Theo Báo cáo Triển vọng ngành ngân hàng 2021 của Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, tốc độ tăng trưởng cho vay bán lẻ của các ngân hàng là 27% trong giai đoạn từ 2015–2019, tuy nhiên đến năm 2020 đã giảm xuống mức 13,5%. Trong 9 tháng năm 2020, các ngân hàng đã chủ động cắt giảm cho vay SME và cá nhân, chỉ tập trung cho vay vào đối tượng khách hàng lớn nhằm giảm thiểu rủi ro.
Tuy vậy, với sự phục hồi của kinh tế, các chuyên gia của Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam đưa ra nhận định, cho vay SME và cá nhân sẽ tiếp tục được đẩy mạnh cả về phía cầu cũng như cung, từ đó hỗ trợ tăng trưởng tín dụng năm 2021.
Hiện nay, tăng trưởng tín dụng cho năm 2021 chưa có con số cụ thể cho từng ngân hàng, tuy nhiên nhiều ngân hàng đặt kế hoạch tăng trưởng nhanh nhờ sự phục hồi của nền kinh tế.
Đầu năm 2021, thông tin với báo giới, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, một trong những mục tiêu quan trọng của ngành Ngân hàng trong năm 2021 là tập trung hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn do Covid-19; trong đó, tập trung sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 quy định về tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 theo hướng tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vay vốn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể phục hồi nhanh chóng.
Thông tin giảm lãi suất vay mới đây nhất đến từ Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank). Ngày 26/2, đơn vị này phát đi thông báo triển khai gói hỗ trợ dành cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ với lãi suất giảm sâu, chỉ còn từ 3%/năm, tùy theo từng chương trình.
Cụ thể, từ nay đến hết năm 2021, tiếp tục chương trình “Chung tay chia sẻ - Vững bền vượt qua”, HDBank ban hành chính sách tự động giảm lãi suất cho vay đến 4,5% cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ mà không cần khách hàng phải đề nghị hỗ trợ hay chứng minh bất kỳ khó khăn nào gặp phải. Bên cạnh đó, ngân hàng này còn ưu đãi lãi vay cho các hộ kinh doanh, doanh nghiệp siêu nhỏ khi thuê mặt bằng.
Trước đó, Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) đã ban hành quyết định giảm đồng loạt lãi suất tiền vay đối với toàn bộ dư nợ hiện hữu và khoản cho vay mới của khách hàng trong thời gian từ 22/2/2021 đến 22/5/2021.
Được biết, đã có tới 105.000 khách hàng được giảm lãi suất với quy mô tín dụng 350.000 tỷ đồng, chiếm trên 40% dư nợ của ngân hàng này.
Tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), Chương trình “Vay ưu đãi, lãi tri ân” được gia hạn kéo dài đến ngày 30/6/2021. Theo đó, Chương trình hỗ trợ khách hàng tiếp cận nguồn vốn vay dồi dào với mức ưu đãi lãi suất cực kỳ hấp dẫn. Cụ thể, VietinBank tăng quy mô gói cho vay ưu đãi lãi suất trung dài hạn lên đến 50.000 tỷ đồng, thời gian ưu đãi lên tới 36 tháng. Đây là chương trình ưu đãi lãi suất cho vay với quy mô vốn lớn nhất năm 2020 và 2021 dành cho khách hàng là cá nhân, doanh nghiệp siêu vi mô và chủ doanh nghiệp tư nhân có nhu cầu vay vốn phục vụ nhu cầu đời sống hoặc sản xuất kinh doanh.
Từ ngày 20/1– 30/6/2021, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank) cũng triển khai chương trình “Chung tay cùng Doanh nghiệp 2021” và “Gắn kết Doanh nghiệp xuất nhập khẩu 2021” với lãi vay ưu đãi chỉ 6,8%/năm (VNĐ). Riêng mục đích giải ngân phục vụ sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu thì lãi suất chỉ từ 6,5%/năm (VNĐ) và 3%/năm (USD); đồng thời doanh nghiệp được miễn phí trả nợ trước hạn và giảm 50% phí thanh toán quốc tế.
Từ đầu năm 2021, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cũng triển khai nhiều chương trình ưu đãi về vay vốn và dịch vụ tài chính dành cho doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp SME do phụ nữ làm chủ và các doanh nghiệp trẻ.
Việc nhiều ngân hàng đồng loạt giảm lãi vay hỗ trợ khách hàng, đặc biệt là doanh nghiệp SME được kỳ vọng giúp các doanh nghiệp có thêm sức đề kháng vượt qua khó khăn do Đại dịch Covid-19, tạo đà tăng tốc hoạt động kinh doanh cho cả năm 2021 được thuận lợi.
Các cuộc khảo sát trong năm 2020 đều cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp SME và siêu nhỏ đang gặp rất nhiều khó khăn về vốn, do hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng không có doanh thu, dòng tiền bị đứt gãy, tiêu thụ kém… Ngay cả những doanh nghiệp trong những ngành hàng có mức tăng trưởng ổn định trong năm 2020 cũng bị ảnh hưởng gián tiếp bởi dịch Covid-19 do khách hàng thanh toán chậm, dẫn đến dòng tiền bị gián đoạn. Do vậy, đông đảo các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần hỗ trợ vốn ưu đãi để duy trì, ổn định sản xuất kinh doanh.
Dù gặp khó khăn và các ngân hàng đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, song thực tế trong năm 2020, các doanh nghiệp SME và siêu nhỏ vẫn rất khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ ngân hàng. Hầu hết các doanh nghiệp thuộc nhóm này không chứng minh dòng tiền ổn định, có phương án kinh doanh khả thi…
Nhằm thực hiện mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như các loại hình khách hàng khác có cơ hội phục hồi, trong năm 2021, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện quyết liệt và đúng lộ trình đề án tái cơ cấu đã đề ra. Điều này sẽ giúp thanh khoản của các ngân hàng trở nên tốt hơn, từ đó có thêm dư địa giảm lãi vay hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ tốt hơn cho sự phát triển nền kinh tế.
Bảo Ngân