Hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2021

20:26 09/06/2021

UBND tỉnh Bắc Giang phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2021.

Bắc Giang là vùng có vải thiều tập trung lớn nhất cả nước, hàng năm vải thiều Bắc Giang có mặt tại hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Tháng 3/2021, vải thiều Lục Ngạn – Bắc Giang đã trở thành sản phẩm nông sản đầu tiên của Việt Nam được chính thức bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, mở đường cho việc thúc đẩy bảo hộ chỉ dẫn địa lý vải thiều tại các quốc gia khác.

Vải thiều được quảng bá giới thiệu tại hội nghị
Vải thiều được quảng bá giới thiệu tại hội nghị. (Ảnh: internet) 

Để ứng phó trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, tỉnh Bắc Giang đã xây dựng 3 kịch bản thu hoạch và tiêu thụ vải thiều năm 2021, đồng thời triển khai hàng loạt các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm nông sản của tỉnh. Bắc Giang cũng đã phát huy tinh thần hữu nghị, hợp tác với các bạn hàng truyền thống, có sự liên hệ, trao đổi, phối hợp chặt chẽ từ các bạn hàng quốc tế, các tỉnh, thành phố bạn và doanh nghiệp, doanh nhân kinh doanh nông sản.

Tại hội nghị, UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, năm nay sản lượng vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang ước đạt 180 nghìn tấn. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp song việc tiêu thụ vải thiều thời gian qua cơ bản thuận lợi, tính đến ngày 7/6 sản lượng tiêu thụ đã đạt gần 53 nghìn tấn ở thị trường trong và ngoài nước. Kết quả này là nhờ Bắc Giang đã tập trung triển khai các giải pháp cụ thể, quyết liệt để bảo vệ vùng vải thiều.

Thảo luận tại các điểm cầu, các đại biểu tập trung về các vấn đề như: tạo điều kiện thuận lợi cho vải thiểu thông quan, đưa vải thiều tiêu thụ trên các trang thương mại điện tử và tiêu thụ vải tại các hệ thống siêu thị lớn, chợ đầu mối lớn trong nước.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao cách làm của Bắc Giang trong việc xúc tiến tiêu thụ vải thiều, tuy nhiên ngoài vải thiều, các loại nông sản khác cũng nên có cách làm tương tự để nâng cao giá trị, hiệu quả sản phẩm.

Bộ trưởng cho rằng, thương mại điện tử là phương thức kinh doanh mới, hiện đại, dựa trên nền tảng công nghệ. Nhờ có công nghệ mà các nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ đã được tiếp cận trực tiếp nhanh chóng nhất với người tiêu dùng, đồng thời giúp cả hai bên tiết giảm tối đa chi phí, thời gian, vật chất và nâng cao độ tin cậy, chính xác rất cao trong quá trình giao thương. Chính vì thế thương mại điện tử đã và đang trở thành sự lựa chọn phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

PV