Hình ảnh Quốc hội họp sáng ngày 20/11. |
“Món quà” ngày nhà giáo
Sáng 20/11, Quốc hội bắt đầu đợt 2 của Kỳ họp thứ 8 và thảo luận dự án Luật Nhà giáo. Một trong những vấn đề được quan tâm là “Điều chỉnh chính sách tiền lương để giáo viên gắn bó với nghề”.
Từ trước đến nay, sự việc này vẫn luôn là vấn đề đầy “nóng hổi” được thảo luận tại nghị trường Quốc hội. Các chuyên gia cho rằng “Chính sách tiền lương và các chế độ phụ cấp, ưu đãi chưa tương xứng với nghề nghiệp, chưa đủ để đáp ứng nhu cầu về an sinh xã hội để đảm bảo mức sống”. Trong đó, áp lực về thu nhập là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng không thu hút được người giỏi vào ngành sư phạm.
Mặc dù quan điểm của Đảng, Nhà nước “lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất”, nhưng quan điểm này chưa thực sự đi vào thực tiễn cuộc sống. Do đó, dự thảo Luật Nhà giáo cần thể hiện rõ quan điểm trên.
Đại biểu Quốc hội Dương Khắc Mai cho ý kiến. |
Tán thành cao với việc “tiền lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp” của các đại biểu được đưa ra đồng thuận tại diễn đàn Quốc hội sáng nay, Đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị: “Việc xếp lương cao nhất trong bậc lương phải đi kèm với chất lượng của nhà giáo”.
Nhắc đến vai trò của giáo viên đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế. Vị đại biểu này đề nghị, giao Chính phủ quy định cụ thể “việc bảo lưu phụ cấp đối với nhà giáo được điều động công tác”.
Điểm a khoản 5 Điều 21 về bảo lưu chế độ, chính sách trong điều động nhà giáo quy định: “Trường hợp điều động nhà giáo giữa các cơ sở giáo dục công lập, nếu chế độ, chính sách ở vị trí công tác cũ cao hơn chế độ, chính sách ở vị trí công tác mới thì được bảo lưu các chế độ, chính sách của vị trí công tác cũ trong thời hạn tối đa là 36 tháng”.
Cân nhắc việc bảo lưu chế độ, chính sách của vị trí công tác cũ trong thời hạn tối đa 36 tháng, Đại biểu Mai cũng đề nghị, quy định này cần phải tương đồng với chính sách về cán bộ, công chức, viên chức. Việc bảo lưu chế độ, chính sách có thể trong thời hạn 6 tháng hoặc hơn, nhưng không phải là tối đa 36 tháng…
Để đảm bảo tính thống nhất trong các quy định, đảm bảo không luật hóa các quy định thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Bộ, ngành, đại biểu đề nghị giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này…
Lương giáo viên tập sự cần quy định cụ thể
Theo điểm d khoản 1 Điều 27 quy định: “nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng 01 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”.
Tuy nhiên, đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc lại cho biết, tại Điều 18 quy định “đối với người trúng tuyển, thực hiện chế độ tập sự, thử việc hoặc thính giảng” thì chế độ tiền lương và phụ cấp được thực hiện như thế nào lại chưa được quy định cụ thể (!)
Do vậy, vị đại biểu đoàn tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị, Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu quy định này…