Gần một nửa số nhà nghiên cứu hàng đầu về AI đến từ Trung Quốc

16:24 27/03/2024

Đến năm 2022, tỷ lệ ở Trung Quốc là 47%, còn Mỹ là 18%, châu Âu là 12% và Ấn Độ là 5%. Điều này cho thấy khoảng một nửa số nhà nghiên cứu AI hàng đầu đến từ Trung Quốc.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Trong những năm gần đây, do các yếu tố như đột phá trong mô hình ngôn ngữ quy mô lớn và học máy, cũng như những cải tiến mạnh mẽ về sức mạnh tính toán, các công ty và tổ chức trên khắp thế giới đang cạnh tranh gay gắt để thu hút nhân tài AI.

Sử dụng dữ liệu từ NeurIPS, hội nghị thượng đỉnh AI lớn và có uy tín nhất trong năm quy tụ số lượng lớn các công trình nghiên cứu đỉnh cao về AI, MacroPolo đã thực hiện báo cáo nhằm định lượng sự cân bằng toàn cầu về nguồn nhân lực - vốn là yếu tố thiết yếu cho sự phát triển của hệ sinh thái AI. Tác giả các bài báo được NeurIPS chấp nhận là một dấu hiệu xuất sắc cho thấy họ nằm trong số 20% nhà nghiên cứu hàng đầu về nghiên cứu AI.

Biểu đồ "Các quốc gia có 20% nhà nghiên cứu AI hàng đầu" của MacroPolo cho thấy những con số đáng chú ý. Vào năm 2019, tỷ lệ ở Trung Quốc là 29%, Mỹ là 20%, châu Âu là 17% và Ấn Độ là 8%. Nhưng đến năm 2022, tỷ lệ ở Trung Quốc là 47%, còn Mỹ là 18%, châu Âu là 12% và Ấn Độ là 5%. Điều này cho thấy khoảng một nửa số nhà nghiên cứu AI hàng đầu đến từ Trung Quốc.

Theo New York Times, tình trạng mất cân bằng nhân tài đã manh nha trong hơn một thập kỷ qua. Trong thập kỷ 2010, Mỹ được hưởng lợi khi lượng lớn những bộ óc hàng đầu của Trung Quốc chuyển đến các trường đại học ở Mỹ để lấy bằng tiến sĩ.

Phần lớn trong số họ đều ở lại Mỹ. Nhưng nghiên cứu cho thấy xu hướng đó đã bắt đầu thay đổi với số lượng các nhà nghiên cứu Trung Quốc ở lại quê nhà ngày càng tăng.

Tương lai sắp xảy ra trong vài năm tới được New York Times đánh giá là rất quan trọng khi Trung Quốc và Mỹ đua nhau giành vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực AI - công nghệ có khả năng tăng năng suất, củng cố các ngành công nghiệp và thúc đẩy tiến bộ đổi mới. Đây cũng là lĩnh vực biến các nhà nghiên cứu thành một trong những nhóm người có vai trò quan trọng nhất về mặt địa chính trị của thế giới.

Trong vài năm trở lại, AI tạo sinh là chủ đề chiếm lĩnh ngành công nghệ ở Thung lũng Silicon và Trung Quốc, tạo ra làn sóng đầu tư và tài trợ mạnh mẽ. Sự bùng nổ này được dẫn dắt bởi những gã khổng lồ công nghệ Mỹ như Google và các start-up mới nổi như OpenAI.

Các chuyên gia cho rằng, điều này sẽ thu hút các nhà nghiên cứu Trung Quốc. Nhưng bên cạnh đó, căng thẳng giữa chính quyền 2 nước cũng có thể ngăn cản một số nhà nghiên cứu chạy theo làn sóng.

Trong bối cảnh đó, Trung Quốc đã nuôi dưỡng rất nhiều tài năng AI. Một phần là vì họ đầu tư mạnh tay vào mảng giáo dục về trí tuệ nhân tạo.

Từ năm 2018, quốc gia này đã bổ sung hơn 2.000 chương trình đại học liên quan đến AI. Trong đó, hơn 300 chương trình được tổ chức tại các trường đại học ưu tú nhất, Damien Ma, Giám đốc điều hành của MacroPolo cho biết. 

Cuộc khảo sát được thực hiện bởi MacroPolo cũng cung cấp dữ liệu hiện thị biểu đồ các quốc gia 20% nhà nghiên cứu AI hàng đầu làm việc. Vào năm 2019, tỷ lệ ở Mỹ là 59%, Trung Quốc là 11%, châu Âu là 10% và Canada là 6%. Đến năm 2022, con số này ở Mỹ là 42%, Trung Quốc là 28%, châu Âu là 12% và Canada là 2%.

Mặc dù Mỹ là nước tiên phong trong những đột phá về AI và là nơi tập trung của nhiều chuyên gia AI đến làm việc nhưng không ít đóng góp của những thành tựu này đều đến từ các nhà nghiên cứu Trung Quốc.

Các nhà khoa học đến từ Trung Quốc hiện chiếm 38% tổng số chuyên gia AI hàng đầu làm việc tại Mỹ. Trong khi đó, số người Mỹ chỉ chiếm 37%, theo nghiên cứu. 3 năm trước đó, người Trung Quốc chiếm 27% nhân tài làm việc tại Mỹ, thấp hơn một chút so với 31% của Mỹ.

Chính nguồn nhân lực AI này của Trung Quốc đã đặt Mỹ vào vấn đề nan giải. Trong khi quốc gia này cố gắng ngăn chặn hoạt động gián điệp từ Trung Quốc, họ buộc phải chấp nhận các nhà nghiên cứu AI Trung Quốc nếu không muốn bị tụt lại phía sau trong lĩnh vực AI. Kết quả là, nhiều vụ rò rỉ có thể xảy ra. Tiêu biểu nhất khi vào tháng 3/2024, một cựu nhân viên Google - Linwei Ding đến từ Trung Quốc bị truy tố về tội đánh cắp bí mật thương mại liên quan đến AI và chuyển chúng về cho một công ty Trung Quốc.

Các nhà điều tra Mỹ cáo buộc kỹ sư Google Linwei Ding đánh cắp hơn 500 tập tin bí mật, liên quan đến kế hoạch phát triển trung tâm dữ liệu, phục vụ huấn luyện học máy, bao gồm cả AI tạo sinh.

Những thứ bị đánh cắp gồm các chi tiết về chip, hệ thống và phần mềm giúp siêu máy tính "có khả năng thực thi ở mức đỉnh cao của công nghệ máy học và AI".

Cựu kỹ sư Google Linwei Ding sẽ đối mặt với án tù lên đến 10 năm và mức phạt 250.000 USD cho mỗi tội danh.

Phương Hà (t/h)