Mới đây, HOSE đưa ra các văn bản liên quan đến việc xử lý vi phạm cổ phiếu - cụ thể là giữ nguyên diện cảnh báo - đối với một số công ty.
Cụ thể trong đó có Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG/HOSE). DLG bị HOSE giữ nguyên diện cảnh báo vào ngày 05/09 do lỗ ròng 6 tháng đầu năm hơn 370 tỷ đồng và lỗ sau thuế chưa phân phối tại ngày 30/06/2022 hơn 1,2 nghìn tỷ, theo BCTC hợp nhất soát xét bán niên 2022.
Cổ phiếu DLG vốn đã bị HOSE chuyển từ diện kiểm soát sang cảnh báo từ ngày 18/04/2022, do kết quả kinh doanh thua lỗ tính đến thời điểm cuối tháng 12/2021. Đến quý II/2022, DLG tiếp tục trải qua một kỳ “đen tối” khi ghi nhận doanh thu từ hoạt động chiếm tỷ trọng lớn nhất là linh kiện điện tử sụt giảm mạnh, lại không còn ghi nhận doanh thu từ mảng sản phẩm nông nghiệp, qua đó khiến doanh thu thuần chỉ còn 375 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ.
Nhờ giá vốn giảm mạnh hơn, lãi gộp của DLG tăng 22%, lên gần 74 tỷ đồng. Tuy nhiên, các khoản chi phí bật tăng mạnh đã khiến phần lợi nhuận này… tan thành mây, với các khoản lỗ chênh lệch tỷ giá (25 tỷ đồng), dự phòng giảm giá chứng khoán (25 tỷ đồng), hay chi phí quản lý cũng tăng lên gần 300 tỷ đồng.
Ngoài ra còn có Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG/HOSE). Trong ngày 05/09, HOSE ra quyết định giữ nguyên diện cảnh báo đối với HNG, do lỗ sau thuế chưa phân phối tại ngày 30/06/2022 gần 4,1 nghìn tỷ đồng, theo BCTC hợp nhất soát xét bán niên 2022.
Riêng trong quý II, doanh thu thuần của HNG giảm mạnh 41% (còn gần 148 tỷ đồng), trong khi giá vốn và đặc biệt là chi phí tài chính tăng mạnh (gấp 2,7 lần cùng kỳ, lên gần 377 tỷ đồng), khiến Công ty báo lỗ ròng 557 tỷ đồng.
Theo giải trình của HNG, nguyên nhân lỗ do tình trạng thiếu hụt lao động tại Lào dẫn đến sản lượng thu hoạch giảm 13% so cùng kỳ. Mặt khác, giá mua phân bón tăng 150%, vật tư nông nghiệp và bao bì đóng gói tăng 50% so với năm 2021, trong khi chi phí vận chuyển tăng cao so cùng kỳ. Đồng thời, chi phí tài chính tăng mạnh khiến Công ty ghi nhận lỗ chênh lệch tỷ giá gần 330 tỷ đồng.
PV