Cảnh giác với hàng trôi nổi không được kiểm định chất lượng
Việc xuất hiện ngày càng nhiều những vụ buôn bán, vận chuyển những mặt hàng bao gồm thuốc điều trị COVID-19, máy trợ thở, bộ kit test nhanh COVID-19, bình oxy... không rõ nguồn gốc, xuất xứ đang làm dấy lên những lo ngại cho sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng.
Đáng nói là các mặt hàng này chủ yếu là hàng trôi nổi, hàng được quảng cáo là "xách tay", chưa được kiểm định chất lượng và chưa được phép lưu hành tại Việt Nam.
Thống kê từ Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, trong tháng 8 vừa qua, lực lượng QLTT Hà Nội đã liên tục phát hiện, bắt giữ và xử lý các vụ buôn bán thiết bị phòng, chống dịch COVID-19 không rõ nguồn gốc.
Điển hình như mới đây, Đội QLTT số 15 (Cục QLTT Hà Nội) phối hợp với Công an quận Hoàng Mai đã phát hiện một lô hàng có nhiều dấu hiệu nghi vấn được đặt trước sảnh tòa CT16 khu đô thị Định Công, phường Định Công, quận Hoàng Mai. Bà N.H.P. (45 tuổi, ở quận Ba Đình, Hà Nội) là người có mặt tại thời điểm đó cùng lô hàng.
Tiến hành kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 50 hộp thuốc hiệu ARBIDOL 10 viên/hộp và 3 hộp thuốc AREPLIVIR 40 viên/hộp. Số thuốc này bà P. không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.
Tại trụ sở điều tra, bà P. khai thu mua số thuốc trên qua mạng xã hội với giá 180.000 đồng/hộp ARBIDOL và 2,9 triệu đồng/hộp AREPLIVIR. Bà P. quả quyết cho biết, hai loại thuốc này sẽ làm ức chế virus, tăng cường đề kháng, giảm lây nhiễm và điều trị COVID-19, được sử dụng nhiều tại Nga. Lực lượng chức năng đã tiến hành tịch thu toàn bộ số hàng hóa để tiếp tục điều tra, làm rõ.
Ngày 16/8, Đội QLTT số 24 (Cục QLTT Hà Nội) phối hợp với Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, Công an huyện Hoài Đức đã kiểm tra xe ô tô mang BKS 12C-062.98 đang giao nhận hàng hóa tại đường nội bộ - khu đất dịch vụ thuộc xã An Khánh (huyện Hoài Đức). Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện trên xe có một số lượng lớn hàng hóa gồm 50 thùng, mỗi thùng có 20 bộ van máy thở với tổng cộng 1.000 sản phẩm do nước ngoài sản xuất, không rõ chất lượng.
Tại thời điểm kiểm tra, toàn bộ số thiết bị này đều không có nhãn phụ tiếng Việt, chưa có đăng ký tiêu chuẩn chất lượng và chưa được cấp phép lưu hành, không xuất trình được hóa đơn chứng từ liên quan đến hàng hóa.
Trước đó, qua tuần tra kiểm soát dịch tại khu vực Khu đô thị Ciputra (Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm), Đội Cảnh sát Kinh tế (Công an quận Bắc Từ Liêm) đã phát hiện đối tượng P.A.T (sinh năm 1992, trú tại phường Gia Sàng, TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) đang giao hàng là các bộ test nhanh SARS-CoV-2 do nước ngoài sản xuất có nhiều dấu hiệu nghi vấn. Qua điều tra và kiểm đếm, bước đầu xác định lô hàng có 1.000 bộ test nhanh SARS-CoV-2. Đặc biệt, tại cơ quan công an, đối tượng P.A.T đã khai nhận: Nguồn gốc số test nhanh SARS-CoV-2 được thu mua gom về Việt Nam từ nhiều nước và không có hóa đơn chứng từ, không được các cơ quan y tế cấp phép lưu hành.
Vào tháng 7, Đội QLTT số 14 phối hợp với Đội Chống buôn lậu - Phòng PC03, Công an Hà Nội kiểm tra và tạm giữ hàng nghìn que test nhanh COVID-19 do nước ngoài sản xuất, chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ tại 2 cơ sở kinh doanh trên địa bàn quận Hoàng Mai và quận Thanh Xuân.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Cục QLTT Hà Nội cho biết, sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt là các mặt hàng thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19. Đồng thời phối hợp quản lý giá và thông tin giá cả thị trường, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý.
Ghi nhớ hướng dẫn từ Bộ Y tế
Bộ Y tế mới đây đã ban hành hướng dẫn tạm thời “Danh mục thuốc điều trị ngoại trú cho người nhiễm COVID-19 tại nhà”, gồm 7 nhóm thuốc. 7 nhóm thuốc trong Danh mục gồm:
Nhóm thuốc hạ sốt, giảm đau: Paracetamol: cho trẻ em: gói bột hoặc cốm pha hỗn dịch uống hàm lượng 80mg, 100mg, 150mg hoặc 250mg; cho người lớn: viên nén 250mg hoặc 500mg
Nhóm thuốc cân bằng điện giải: Dung dịch Oresol, gói bù nước, chất điện giải khác.
Nhóm thuốc hỗ trợ nâng cao sức khoẻ, tăng sức đề kháng: Vitamin tổng hợp có một trong các thành phần sau: vitamin B1, B6 và B12; vitamin C (có thể bao gồm kẽm); vitamin D.
Nhóm thuốc sát khuẩn hầu họng: Natri clorit (dung dịch 0,9% hoặc viên pha nước muối) và thuốc sát khuẩn hầu họng khác.
Nhóm thuốc kháng vi rút: Sử dụng theo đề cương nghiên cứu lâm sàng được Bộ Y tế phê duyệt hoặc theo thông tin tờ hướng dẫn sử dụng thuốc sau khi thuốc được cấp giấy phép lưu hành sản phẩm tại Việt Nam.
Nhóm thuốc chống viêm corticosteroid đường uống: Lựa chọn một trong các thuốc sau: Dexamethason 0,5mg (viên nén); Methylprednisolon 16mg (viên nén); Prednisolon 5mg (viên nén). (Thuốc phải được bác sĩ kê đơn theo quy định).
Nhóm thuốc chống đông máu đường uống: lựa chọn một trong 2 thuốc sau: Rivaroxaban 10mg (viên); Apixaban 2,5mg (viên). (Thuốc phải được bác sĩ kê đơn theo quy định).
Hướng dẫn nêu rõ, hiện nay, thuốc kháng vi rút chưa được Bộ Y tế cấp phép lưu hành trong tình huống khẩn cấp hoặc cấp phép lưu hành chính thức. Thuốc được dùng trong chương trình thử nghiệm lâm sàng và nghiên cứu tại cộng đồng theo đề cương nghiên cứu được Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học - Bộ Y tế thông qua và Bộ Y tế cho phép triển khai.
Thuốc chống viêm corticosteroid và thuốc chống đông máu thực hiện kê đơn điều trị ngoại trú theo quy định của Bộ Y tế về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú.
Việc kê đơn các thuốc chống viêm corticosteroid và thuốc chống đông máu thực hiện theo quy định tại Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 do chủng vi rút corona mới (SARS-CoV-2) của Bộ Y tế, các hướng dẫn có liên quan, trên nguyên tắc: Chỉ định điều trị kết hợp đồng thời thuốc chống viêm corticosteroid và thuốc chống đông máu khi người bệnh có bất kỳ một trong các dấu hiệu sớm của suy hô hấp mà chưa kịp chuyển người bệnh COVID-19 đến cơ sở thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 mức độ vừa, nặng và nguy kịch và người bệnh không thuộc phạm vi chống chỉ định của thuốc (theo hướng dẫn sử dụng thuốc trong giấy phép đăng ký lưu hành sản phẩm).
Các dấu hiệu suy hô hấp là: Khó thở, thở hụt hơi, hoặc khó thở tăng lên khi vận động (đứng lên, đi lại trong nhà) hoặc ở trẻ em có dấu hiệu thở bất thường như thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, khò khè, thở rít thì hít vào, và/hoặc nhịp thở (ở trẻ em đếm đủ nhịp thở trong 1 phút khi trẻ nằm yên không khóc): ≥ 21 lần/phút ở người lớn; ≥ 30 lần/phút ở trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi; ≥ 40 lần/phút ở trẻ em từ 1 đến dưới 5 tuổi; và/hoặc SpO2 ≤ 95% (nếu có thể đo; khi phát hiện bất thường đo lại lần 2 sau 30 giây đến 1 phút, khi đo yêu cầu giữ yên vị trí đo).
Người kê đơn lưu ý kiểm tra kỹ các chống chỉ định, khai thác thông tin về các thuốc người bệnh đang sử dụng để tránh các tương tác thuốc nghiêm trọng khi kê đơn; tư vấn cho người bệnh hoặc người chăm sóc nhận biết một số tác dụng không mong muốn quan trọng của thuốc để kịp thời phát hiện và xử trí phù hợp trong quá trình sử dụng.
Hướng dẫn tạm thời "Danh mục thuốc điều trị ngoại trú cho người nhiễm COVID-19 tại nhà" được áp dụng tại các cơ sở được giao nhiệm vụ quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà và theo sự chỉ đạo của sở y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của địa phương.
Hà An