Hải Phòng đồng hành chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp

00:00 12/10/2020

Sáng 21/4/2020, UBND thành phố Hải Phòng tổ chức cuộc họp nhằm tiếp nhận các khó khăn, đồng hành đưa ra giải pháp khắc phục nhằm nhanh chóng khôi phục kinh tế sản xuất và hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn trong đại dịch COVID. Chủ trì cuộc họp là ông Nguyễn Văn Thành – Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng.

  1. Toàn cảnh cuộc họp đối thoại trực tuyến của UBND thành phố với doanh nghiệp trên địa bàn

Tại cuộc họp, thành phố nhận được rất nhiều ý kiến của các hiệp hội doanh nghiệp chia sẻ về khó khăn, những kiến nghị lên cấp thành phố và trung ương. Đại diện của các Hiệp hội thống kê các ý kiến của doanh nghiệp trình lên thành phố, chủ yếu đều kiến nghị về khó khăn phải ngừng kinh doanh, sản xuất do ảnh hưởng của dịch. Các đơn vị đều chung mong muốn được hỗ trợ chế độ ưu đãi, trợ cấp cho công nhân viên ; hỗ trợ giảm lãi suất vay ngân hàng ; hỗ trợ giảm thuế kinh doanh, thuế kho bãi trong điều kiện phải oằn mình lên chống dịch trong khi kinh doanh sản xuất bị đình trệ ...

Đại diện của Hiệp hội Du lịch thành phố Hải Phòng cho biết: Ngay sau khi dịch bệnh bùng phát, 100% các tour của các hãng du lịch như Vietravel bị hủy bỏ, khách sạn nhà hàng phải đóng cửa. Tới 95% nhân viên phải nghỉ việc, chỉ còn những cán bộ cốt cán giữ vị trí. Liên quan tới vấn đề nhận trợ cấp cho nhân viên, các khách sạn nhỏ chưa biết phải báo cáo cấp nào để làm thủ tục trợ cấp. Vì thời gian quá gấp nên nhiều đơn vị không làm thủ tục kịp. Hiệp hội kiến nghị thành phố có hướng bổ sung thêm.

Hiệp hội Vận tải Hải Phòng bị ảnh hưởng nặng nề, tê liệt kinh doanh. Những Công ty kinh doanh trong lĩnh vực vận tải, như Công ty Vận tải Công Thành, Công ty CP Diên Hải cũng thông báo đơn hàng vận tải tụt giảm hẳn vì biên giới đóng cửa, nông sản của nông dân vì thế cũng không xuất khẩu được.Vận tải hàng hóa giảm tới 40%. Ngoài những kiến nghị về giảm thuế, hiệp hội cũng xin được hoàn lại tiền mua vé tháng BOT cho những doanh nghiệp đã mua vé trước khi dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến hoạt động vận tải bị tê liệt.

Hiệp hội Doanh nghiệp quận Hải An với đặc thù chủ yếu làm logicstic, dịch vụ cảng, vận tải và kho bãi. Các doanh nghiệp cũng nêu ý kiến mong được tuyên truyền, ưu tiên dùng hàng Việt trong nước để ủng hộ, thúc đẩy các doanh nghiệp nội địa, nhằm lấy nguy làm cơ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tái sản xuất.

Bà Tạ Thu Thủy- Giám đốc Công ty CP Bia Hà Nội – Hải Phòng nêu khó khăn: kể từ nghị định 100, sản lượng bia của doanh nghiệp đã giảm nhiều. Khi dịch bệnh xảy ra, từ ngày 25/3/2020 thực hiện chỉ thị của thành phố, doanh nghiệp đóng cửa 2 cơ sở nhà hàng tại Lạch Tray và Quán Trữ, khiến việc kinh doanh càng thêm khốn đốn.

  1. Đại diện doanh nghiệp may Thái Anh chia sẻ những khó khăn và hướng đề nghị tháo gỡ trong đại dịch covid-19

Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa ảnh hưởng rất nhiều. Theo ông Nguyễn Hữu Hạnh- Chủ tịch Hội DN NVV Quán Toan - GĐ Nhà hàng Hữu Hạnh: Từ sau Tết đến nay doanh nghiệp của ông kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống tổ chức sự kiện tạm thời không có khách. Còn ông Nguyễn Hữu Miền, ông Nguyễn Xiển, kinh doanh trong lĩnh vực chế biến thực phẩm thì lượng hàng bán ra so với mọi năm rất hạn chế và HTX Thủy hải sản Nam Việt đang cung cấp hàng hóa cho các nhà hàng giảm vì các nhà hàng không có khách. Ông Thượng Chi kinh doanh lĩnh vực khách sạn massage phản ánh doanh nghiệp của ông gần như không có khách hàng và đóng cửa hẳn dịch vụ massage.

Hiện thành phố có 338 hợp tác xã trên mọi lĩnh vực. Về mảng nông nghiệp, các đơn vị ký hợp đồng cung cấp lương thực, suất ăn cho trường học, khách sạn nhà hàng đều phải ngừng lại do các đơn vị đóng cửa. Không chỉ nhân viên lương thực mà ngay các giáo viên tại các trường tư cũng đang gặp khó khăn. Hợp tác xã thủy sản Mắt Rồng tại Thủy Nguyên giảm sản lượng tới 500 tấn nhưng vẫn phải chi phí nuôi cá dù không bán được hàng. Công ty chế biến mắm Cát Hải gặp khó khăn về thị trường cùng lúc lại mất mùa về nguyên liệu.

Công ty Thái Anh sản xuất hàng may mặc xuất khẩu bị ảnh hưởng nghiêm trọng do thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, EU, Nhật bị dịch tàn phá nặng nề khiến nhu cầu sụt giảm trầm trọng, có thể kéo dài sang năm 2021. Các đơn hàng dù bị ngưng nhưng vẫn phải sản xuất nên đơn vị tốn thêm chi phí giãn cách, đảm bảo cho người lao động vẫn làm việc được. Doanh nghiệp kiến nghị được phép chuyển dịch một phần sang sản xuất sản phẩm khẩu trang y tế, quần áo bảo hộ để có thể đầu tư một cách bền vững, cũng như mong muốn thành phố ưu tiên sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp trên địa bàn.

Ô tô Ford, honda Hương Giang đóng cửa hẳn vì không có khách hàng. Công ty đóng tàu Bạch Đằng đã phải ngừng triển khai các sản phẩm có vật tư từ Trung Quốc.

Công ty CP Giám định Đại Tây Dương thường xuyên nhận được yêu cầu của các công ty có hàng hóa xuất nhập khẩu như da giày, thép phế liệu, hàng nông sản, hàng quặng, lưu huỳnh, than… việc giám định phải thực hiện ở các tỉnh lân cận như tỉnh Thái Bình, tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Thanh Hóa, TP Hà Nội, tỉnh Bắc Ninh, do không có xe khách hoạt động trong mùa dịch COVID-19, Công ty phải điều xe con của doanh nghiệp chở nhân viên vào các tỉnh nói trên để thực hiện việc công việc giám định theo yêu cầu của khách hàng. Nếu theo quy định xe ô tô của doanh nghiệp và nhân viên đi cùng xe ra tỉnh khác làm việc khi đi khỏi thành phố phải xin giấy phép của Quận nơi văn phòng doanh nghiệp cư trú, trong công việc đi xin giấy phép trên, doanh nghiệp đã mất rất nhiều thời gian và gặp những khó khăn.

Có thể thấy dịch bệnh đã ảnh hưởng tới toàn bộ các doanh nghiệp, ngành nghề dù ít hay nhiều, thậm chí gây tê liệt một số công ty, nhất là những doanh nghiệp làm việc với Trung Quốc. Công ty cọc ống Kiến Hoa Đất Việt mọi năm đóng thuế tới 20 tỷ nay cũng đình trệ vì đối tác Trung, Nhật và Hàn Quốc đều đang chống dịch.

Trả lời nhanh những khó khăn của doanh nghiệp, Chi cục thuế, Bảo hiểm xã hội thành phố cùng nhiều ngân hàng đã có những động thái giãn thuế, giảm phí, tạm ngưng đóng phí cho các đơn vị. Đại diện các ngân hàng đóng đô tại Hải Phòng như Agribank, BIDV, Vietcombank, Ngân hàng công thương, ngân hàng quân đội đều có những phương án giảm lãi suất cho các doanh nghiệp khó khăn. Cùng với đó, Sở Công Thương, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch Đầu tư cũng tham mưu những ý kiến giúp các doanh nghiệp sớm tái sản xuất kinh doanh.

Tổng kết cuộc họp, đồng chí Nguyễn Văn Thành- Phó chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng đề nghị các ban ngành liên quan nhanh chóng với những giải pháp thiết thực, khẩn trương giúp các doanh nghiệp. Với ưu thế thành phố không có dịch bệnh, phó chủ tịch mong muốn sớm nối lại hoạt động sản xuất, sớm đưa kinh tế phát triển sôi động trở lại.

 PV