Google bị cáo buộc vi phạm luật chống độc quyền tại Nhật Bản. |
Ủy ban Thương mại Công bằng Nhật Bản (JFTC) xác định hợp đồng giữa Google và các hãng sản xuất smartphone hạn chế cạnh tranh một cách công bằng, gây tổn hại đến thị trường tìm kiếm trên internet.
JFTC sẽ sớm ban hành lệnh yêu cầu Google ngừng các hoạt động độc quyền, theo Nikkei Asia. Google không trả lời ngay lập tức khi được Reuters đề nghị bình luận.
JFTC đã bắt đầu điều tra Google về khả năng vi phạm luật chống độc quyền trong các dịch vụ tìm kiếm trên web vào tháng 10/2023, sau các bước tương tự của các cơ quan chức năng ở châu Âu và các nền kinh tế lớn khác.
Cụ thể, JFTC cho rằng, Google đã yêu cầu các nhà sản xuất điện thoại phải cài đặt cửa hàng ứng dụng Google Play của mình như một phần của gói ứng dụng tìm kiếm trên trình duyệt web Chrome, khiến các thiết bị Android về cơ bản không thể bán được nếu không có Google Play. Ngoài ra, Google còn bị cáo buộc đưa ra các ưu đãi tài chính để khuyến khích các nhà sản xuất loại trừ các ứng dụng tìm kiếm cạnh tranh khác.
Hành vi này được coi là "giao dịch không công bằng" theo luật chống độc quyền của Nhật Bản. Lệnh ngừng và hủy bỏ sẽ được áp dụng đối với Google sau phiên điều trần. Đây là một phần trong nỗ lực lớn hơn của JFTC nhằm trấn áp hành vi phản cạnh tranh của các công ty công nghệ lớn của Mỹ, trong đó vụ kiện của Google là vụ kiện đầu tiên nhắm vào các công ty "GAFAM" (Google, Amazon, Facebook, Apple và Microsoft).
Tháng trước, Bộ Tư pháp Mỹ đã đề nghị rằng, Google, thuộc sở hữu của Alphabet, phải bán trình duyệt Chrome và không được phép quay trở lại thị trường trình duyệt trong vòng 5 năm, để chấm dứt triệt để tình trạng độc quyền tìm kiếm.
“Trong hơn một thập kỷ, Google đã kiểm soát các kênh phân phối phổ biến nhất, khiến các đối thủ cạnh tranh không có động lực để cạnh tranh để giành người dùng”, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết.
Ngoài ra, các công tố viên cho biết, các biện pháp khắc phục có thể bao gồm việc cấm các hợp đồng độc quyền là trọng tâm của vụ án - đặc biệt là khoản phí 20 tỷ đô la mà Google trả hàng năm cho Apple để trở thành công cụ tìm kiếm mặc định của Safari.
Bộ Tư pháp Mỹ cũng đang cân nhắc yêu cầu Google chia sẻ kho dữ liệu khổng lồ được thu thập để cải thiện các mô hình xếp hạng tìm kiếm, chỉ số và thuật toán quảng cáo mà các công tố viên cho rằng đã được tích lũy một cách bất hợp pháp.