Hỗ trợ thương lái và doanh nghiệp đến thu mua sầu riêng xuất khẩu ở Đắk Lắk

21:13 02/08/2021

Mới đây, UBND huyện Krông Pắc đã có văn bản gửi các đơn vị, địa phương trong và ngoài tỉnh về việc hỗ trợ doanh nghiệp đưa nhân công, kỹ thuật đến địa bàn huyện thu mua, xuất khẩu sầu riêng.

Theo số liệu của Sở NN-PTNT Đắk Lắk, toàn tỉnh có 12.224 ha sầu riêng, trong đó diện tích đang cho thu hoạch 5.216 ha, sản lượng hơn 103.200 tấn. Cây sầu riêng được trồng khá phổ biến ở tất cả các huyện trên địa bàn tỉnh, nhưng tập trung nhiều ở các huyện Krông Pắc, Krông Năng, Cư M’gar, TX. Buôn Hồ… Trong đó, huyện Krông Pắc được mệnh danh là "thủ phủ sầu riêng" của tỉnh với 3.407 ha (diện tích trong giai đoạn kinh doanh là 2.500 ha), chủ yếu là giống sầu riêng Dona phục vụ thị trường xuất khẩu. Dự kiến năm nay, tổng sản lượng sầu riêng trên địa bàn huyện đạt khoảng 40 - 45 nghìn tấn, giá trị ước đạt 2.000 tỷ đồng. 

Nông dân Daklak thu hoạch sầu riêng
Nông dân Đắk Lắk thu hoạch sầu riêng. 

Năm 2020, tổng giá trị từ cây sầu riêng mang lại cho huyện Krông Pắc khoảng 1.500 tỷ đồng, chiếm 30% giá trị toàn ngành trồng trọt của huyện. Những năm gần đây, cây sầu riêng đã và đang đem lại nguồn thu nhập ổn định cho khá nhiều hộ dân và không ít hộ có đời sống khá giả từ loại cây này.

Tuy nhiên năm nay, vụ thu hoạch sầu riêng lại rơi vào thời điểm đợt dịch COVID-19 bùng phát mạnh, nên việc giao thương sản phẩm ra bên ngoài tỉnh gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều nhà máy chế biến sản phẩm sầu riêng phải đóng cửa khiến đầu ra của sầu riêng gần như chững lại.

Nhiều hộ dân trồng sầu riêng ở huyện Krông Pắc cho biết, mọi năm vào vụ thu hoạch có rất nhiều thương lái từ các tỉnh, thành trong nước đến thu mua sầu riêng, chủ yếu là giống sầu riêng Ri6. Tuy nhiên, năm nay dịch bệnh phức tạp nên thương lái không thể đến mua. Vì thế, người trồng sầu riêng đang thấp thỏm, đứng ngồi không yên. Trái sầu riêng đến kỳ thu hoạch mà không cắt trái kịp thì cây nuôi không được và sang năm cây yếu, năng suất sẽ đạt thấp.

Theo ông Nguyễn Huy Hoàng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Pắc, trước nỗi lo của bà con nông dân, địa phương đã tổng hợp diện tích sầu riêng cũng như ước tính dự kiến sản lượng năm nay, đồng thời làm việc với các cơ sở thu mua, đóng gói trên địa bàn để trên cơ sở đó đề xuất với Sở Công Thương, Sở NN-PTNT xây dựng giải pháp hỗ trợ tiêu thụ sầu riêng cho bà con nông dân.

Mới đây, UBND huyện Krông Pắc đã có văn bản gửi các đơn vị, địa phương trong và ngoài tỉnh về việc hỗ trợ doanh nghiệp đưa nhân công, kỹ thuật đến địa bàn huyện thu mua, xuất khẩu sầu riêng.

Bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc cho biết, hiện nay, trên địa bàn huyện đang có nhiều doanh nghiệp đến đăng ký thu mua sầu riêng và huyện cũng đã chủ động thành lập hẳn một Ban chỉ đạo cùng với một số tổ lưu động để kịp thời hỗ trợ các thương lái, hỗ trợ nông dân và giải quyết các thủ tục cần thiết giúp các doanh nghiệp đưa người là công nhân kỹ thuật đến huyện đểthực hiện các công việc hái sầu riềng, mua bán, sơ chế, đóng gói, xuất khẩu sầu riêng và đưa nhân công trở lại các địa phương sau khi kết thúc mùa vụ. Trong đó, Công ty TNHH Thiện Tâm - Chi nhánh Đắk Lắk hiện có cơ sở kinh doanh, mua bán, sơ chế, đóng gói, xuất khẩu sầu riêng tại thôn Tân Quảng, xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk đã được hỗ trợ đưa 40 công nhân, kỹ thuật từ tỉnh Tiền Giang đến địa bàn. Công ty TNHH Thiện Tâm - Chi nhánh Đắk Lắk cũng như các doanh nghiệp được chấp thuận đến địa phương thu mua, xuất khẩu sầu riêng đều phải chấp hành nghiêm túc đầy đủ các quy định của Chính phủ, các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan về công tác phòng, chống dịch COVID-19 cùng với vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh lao động; vệ sinh an toàn thực phẩm và giữ gìn trật tự - an toàn xã hội… 

“Vừa qua, huyện cũng đã cử tổ công tác phối hợp với chính quyền xã Hòa Đông đưa các thương lái đến tận buôn Ea KMát, nơi có hơn 300 hộ dân sinh sống, chủ yếu là người dân tộc thiếu số có trồng sầu riêng để thu mua sầu riêng giúp dân. Với cách làm này, công tác phòng, chống dịch Covid-19 vẫn được kiểm soát mà đầu ra cho trái sầu riêng của huyện vấn được giải quyết thông suốt”, bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc cho biết thêm.

Sở NN-PTNT Đắk Lắk cũng cho biết, ngay từ đầu vụ thu hoạch, Sở đã có văn bản đề nghị các địa phương báo cáo tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản trong tình hình dịch COVID-19 phức tạp và tổng hợp số liệu về sản lượng các nông sản chính cần kết nối tiêu thụ để có phương án tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiêu thụ, vận chuyển nông sản trên địa bàn tỉnh.

Sở đã yêu cầu UBND cấp huyện chủ động xây dựng các phương án và kế hoạch tiêu thụ nông sản kịp thời ứng phó với dịch COVID-19, đặc biệt đối với các mặt hàng nông sản có sản lượng lớn đang vào vụ thu hoạch như sầu riêng. Đồng thời, tổng hợp khả năng dự trữ của các kho cấp đông, trữ lạnh, bảo quản nông sản của các doanh nghiệp trên địa bàn để sẵn sàng sử dụng hoặc huy động hỗ trợ các địa phương khác khi cần thiết. Trên cơ sở dữ liệu đó, ngành nông nghiệp sẽ chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan trong việc triển khai các hoạt động kết nối, thúc đẩy tiêu thụ nông sản mùa vụ của địa phương… 

Nguyễn Hiếu