Giảm lãi suất điều hành: Chặn đà suy thoái, đón đầu cho sự hồi phục

00:00 12/10/2020

Lần giảm lãi suất lần này của NHNN theo đánh giá của giới chuyên môn, mang tính chất toàn diện với mức độ liều lượng điều chỉnh các loại lãi suất điều hành khá phù hợp.

Vì sao NHNN giảm lãi suất điều hành?

Ngày 16/3, NHNN Việt Nam đã quyết định điều chỉnh các mức lãi suất điều hành, có hiệu lực từ ngày 17/3/2020. Động thái của NHNN diễn ra chưa đầy một ngày sau động thái giảm lãi suất lần thứ hai của FED. Cụ thể, NHNN giảm lãi suất tái cấp vốn từ 6,0%/năm xuống 5,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4,0%/năm xuống 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng từ 7,0%/năm xuống 6,0%/năm. Cùng với đó, lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở giảm từ 4,0%/năm xuống 3,5%/năm.

Động thái giảm lãi suất của NHNN được đánh giá là bước đi hợp lý để hỗ trợ nền kinh tế

Lãi suất trên thị trường 1 cũng được điều chỉnh. Theo đó, trần lãi suất huy động VND của TCTD đối với khách hàng loại không kỳ hạn giảm 0,3%/năm từ 0,8%/năm xuống còn 0,5%/năm; kỳ hạn từ 1 tháng - 6 tháng giảm 0,25%/năm từ 5%/năm xuống còn 4,75%/năm... Lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do TCTD ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường. Một quyết định khác được NHNN ban hành cùng ngày là Quyết định số 420/QĐ-NHNN về mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN giảm từ 6,0%/năm xuống 5,5%/năm...

Quyết định thứ 4 liên tiếp được ban hành là Quyết định số 421/QĐ-NHNN về mức lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc và tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc của TCTD tại NHNN. Theo đó, lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND là 1,0%/năm, lãi suất đối với tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng VND là 0%/năm; lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ là 0%/năm, lãi suất đối với tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ là 0,05%/năm. Ngoài ra, NHNN tăng lãi suất tiền gửi trong dự trữ bắt buộc bằng VND của TCTD tại NHNN thêm 0,2%/năm, từ 0,8%/năm lên 1%/năm.

Lý giải cho quyết định điều chỉnh giảm đồng loạt các loại lãi suất chủ chốt, NHNN cho biết, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế trên phạm vi toàn cầu. Để ngăn chặn nguy cơ suy thoái, nhiều Chính phủ đã triển khai các chính sách kích thích kinh tế, ngân hàng trung ương giảm lãi suất điều hành. Gần đây, FED đã liên tiếp giảm mạnh lãi suất điều hành, về 0 - 0,25%/năm và hỗ trợ mạnh mẽ thanh khoản cho thị trường tài chính. Để phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính quốc tế và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, NHNN quyết định hạ lãi suất điều hành.

Quyết định hạ lãi suất cơ bản và một loạt lãi suất điều hành này thực sự là động thái rất quyết liệt và mạnh tay của NHNN đối với thị trường và các NHTM. Trước đó, vào năm 2019 nhà điều hành cũng đã 2 lần giảm các loại lãi suất chủ chốt (tháng 9 và tháng 11) nhưng với bước giảm khá nhẹ chỉ 0,25%/năm trong mỗi lần điều chỉnh. “Thị trường sợ nhất là khủng hoảng thanh khoản, nhưng điều đó đến thời điểm này NHNN cầm chắc kiểm soát được. Chúng tôi quyết định điều chỉnh một loạt các lãi suất để giúp các NHTM giảm chi phí, từ đó tính đến giảm lãi suất đầu ra”, lãnh đạo NHNN lý giải về việc giảm mạnh lãi suất điều hành. 

Động thái chính sách cần thiết

Quyết định giảm lãi suất điều hành không gây bất ngờ đối với thị trường khi tuần trước lãnh đạo NHNN đã phát đi tín hiệu là sẽ giảm các lãi suất điều hành ở mức “tích cực”. Nhưng lần giảm lãi suất lần này của NHNN theo đánh giá của giới chuyên môn, mang tính chất toàn diện với mức độ liều lượng điều chỉnh các loại lãi suất điều hành khá phù hợp.

TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đánh giá, sự vào cuộc cắt giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế trước ảnh hưởng của dịch Covid-19 của NHNN là một động thái chính sách cần thiết, tạo thêm nguồn lực tài chính cho các NHTM, nhất là NHTM lớn để khoanh nợ, giãn nợ, cho vay mới để hỗ trợ DN đang gặp khó khăn về tài chính do dịch Covid-19. Quyết định trên cũng phát đi tín hiệu chỉ báo lãi suất có xu hướng giảm, hỗ trợ cho phục hồi kinh tế sắp tới đây khi mà dịch bệnh được kiểm soát.

Lần điều chỉnh lãi suất này của NHNN theo nhận xét của TS. Bùi Quang Tín là nhanh chóng và phù hợp. Đặc biệt là sau khi FED giảm mạnh lãi suất từ 1-1,25% xuống còn 0-0,25% và cũng rất nhiều NHTW các nước cũng trong giai đoạn áp dụng mức lãi suất cơ bản thấp. “NHNN điều chỉnh kịp thời lãi suất điều hành để làm sao hỗ trợ thanh khoản VND cho hệ thống NHTM tạo điều kiện cung ứng dòng vốn tốt hơn cho DN”, TS. Tín nhận định.

Có chung quan điểm, TS. Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, trong vòng cuốn của rất nhiều nước đang thực hiện cắt giảm lãi suất, việc NHNN giảm lãi suất điều hành là phản ứng cần thiết trong bối cảnh hiện nay tạo ra mặt bằng chung lãi suất thấp hơn. Theo đó, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho cả ngân hàng lẫn DN.

“NHNN giảm mạnh lãi suất tái cấp vốn cho thấy nhà điều hành sẵn sàng cung ứng nguồn vốn chi phí thấp hơn để các NHTM mạnh dạn hơn trong cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay mới”, TS. Võ Trí Thành bình luận. Tuy nhiên, điều mà vị chuyên gia này đánh giá cao chính là phản ứng của NHNN “đủ thận trọng” để vẫn kiểm soát được lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh lạm phát Việt Nam chưa phải là thấp. Trong khi “động thái điều chỉnh chính sách của NHNN mặc dù mạnh hơn so với giai đoạn trước nhưng vẫn tạo ra dư địa nhất định để vào thời điểm cần thiết cơ quan này vẫn có thể tiếp tục làm mạnh hơn trên cơ sở vẫn đảm bảo kinh tế vĩ mô”, TS. Võ Trí Thành nhận xét.

TS. Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng, việc giảm lãi suất điều hành không ảnh hưởng nhiều đến sự ổn định kinh tế vĩ mô. Bởi các yếu tố có thể tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô là lạm phát, tỷ giá có xu hướng hạ nhiệt. Đơn cử như với tỷ giá, việc FED giảm lãi suất sẽ làm giảm độ hấp dẫn của đồng USD, khiến đồng USD giảm giá, qua đó làm dịu áp lực đến tỷ giá trong nước.

Còn với lạm phát, theo TS. Nghĩa, nguyên nhân CPI tăng cao trong 2 tháng đầu năm chủ yếu là do các cú sốc từ phía cung như giá thịt lợn, xăng dầu, dịch vụ y tế... Nhưng sức cầu đang rất yếu nên tác động của các cú sốc từ phía cung sẽ giảm dần trong thời gian tới và lạm phát CPI so với cùng kỳ năm trước sẽ dần tiệm cận mức lạm phát cơ bản. Hiện giá các loại vật liệu cơ bản, đặc biệt là xăng dầu trên thế giới giảm mạnh như xăng, dầu. Trong khi đối với áp lực cung tiền từ tăng trưởng tín dụng lại càng thấp. Đến đầu tháng 3, tín dụng mới tăng 0,1%, trong khi thanh khoản của các NHTM rất dồi dào...

Cho nên, theo khẳng định của TS. Nghĩa, động thái này của NHNN không nhằm mục đích kích cầu mà tác động quan trọng nhất là hỗ trợ các NHTM, hỗ trợ cho DN có điều kiện cầm cự qua giai đoạn khó khăn này để mà có khả năng phục hồi khi dịch cúm đi qua. Lần giảm lãi suất điều hành này của NHNN tác động gián tiếp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế chứ không ảnh hưởng ổn định kinh tế vĩ mô.

Hà Thành