷ trước, bảng mạch phần lớn được thiết kế thủ công, song hiện tại chip trở nên quá phức tạp đến mức không thể tránh khỏi tự động hóa và thiết kế trên máy tính.

Huawei nằm trong nhóm doanh nghiệp Trung Quốc đang nỗ lực thay thế linh kiện và phần mềm của Mỹ, từ chip AI cho đến các công cụ EDA – một lĩnh vực do các công ty Mỹ như Cadence Design Systems và Synopsys thống trị.

"Về cơ bản, chúng tôi xác định mục tiêu xây dựng các công cụ để thiết kế chip tiên tiến như 14 nm", Xu cho biết trong một sự kiện của công ty vào ngày 28/2.

Tiến trình 14 nm chậm hơn 4 thế hệ so với các sản phẩm thương mại mới nhất hiện có, nhưng đã là công nghệ tốt thứ 2 ở Trung Quốc. SMIC hiện có khả năng sản xuất chip 7 nm.

Huawei – nhà cung ứng thiết bị viễn thông lớn của thế giới – là mục tiêu của nhiều biện pháp cấm vận xuất khẩu của Mỹ từ năm 2019. Điều đó hạn chế Huawei tiếp cận nguồn cung chip và công cụ thiết kế chip từ các công ty Mỹ.

Ông Xu tiết lộ, Huawei đã thay thế 78 phần mềm bị ảnh hưởng do lệnh cấm của Washington bằng công cụ nội địa. Ngoài ra, công ty cũng đạt nhiều thành tựu trong các công cụ phát triển sản phẩm trong 3 năm qua.

Huawei sẽ tăng cường thu hút nhân tài từ khắp nơi để đạt được đột phá chiến lược trong lĩnh vực. Theo Xiang Ligang, Giám đốc Liên minh  Information Consumption, các lệnh cấm xuất khẩu của Mỹ đối với công nghệ chip hiện đại sang Trung Quốc tạo động lực để các công ty Trung Quốc nỗ lực phân bổ nguồn lực để đạt tiến bộ.

Năm ngoái, doanh thu trong lĩnh vực thiết kế chip Trung Quốc đạt 534,57 tỷ NDT (78 tỷ USD), tăng 16,5%, cho thấy sự linh hoạt giữa lệnh cấm của Mỹ.

Việc Huawei tập trung vào phần mềm EDA cho chip 14nm phần nào cho thấy tình trạng của ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc. Nhà thầu sản xuất bán dẫn SMIC mới có năng lực sản xuất chip 14nm quy mô lớn, trong khi TSMC và Samsung đều đang tiến đến quy trình 3nm, còn Intel sẽ sản xuất chip 2nm vào cuối năm 2024. Như vậy, ngành bán dẫn Trung Quốc đang đi sau các đối thủ khá xa.

Pranay Kotasthane, chủ tịch chương trình địa chính trị công nghệ cao tại Viện Takshashila, nói với CNBC rằng ông sẽ chờ xem thêm chi tiết trước khi biết hiệu quả của các công cụ thiết kế của Huawei.

Kotasthane giải thích rằng các công ty sản xuất chip theo hợp đồng, còn được gọi là xưởng đúc, làm việc với các công ty thiết kế chip để đưa ra một bộ tệp có tên là Bộ công cụ thiết kế quy trình (viết tắt là PDK). PDK này “mô hình hóa các đặc tính vật lý và điện” của các thành phần cơ bản của chip. Công ty thiết kế và nhà sản xuất cần trải qua một quá trình tối ưu hóa sản xuất để đảm bảo sản lượng chip cao nhất. Nếu quá trình này không xảy ra, thì “các thiết kế chip sẽ thất bại khi chuyển đổi sang dạng bán dẫn”, Kotasthane nói.

Kotasthane nói: “Vẫn chưa có đủ bằng chứng để cho thấy rằng các công ty EDA (tự động hóa thiết kế điện tử) của Trung Quốc đã vượt qua rào cản này.

Minh Phương (t/h)