Hòa Bình: Dư nợ tín dụng tháng 1 tăng 1,4% so cuối năm 2022

09:01 31/01/2023

Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Hòa Bình, trong tháng 1/2023, tổng vốn huy động từ các tổ chức kinh tế và dân cư của các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đạt trên 41.600 tỷ đồng, tăng 3% so với cuối năm 2022, huy động tiền gửi từ dân cư chiếm trên 73%.

Agribank Phương Lâm (TP Hòa Bình) làm tốt công tác huy động vốn, đáp ứng nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất - kinh doanh của người dân.
Agribank Phương Lâm (TP Hòa Bình) làm tốt công tác huy động vốn, đáp ứng nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất - kinh doanh của người dân. 

Dư nợ tín dụng toàn địa bàn ước thực hiện đến 31/1 đạt gần 34.800 tỷ đồng, tăng 1,4% so với cuối năm trước, trong đó, dư nợ ngắn hạn chiếm tỷ trọng 44,1%/tổng dư nợ; dư nợ trung, dài hạn chiếm tỷ trọng 55,9%/tổng dư nợ. Dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn ước đến cuối tháng 1/2023 đạt 16.972 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 48,7% tổng dư nợ; dư nợ cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ước đạt 8.308 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 23,8%/tổng dư nợ; cho vay xuất khẩu 40 tỷ đồng; công nghiệp hỗ trợ 22 tỷ đồng. 

Cũng theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Hòa Bình, lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên là 5,5%/năm đối với Ngân hàng thương mại (NHTM), 6,5%/năm đối với Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND). Lãi suất cho vay sản xuất - kinh doanh thông thường: ngắn hạn tại các NHTM phổ biến từ 8 - 12,5%/năm, trung và dài hạn từ 10 -14%/năm; QTDND ngắn hạn từ 9 - 10,8%/năm, trung, dài hạn từ 11 - 13%/năm. Lãi suất cho vay tiêu dùng: ngắn hạn của các NHTM dao động từ 9 - 11,5%/năm, trung và dài hạn từ 8,5 - 15%/năm; QTDND từ 11-13%/năm. 

Đức Phượng – VPĐD Hòa Bình