Chiếc bugi hàng thật và hàng giả được triển lãm tại một cuộc hội nghị về hàng giả
Ra ngõ là đụng hàng giả
Trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh hiện nay, hàng giả được bán công khai bên vệ đường, trong các sạp chợ truyền thống, cửa hàng và cả các trung tâm thương mại cao cấp. Trong 9 tháng đầu năm 2018, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP. Hồ Chí kiểm tra các trung tâm thương mại, chợ truyền thống, các cửa hàng, đã phát hiện 749 vụ kinh doanh hàng giả, thu giữ 20.4279 sản phẩm gồm quần áo, mắt kính, đồng hồ đeo tay, ví, túi xách, phụ tùng xe máy, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng… giả. Rất nhiều hàng giả các những thương hiệu nổi tiếng như giày Nike, túi xách Chanel, đồng Rolex và mức độ giả đạt đến mức tinh xảo giống hệt như hàng chính hãng. Không chỉ có hàng giả, QLTT thành phố còn thu giữ 50.970 nhãn hàng hóa giả nhãn hiệu của các thương hiệu nổi tiếng.
Theo thống kê của Chi cục QLTT TP. Hồ Chí Minh, các mặt hàng giả chỉ đứng sau các mặt hàng nhập lậu về số vụ vi phạm bị xử lý, trung bình mỗi tuần 28 đội QLTT phát hiện từ 10-40 vụ hàng giả. Chẳng hạn, Chi cục QLTT TP.Hồ Chí Minh trong một đợt kiểm tra vào ngày 7/7 với 70 cơ sở kinh doanh, đã tạm giữ 128.647 đơn vị sản phẩm hàng hóa vi phạm gồm dược phẩm, mỹ phẩm, đông dược, thực phẩm chức năng, dụng cụ y tế, trị giá hàng hóa vi phạm hơn nửa tỷ đồng, trong đó đa phần là hàng giả.
Trước đó, ngày 7/6, Đội QLTT Hóc Môn phát hiện cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm (101/3A ấp Mỹ Hòa 3, xã Tân Xuân) sản xuất không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mũ bảo hiểm, sản xuất mũ bảo hiểm có dấu hiệu giả mạo nguồn gốc xuất xứ. Tạm giữ 551 mũ bảo hiểm thành phẩm trên tem ghi do Công ty TNHH SX TM DV VN và Công ty TNHH MTV TM SX Bình Lợi sản xuất, 455 mũ bảo hiểm bán thành phẩm và 2.125 đơn vị phụ kiện dùng để sản xuất mũ bảo hiểm trái phép.
Chợ Bến Thành là trung tâm bán lẻ các mặt hàng xa xỉ như mắt kính đồng hồ, túi xách, bóp ví, quần áo thời trang lớn nhất thành phố, đây cũng là địa chỉ bày bán các mặt hàng giả. Trong những năm gần đây, mặc dù hàng nghìn tiểu thương ký vào bản cam kết không bán hàng giả và cơ quan chức năng liên tục kiểm tra, xử phạt nhưng hàng giả vẫn tràn ngập chợ. Đơn cử, ngày 10/5 vừa rồi, lực lượng QLTT TP.Hồ Chí Minh kiểm tra 20 sạp tại chợ Bến Thành, đã phát hiện hơn 3.200 sản phẩm là mặt hàng mắt kính, đồng hồ, bóp ví kinh doanh trái phép, trong đó có 1.380 sản phẩm là hàng giả.
Hai sản phẩm mũ bảo hiểm thật và giả khó phân biệt
Đồng hành, phối hợp để xử lý hàng giả
Ông Nguyễn Văn Bách, Phó Chi cục QLTT TP. Hồ Chí Minh cho biết, TP.Hồ Chí Minh là địa phương đang có sự tốc độ phát triển nhanh về kinh tế và xã hội, nơi tập trung của rất nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, khu dân cư và hệ thống bán buôn, bán sỉ hiện đại. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ ngày càng phát triển sôi động, hàng hóa kinh doanh dồi dào, đa dạng. Cùng với sự phát triển, tình trạng vận chuyển, chứa trữ, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng cấm, hàng vi phạm về sở hữu công nghiệp; sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không nguồn gốc xuất xứ... trên địa bàn thành phố cũng phát triển, diễn biến phức tạp và chưa được đẩy lùi.
Trong hệ thống 240 chợ truyền thống, tiểu thương kinh doanh hàng tiêu dùng đã nhiều lần tái ký vào văn bản cam kết không bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu. “Văn bản cam kết nhiều tiểu thương đã ký nhưng cùng rất nhiều người vi phạm vì sức hút của lợi nhuận từ việc buôn bán hàng giả mang lạị”, một thành viên của Ban chỉ đạo 389 TP. Hồ Chí Minh cho biết.
Do lợi nhuận của việc buôn bán hàng giả quá lớn, trong khi mức chế tài xử lý hiện nay còn quá nhẹ đã đẩy phần khó cho nhà sản xuất hàng hóa. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp có sản phẩm bị làm giả đang kêu trời, vất vả trong việc phòng chống giả và đi đòi quyền lợi.
Đồng hồ giả đủ các nhãn hiệu nổi tiếng bị Chi cục QLTT TP. Hồ Chí Minh thu giữ
Giám đốc kinh doanh của một doanh nghiệp sản xuất mũ bảo hiểm thời trang cho biết, đối tượng làm hàng giả liên tục xâm hại đến quyền lợi hợp pháp của công ty mà chưa có cách gì để diệt trừ. Để sản xuất ra một chiếc mũ bảo hiểm đạt chuẩn,, chi phí nhân công, nguyên liệu tốn ít nhất là 300.000 đồng/chiếc, trong khi hàng giả chỉ tốn chi phí chừng 50.000 đồng/chiếc và tung ra thị trường bán với giá tương đương. “Hàng giả khiên doanh nghiệp mất thị phần, giảm uy tín; nhà nước mất thuế, trong khi người tiêu dùng bỏ tiền thật mua hàng giả và đối mặt với sự mất an toàn đến tính mạng. Sự thật trong ngành sản xuất mũ bảo hiểm đã tồn tại nhiều năm nay mà không làm gì được”, vị này bức xúc.
Đại diện một doanh nghiệp hóa mỹ phẩm nêu, năm ngoái công ty đã đầu tư khá lớn để thay đổi về bao bì, tem chống giả công nghệ cao nhập khẩu từ nước ngoài nhưng chỉ sau một thời gian sản phẩm nước hoa của công ty bị làm giả nhập từ nước ngoài về có dán cả tem chống giả.
Để giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp và lợi ích của người tiêu dùng, ông Nguyễn Văn Bách cho rằng, ngoài công tác tăng cường kiểm tra xử lý của các cơ quan chức năng, người tiêu dùng cần nói không với hàng giả bằng cách không mua hàng giá rẻ, yêu cầu người bán cung cấp hóa đơn để loại bỏ hàng giả ngay từ đầu.
Ông Nguyễn Viết Hồng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP. Hồ Chí Minh đề xuất, các doanh nghiệp đừng sợ thông tin về hàng giá sẽ làm cho công ty sụt giảm doanh số do người tiêu dùng quay lưng mà hãy hợp tác với cơ quan chức năng để chống tận gốc. Ngoài nâng cao chất lượng, làm mới bao bì, dán tem chống hàng giả để bảo vệ sản phẩm và giúp cho người tiêu dễ dàng nhận diện hàng thật hàng giả khi mua sắm là giải pháp hiệu quả đang được nhiều doanh nghiệp thực hiện.
Trần Thế