Hạ lãi suất mới dừng ở động thái

00:00 12/10/2020

Chưa có nhiều dấu hiệu lan toả từ động thái giảm lãi vay của một số “ông lớn”. Vì thế, trong năm nay, mặt bằng lãi suất nếu không tăng thì sẽ giữ được ở mức như hiện tại, khó có thể giảm xuống.

Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá việc giảm lãi suất cần thực chất hơn, thay vì chỉ mang tính kêu gọi. Bởi thời gian qua, việc giảm lãi suất cũng đã nhiều lần được thực hiện nhưng chỉ “xôn xao” trong thời gian ngắn, sau đó trở nên trầm lắng và lãi suất vẫn theo xu hướng tăng thay vì giảm.

Lãi vay “đè nặng” doanh nghiệp

Mới đây, một số ngân hàng giảm lãi suất cho vay ở 5 lĩnh vực ưu tiên 0,5%/năm – 1%/năm, nhưng vẫn còn số lượng lớn các DN không hoạt động trong lĩnh vực ưu tiên phải gánh mức lãi suất vay rất cao. Thậm chí, một số DN cho biết lãi suất cho vay khiến chi phí tài chính tăng cao là nguyên nhân kéo giảm lợi nhuận của DN.

Chẳng hạn như CTCP Bánh kẹo Hải Hà trong quý II/2019 lỗ 6 tỷ đồng, kéo theo lợi nhuận trước thuế 6 tháng chỉ vỏn vẹn 183 triệu đồng, giảm hơn 1/3 so với cùng kỳ năm trước.

CTCP Tập đoàn kỹ nghệ Gỗ Trường Thành ghi nhận khoản lỗ 290 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2019. Cụ thể, tính đến cuối tháng 6/2019, tổng nợ phải trả của Gỗ Trường Thành lên tới hơn 2.577 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu chỉ hơn 74 tỷ đồng. Mặc dù so với cùng kỳ năm 2018, chi phí tài chính của DN này đã giảm hơn 20 tỷ đồng, nhưng hiện vẫn ở mức cao, lên tới 57,6 tỷ đồng; trong đó, chi phí lãi vay đã là 55,8 tỷ đồng.

Đáng chú ý, Gỗ Trường Thành đang là con nợ của nhiều ngân hàng. Chẳng hạn, tại Đông Á Bank chi nhánh Bình Dương, DN này có khoản nợ ngắn hạn hơn 123 tỷ đồng, lãi suất 8,5%/năm; khoản vay tại Agribank hơn 4,8 tỷ đồng, lãi suất 10,5%/năm…; vay dài hạn tại KienLongBank hơn 1,1 tỷ đồng, lãi suất 10%/năm… Các khoản nợ này đều từ cách đây hơn 3 năm, nhưng đến nay, Gỗ Trường Thành vẫn chưa thể trả.

Cũng có khoản nợ cao gấp rưỡi vốn chủ sở hữu, Bánh kẹo Hải Hà hiện có hơn 390,7 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, song lại vay nợ đến 557 tỷ đồng. Trong các khoản nợ phải trả, tổng khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn và dài hạn của DN đã lên tới hơn 450,6 tỷ đồng, chiếm gần 81% tổng nợ. Vì thế, 6 tháng đầu năm, tổng lượng chi phí tài chính DN phải trả là hơn 10,52 tỷ đồng, chiếm hơn 10,49 tỷ đồng là chi phí lãi vay.

Theo đánh giá của giới phân tích, mặt dù từ đầu năm đến nay, một số ngân hàng giảm lãi suất cho vay ở các lĩnh vực ưu tiên nhưng chỉ mang tính cá nhân, riêng lẻ ở những ngân hàng có “sức khoẻ” tốt, lợi nhuận cao, còn trên toàn hệ thống vẫn chưa thấy dấu hiệu giảm nhiều.

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng cho thấy mặt bằng lãi suất cho vay VND vẫn khá ổn định từ đầu năm đến nay, phổ biến ở mức 6-9%/năm đối với ngắn hạn, 9-11%/năm đối với trung và dài hạn.

Theo các chuyên gia, hoạt động ngân hàng thương mại hiện nay còn nhiều yếu tố trở ngại cho mục tiêu giảm lãi suất như: chi phí vốn cao, chênh lệch lớn giữa lãi cho vay và huy động, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung khiến thị trường nội tệ Việt Nam chao đảo, giá vàng gần chạm ngưỡng “đỉnh” của năm 2008…

Ha-lai-suat-moi-dung-o-dong-th-4847-9351

Nhiều DN vẫn chưa được hưởng lợi từ việc giảm lãi suất của một số ngân hàng mới đây

Giảm lãi suất cần thực chất hơn

Tuy nhiên, nếu điều chỉnh giảm lãi vay cần thực chất hơn, thay vì NHNN kêu gọi các ngân hàng thương mại thì nên phát đi yếu tố tín hiệu bằng việc giảm lãi suất điều hành, thực hiện vai trò dẫn dắt thị trường, cũng như tạo một tham chiếu nhạy hơn đối với các lãi suất trung và dài hạn trong nền kinh tế.

Theo dõi thị trường có thể thấy từ giữa năm 2018 đến nay, việc giảm lãi suất có 3 lần được thực hiện nhưng chủ yếu ở 4 ngân hàng quốc doanh, khiến thị trường “xôn xao” trong thời gian ngắn, sau đó trở nên trầm lắng và lãi suất vẫn theo xu hướng tăng, thay vì giảm.

Ts. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, cho rằng chưa có nhiều dấu hiệu lan toả từ động thái kêu gọi của NHNN và giảm lãi vay của một số “ông lớn”. Vì thế, trong năm nay, mặt bằng lãi suất nếu không tăng thì sẽ giữ được ở mức như hiện tại, khó có thể giảm xuống.

Tuy nhiên, một số ý kiến nhìn nhận trước những bất ổn của nền kinh tế thế giới, một số quốc gia đã nới lỏng chính sách tiền tệ, giảm lãi suất cho vay, Việt Nam cũng nên “té nước theo mưa”. Ông Hiếu cho rằng trong bối cảnh lạm phát có nguy cơ tăng bắt buộc NHNN phải dùng công cụ tiền tệ để kiềm chế lạm phát, lãi suất là một trong số đó. Nếu NHNN dùng chính sách nới lỏng tiền tệ bằng cách giảm lãi suất để đẩy một lượng cung ứng tiền tệ vào lưu thông thì tất yếu sẽ dẫn tới tăng trưởng tín dụng ở mức cao, vì người dân và DN sẽ đi vay nhiều hơn, nguy cơ lạm phát là khó tránh khỏi.

Thời gian tới, tình hình ổn định trở lại, các chỉ số thành phần như: tỷ giá, xuất nhập khẩu, tăng trưởng kinh tế… ổn định, nhất là lạm phát thấp thì NHNN có thể giảm lãi suất điều hành, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu để hạn chế dư thừa cung ứng tiền tệ vận hành trong nền kinh tế; hoặc thông qua thị trường mở (OMO) để bán ra một lượng trái phiếu Chính phủ, tín phiếu NHNN nhằm hút dòng tiền vào nếu như lượng cung ứng tiền tệ dư thừa do việc giảm lãi suất mang lại.

“Tuy nhiên, mọi biện pháp đều cần sử dụng cẩn thận, nếu không sẽ có những tác dụng ngược”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Huyền Anh