Hỗ trợ lãi cho vay kích cầu cho doanh nghiệp

15:49 11/08/2023

Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Hồ Chí Minh vừa có hiệu lực từ ngày 1/8. Thành phố đang tính toán, đề xuất một chương trình cho doanh nghiệp vay vốn kích cầu với mức hỗ trợ lãi vay từ 5

Ông Nguyễn Văn Trí, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lập Phúc cho rằng, thời gian này các doanh nghiệp đang hết sức khó khăn. Ngoài việc xoay vốn, đảm bảo dòng tiền còn phải chi trả rất nhiều khoản khác như lương, thưởng cho công nhân, trang thiết bị, nguyên liệu. Vì thế, công ty vô cùng mong mỏi gói kích cầu để giúp doanh nghiệp có dòng tiền ổn định, vượt qua khó khăn.

Trong khi đó, ông Nguyễn Viết Toàn, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp quận Tân Phú chia sẻ, gói kích cầu sắp tới cần tạo ra cơ chế thông thoáng để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận.

Là doanh nghiệp được mở rộng và phát triển kinh doanh từ vốn kích cầu của TP.Hồ Chí Minh trước đây, bà Phạm Thị Ngọc Hà, Giám đốc Công ty TNHH San Hà (SanhaFood) cho biết, gói kích cầu trước đây mang lại cho doanh nghiệp nhiều thuận lợi, giúp SanhaFood có được nguồn vốn tốt để triển khai việc kinh doanh, nhờ đó đạt được nhiều thành tựu trong những năm qua. “Gói kích cầu được khởi động trở lại khiến nhiều doanh nghiệp có luồng không khí tươi mới. Giữa thời điểm khó khăn như hiện tại, nó giúp các doanh nghiệp có động lực phát triển kinh tế, khiến bức tranh kinh tế trở nên sáng sủa hơn. Chúng tôi cũng mong có nhiều doanh nghiệp mạnh dạn tham gia chương trình”, bà Hà chia sẻ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Hiện nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh đang phối hợp với Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP. Hồ Chí Minh (HFIC) tham mưu cho UBND trình HĐND thành phố dự thảo Nghị quyết ban hành quy định về chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được HFIC cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố. Được biết, TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện nhiều chương trình kích cầu đầu tư từ hơn 10 năm trước nhằm khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị, kích cầu đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ… được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao và mang lại hiệu quả thiết thực.

Theo thống kê, chương trình đã tạo hiệu ứng tích cực: cứ 1 đồng ngân sách đầu tư cho chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp đô thị thì thu hút được 21 đồng vốn đầu tư từ xã hội hóa; 1 đồng ngân sách kích cầu đầu tư giúp huy động được 12 đồng từ các nguồn lực khác. Tuy nhiên, trong 2 năm qua, các chương trình bị tạm ngừng khiến không ít doanh nghiệp "hụt hẫng".

Ông Nguyễn Quang Thanh, Phó Tổng Giám đốc HFIC cho biết, chương trình kích cầu lần này sẽ được thực hiện mạnh mẽ hơn về mức hỗ trợ, cũng như mở rộng nhóm đối tượng được hưởng hỗ trợ. Chương trình kích cầu đầu tư mới được áp dụng cho doanh nghiệp có 100% vốn trong nước ở nhiều lĩnh vực, từ công nghệ cao và chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo; sản xuất nông nghiệp - chế biến nông sản; chế biến lương thực thực phẩm; hạ tầng kinh tế, kỹ thuật và môi trường (xây dựng nhà ở, xử lý nước thải, chuyển đổi phương tiện vận tải sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang nhiên liệu xanh, năng lượng mặt trời); hóa dược, cao su - nhựa; dệt may, da giày; cho đến các dự án đầu tư y tế, giáo dục, thể thao…

Dự kiến, chương trình cũng nâng cấp hạn mức vay lên 200 tỷ đồng thay vì 100 tỷ đồng như ở các kỳ trước; mức hỗ trợ lãi suất có thể là 50% hoặc 100% tùy vào nhóm đối tượng cụ thể; thời gian hỗ trợ trong khoảng 5-7 năm; thời gian thực hiện thủ tục đăng ký xét duyệt để được hưởng chính sách hỗ trợ là 15 ngày làm việc. Về cơ bản, hồ sơ và thủ tục không phát sinh thêm so với quy định trước đây. Thành phần hồ sơ được quy định rõ ràng và được mẫu hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuẩn bị hồ sơ.

“Trong đó, các doanh nghiệp thuộc các nhóm ngành công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, giáo dục, y tế, thể thao văn hóa, môi trường, logistics, các dự án xây dựng nhà xưởng cao tầng sẽ được hỗ trợ tối đa 100% lãi vay. Dự kiến, chương trình sẽ được trình HĐND TP. Hồ Chí Minh thông qua vào tháng 9/2023”, ông Thanh cho biết.

Nghệ Nhân (Tổng hợp)