Hiện nay trang trại có quy mô nuôi 2,300 dê giống sinh sản, trong đó 950 dê Boer; 350 dê bách thảo; 1.000 dê núi và hơn 3,000 dê thương phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường trên toàn quốc và xuất khẩu. Trang trại đã cung cấp con giống, thu mua thương phẩm đến triển khai mô hình hợp tác liên kết nuôi dê đem lại hiệu quả kinh tế cao cũng như giúp nhiều bà con nông dân vươn lên làm giàu.
Tiềm năng kinh tế của giống dê Boer rất lớn nhưng hiện nay nhiều trang trại nuôi dê tại các địa phương chủ yếu vẫn nuôi dê cỏ theo kiểu tự phát, chăn thả theo đàn nên không kiểm soát được con giống, dịch bệnh, dê con sinh ra chậm lớn và không có khả năng làm giống sinh sản dẫn tới hiệu quả kinh tế không cao. Trước thực trạng trên, trang trại DTH farmt đã nhập ngoại giống dê Boer có chất lượng tốt và hiệu quả kinh tế cao đưa về nuôi và nhân giống tại trang trại để phục vụ nhu cầu chăn nuôi của bà con và thị trường tại Việt Nam. Dê Boer có nguồn gốc từ Nam Phi, đặc điểm của loài dê này có sức đề kháng cao, ít bị nhiễm dịch bệnh, tăng trưởng nhanh lên tới 5 – 7kg/1con/ tháng. Trung bình, một con dê Boer trưởng thành nặng khoảng 100kg và cho lượng thịt móc hàm 45 – 50%. Theo tính toán, nuôi dê Boer cho hiệu quả gấp 2 lần nuôi dê ta, được đánh giá là giống dê mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất hiện nay.
Tuy vậy, theo chia sẻ từ các chuyên viên tư vấn của DTH – Farmt, để nuôi giống dê Boer cho hiệu quả kinh tế cao, người nuôi phải áp dụng mô hình khoa học công nghệ vào các khâu trong quy trình chăn nuôi. Từ khâu lựa chọn con giống, đặc biệt là chọn giống dê bố mẹ phải rõ nguồn gốc xuất xứ, có kháng thể cao, tiêm phòng vaccine đầy đủ phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, việc làm chuồng trại cũng là một trong những khâu rất quan trọng trong quá trình nuôi dê Boer. Việc làm chuồng nuôi dê thịt hay dê sinh sản đều phải lưu tâm hướng chuồng, nền và sàn chuồng, đặc biệt là nhiệt độ chuồng đến khâu xử lý vệ sinh từ chất thải. Không những mang lại giá trị kinh tế cao từ áp dụng kỹ thuật chăn nuôi mà còn xử lý chất thải thành các chế phẩm phân bón sinh học, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường vừa mang lại giá trị kinh tế từ bán các loại phân bón này.
Trang trại DTH Farmt đang thực hiện mô hình liên kết chăn nuôi dê với các doanh nghiệp, hộ nông dân trong cả nước tất cả các khâu, nhằm chia sẻ kinh nghiệm cũng như hỗ trợ bà con nông dân cùng làm giàu. Trang trại DTH Farmt có chính sách hỗ trợ cho các đơn vị hợp tác liên kết nuôi dê như: Hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật; hỗ trợ tư vấn thiết kế chuồng trại; hỗ trợ giống cây thuốc nam trồng chữa bệnh cho dê; Hỗ trợ giống giun quế nuôi làm thức ăn cho dê, xử lí phân thải; Hỗ trợ rủi ro, bảo hành con giống; hỗ trợ cho vay 50% vốn; ký hợp đồng thu mua đầu ra cho các đơn vị hợp tác với bảng giá niêm yết ổn định theo năm. Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, hiện trang trại dê DTH Farmt đang triển khai thu mua dê thương phẩm từ các hộ chăn nuôi trên toàn quốc.
Ông Hoàng Thắng, lãnh đạo Công ty DTH Việt Nam cho biết, sau nhiều năm chăn nuôi và kinh doanh dê sinh sản, dê thương phẩm, đến nay trang trại đang liên kết với hơn 3.000 trang trại, hộ vệ tinh tại các tỉnh, thành trong cả nước. Cùng với đó, trang trại cũng phối hợp với Hội Nông dân tại một số địa phương để thực hiện liên kết chăn nuôi dê bền vững.
Mô hình trang trại dê DTH – Farmt của công ty tại địa chỉ số 47 khối 7B, thị trấn Đông Anh, Hà Nội với diện tích 15ha đang là đơn vị sở hữu trang trại dê nhập ngoại lớn ở Việt Nam đã được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đến thăm quan. Đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của Công ty DTH Việt Nam trong việc xây dựng mô hình liên kết giúp nông dân tại các tỉnh, thành chăn nuôi dê, lợn rừng đạt hiệu quả cao, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đề nghị, lãnh đạo Công ty cần tiếp tục triển khai mô hình liên kết, cung cấp giống, xây dựng, hoàn thiện giáo trình chăn nuôi dê, lợn rừng, gà rừng để cung cấp, tập huấn cho bà con tại các địa phương. Nhất là bà con đồng bào dân tộc tại các tỉnh miền núi phía Bắc có cơ hội vươn lên thoát nghèo và làm giàu.
Nguyễn Tuấn