Theo đánh giá của Cục Thống kê Hà Tĩnh, tình hình hoạt động thương mại, dịch vụ và du lịch 6 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn tỉnh đã dần ổn định sau những ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Nhờ vậy, hoạt động bán lẻ cũng khởi sắc hơn. Theo đó, tính chung 6 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt hơn 24.179 tỷ đồng, tăng gần 12,1% so với cùng kỳ năm trước và tăng ở tất cả các nhóm hàng hóa.
Ông Trần Đình Chung - Phụ trách Marketing Siêu thị Co.opmart Hà Tĩnh cho biết: Từ đầu năm đến nay, lượng khách đến tham quan, mua sắm tại siêu thị tăng hơn 40%, doanh số bán hàng tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, nhiều nhóm, ngành hàng có sự phục hồi tốt, sức mua tăng cao. Để thu hút người tiêu dùng, kích cầu mua sắm, thời gian qua, siêu thị thường xuyên tổ chức, hưởng ứng các chương trình khuyến mãi, kích cầu hàng Việt.
Từ nay đến cuối năm là khoảng thời gian mang đến nhiều triển vọng tăng trưởng cho các doanh nghiệp, đơn vị bán lẻ. Tuy nhiên, những khó khăn trước mắt vẫn đang khiến các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này “đau đầu”.
Theo phân tích, xăng dầu là chi phí đẩy mạnh nhất cho việc giá hàng hóa tăng lên trong thời gian qua, bởi đây là một trong những yếu tố quan trọng của sản xuất, lưu thông hàng hóa và tiêu dùng. Chính vì vậy, các loại nguyên vật liệu, hàng hoá đầu vào tăng cao theo mức tăng của giá xăng dầu khiến các doanh nghiệp chật vật trong bài toán bình ổn giá cả, giữ sức mua của người dân.
Hiện nay, giá xăng dầu đang có xu hướng giảm đã mang đến tín hiệu vui cho người dân nói chung và các đơn vị sản xuất, kinh doanh nói riêng. Tuy nhiên, người dân vẫn kỳ vọng có mức giảm sâu hơn. Trong trường hợp phải điều chỉnh tăng giá các mặt hàng thì các đơn vị bán lẻ vẫn nên có mức tăng hợp lý để không ảnh hưởng tới sức mua của thị trường.
PV