Giá trị thị trường Edtech Việt Nam tăng vọt lên 3 tỷ USD nhờ làn sóng học trực tuyến

09:28 18/12/2021

Thị trường công nghệ giáo dục Việt Nam trở nên bùng nổ trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đẩy mạnh nhu cầu học trực tuyến với sự tham gia của hàng loạt tên tuổi tập đoàn lớn cùng cộng đồng startup.

Trẻ học online tại nhà trong thời gian dịch bệnh
Trẻ học online tại nhà trong thời gian dịch bệnh. (Ảnh: Tomoya Onishi)

 Theo báo cáo truyền thông, thị trường edtech tại Việt Nam hiện có tiềm năng trị giá 3 tỷ USD, tăng từ khoảng 2 tỷ USD vào năm 2019. Giáo dục trực tuyến ngày nay được sử dụng như một trong những công cụ củng cố cơ sở hạ tầng, giúp lực lượng lao động chuẩn bị tốt hơn cho tiến trình toàn cầu hóa đất nước, kỹ thuật số hóa thị trường. 

Người chơi lớn trong lĩnh vực này là nhà cung cấp dịch vụ CNTT hàng đầu tại Việt Nam, FPT. Ứng dụng của FPT sử dụng trí tuệ nhân tạo mang đến trải nghiệm học tập phù hợp với điểm mạnh và điểm yếu của từng học sinh, đồng thời mang đến khối lượng nội dung khổng lồ, trong đó có hơn 2.000 video liên quan đến toán học nói riêng. Học sinh học trên ứng dụng nhanh hơn từ 30% đến 50% so với các lớp học trực tiếp truyền thống. Công nghệ mới có khả năng tự động giao bài tập và chấm điểm bài kiểm tra, từ đó giáo viên có thể tiết kiệm một nửa thời gian. Theo FPT, ứng dụng này có khoảng 3 triệu tài khoản trên 40.000 trường học.

Các công ty nước ngoài cũng đang thâm nhập thị trường. Tập đoàn Gakken Holdings của Nhật Bản tháng trước đã hợp tác với KiddiHub Education Technology Việt Nam, công ty điều hành trang web thông tin về các trường mẫu giáo. Gakken muốn tận dụng sự hiện diện trực tuyến của KiddiHub để khơi gợi sự quan tâm đến giáo dục, tập trung vào các kỹ năng như tư duy phản biện. Hai bên lên kế hoạch cử giáo viên hướng dẫn đầu tiên đến các trường mẫu giáo tư nhân hai lần một tháng để xây dựng thương hiệu tại Việt Nam. Gakken dự kiến ​​sẽ đưa dịch vụ đến 2.000 trường mẫu giáo và các cơ sở chăm sóc trẻ em khác với doanh thu hàng năm là 1 tỷ yên (8,78 USD) vào năm 2025 và cuối cùng sẽ tung ra dịch vụ cá nhân hóa.

Việt Nam gần đây được hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc đến khu vực Đông Nam Á kéo theo lượng lớn nhân công giá rẻ. Tuy nhiên, nước ta có nguy cơ rơi vào "bẫy thu nhập trung bình", tức là quốc gia phải vật lộn để vượt qua một mức thu nhập nhất định trừ khi có thể tăng năng suất vượt bậc. Trước áp lực đào tạo lực lượng lao động về kỹ năng số hóa, chính phủ đã đặt mục tiêu cung cấp mô hình giáo dục trực tuyến tại 90% trường đại học và 80% trường trung học và các cơ sở đào tạo nghề vào năm 2030.

Công chúng cũng ngày càng quan tâm đến giáo dục. Theo Tổng cục Thống kê, chi tiêu hàng năm cho giáo dục đã tăng 2,3 lần trong một thập kỷ lên khoảng 7 triệu đồng (304 USD) / học sinh vào năm 2020. Ngày càng nhiều phụ huynh gửi trẻ đến các trường luyện thi và các hoạt động ngoại khóa khác, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Ngoài những cái tên danh tiếng như FTP, các công ty khởi nghiệp cũng đang tận dụng lợi thế của làn sóng bùng nổ giáo dục. Nhà điều hành trường tư thục EQuest Education Group đã ghi được khoản đầu tư 100 triệu USD từ công ty cổ phần tư nhân KKR của Hoa Kỳ vào cuối tháng 5. EQuest tập trung vào giáo dục tiếng Anh và kỹ thuật số, coi đây là yếu tố quan trọng quyết định khả năng cạnh tranh của lực lượng lao động nước nhà trên toàn cầu. Theo giám đốc điều hành Nguyễn Quốc Toàn, công ty hướng tới mục tiêu cung cấp nền giáo dục chất lượng cao với chi phí rẻ nhất có thể.

Nền tảng giáo dục được hỗ trợ bởi AI, Clevai đã huy động được 2,1 triệu USD từ một nhóm các quỹ đầu tư của Singapore và Hoa Kỳ. Trong khi đó, một số doanh nhân Việt Nam đang triển khai hoạt động kinh doanh tại Mỹ, chẳng hạn như ứng dụng cải thiện phát âm tiếng anh Elsa đã huy động được 15 triệu USD trong năm nay, bao gồm cả từ quỹ đầu tư liên kết với Google. Ứng dụng có khoảng 13 triệu người dùng tại hơn 100 quốc gia. Thế nhưng, các vấn đề về cấu trúc có thể cản trở sự bùng nổ học tập trực tuyến của Việt Nam. Kết nối mạng Internet hiện nay vẫn còn hạn chế tại các khu vực nông thôn trên cả nước. Bên cạnh đó, ngành công nghệ giáo dục tại nước ta mới bước vào giai đoạn đầu tiên, chưa rõ ai sẽ là người chiến thắng cuối cùng, mọi doanh nghiệp đều có dư địa để tìm kiếm các đối tác mới cũng như cơ hội kinh doanh mở rộng "dấu chân" trên thị trường. 

TL