Grab quyết tâm tái thiết các thị trường tài chính chưa được phục vụ ở Đông Nam Á

10:28 27/11/2021

Kỳ lân công nghệ Singapore- Grab quyết tâm tái thiết các thị trường tài chính chưa được phục vụ ở Đông Nam Á và cho đây là cơ hội "chỉ có một lần trong đời" để thúc đẩy bao trùm tăng trưởng trên khắp khu vực.

Người đứng đầu mảng tài chính của Grab, ông Reuben Lai
Người đứng đầu mảng tài chính của Grab, ông Reuben Lai. (Ảnh: Reuters) 

Trong một hội thảo tài chính do Nikkei Asia tổ chức, Reuben Lai, Giám đốc điều hành cấp cao của Tập đoàn tài chính Grab chia sẻ, công ty "đã sẵn sàng bao phủ công nghệ tài chính tại khu vực" thông qua các dịch vụ dựa trên kỹ thuật số với mục tiêu tạo ra một nền kinh tế "trao quyền cho hàng triệu người dân Đông Nam Á".

Tài chính là một trong những mảng kinh doanh cốt lõi của Grab bên cạnh dịch vụ đặt xe và giao đồ ăn đồng thời được kỳ vọng sẽ trở thành động lực tăng trưởng chính cho công ty sau khi niêm yết tại Mỹ sớm nhất vào đầu tháng 12.  Hiện tại, kỳ lân công nghệ cung cấp ví điện tử GrabPay, bảo hiểm và quản lý tài sản cùng các dịch vụ khác, nhắm mục tiêu đến nhóm lao động trẻ tuổi, các doanh nghiệp nhỏ và vừa mà theo Lai mang lại "lượng lớn nhu cầu chưa được đáp ứng".

Grab đã giành được giấy phép ngân hàng kỹ thuật số tại Singapore thông qua liên doanh với viễn thông và đang chuẩn bị cho sự kiện ra mắt dự kiến ​​vào năm sau. Các ngân hàng truyền thống của Đông Nam Á như DBS Group Holdings của Singapore cũng đang đầu tư mạnh mẽ vào không gian kỹ thuật số. Theo Lai: "Chúng tôi nhận thấy những khoản đầu tư khổng lồ của các ngân hàng truyền thống vào trải nghiệm của người tiêu dùng trên toàn khu vực. Điều đó thật tuyệt vời nhưng vẫn còn tồn tại khoảng trống thị trường đối với nhóm chưa được phục vụ. Cứ 10 người thì có 6 người không sử dụng các dịch vụ kỹ thuật số hay không có thẻ tín dụng, tất cả đều đang hiện hữu tại khắp Đông Nam Á. Đó là phân khúc mục tiêu của chúng tôi".

Ngoài ra, Grab đã đăng ký giấy phép ngân hàng kỹ thuật số ở Malaysia và tìm kiếm các cơ hội ngân hàng kỹ thuật số ở phần còn lại của khu vực. Ông Lai cho hay: "Chúng tôi tiếp tục hành trình trên khắp Đông Nam Á để tìm kiếm các cơ hội thúc vị khác nhằm tái tạo lại lĩnh vực ngân hàng". Ông cũng cho hay, Grab đã học hỏi kinh nghiệm kinh doanh tài chính từ các đối tác hiện tại như Credit Saison của Nhật Bản và tập đoàn tài chính Mitsubishi UFJ, cũng như Tập đoàn bảo hiểm Trung Quốc ZhongAn. 

Một nguồn tăng trưởng dự kiến ​​khác sẽ là dịch vụ "Buy now, Pay later" cho phép khách hàng mua các mặt hàng mà không phải trả lãi suất, trong đó, Grab sẽ nhận hoa hồng từ bên bán. Chức năng này đã được ra mắt vào cuối năm 2020 dành cho những ai không có thẻ tín dụng. Trong một cuộc phỏng vấn, người đứng đầu GrabPay và GrabRewards, Chris Yeo cho biết, công ty hiện đang vận hành dịch vụ này tại Singapore và Malaysia và sẽ triển khai tại các thị trường khác trong khu vực từ năm sau.

Tuy nhiên, hoạt động tài chính của Grab vẫn không tránh khỏi thua lỗ do tác động đại dịch. Doanh thu của phân khúc này trong quý từ tháng 7 đến tháng 9 là 14 triệu đô la, trong khi EBITDA (thu nhập trước lãi vay, thuế, khấu hao và khấu hao) là âm 76 triệu đô la, cho thấy kỳ lân công nghệ đã chi một khoản lớn cho mở rộng quy mô kinh doanh. Cũng theo ông Lai chỉ ra: "Một khi mở cửa thị trường, chúng tôi tin rằng quy mô mà cơ hội kinh doanh mới mang lại là rất đáng kể... Chúng tôi đang làm việc chăm chỉ và hy vọng, trong vòng 5 đến 10 năm tới, Grab sẽ chứng kiến các dịch vụ tài chính và ngân hàng được tái cơ cấu và tái định nghĩa tại Đông Nam Á".

TL