Gần 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc nhận định tình hình kinh tế năm nay sẽ còn xấu hơn năm trước

14:37 15/01/2021

Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc công bố kết quả điều tra triển vọng kinh doanh năm 2021 tiến hành với Tổng Giám đốc điều hành 411 doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong đó, có 47,7% nhận định tình hình kinh tế năm nay sẽ còn xấu hơn năm trước.

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ.

Theo kết quả khảo sát, 41,8% trả lợi tình hình kinh tế năm 2021 sẽ ở mức tương tự, trong khi chỉ có 10,5% trả lời tình hình sẽ lạc quan hơn trong năm nay.

Lý do lớn nhất khiến các doanh nghiệp cho rằng tình hình kinh tế sẽ xấu hơn là bởi tiêu thụ nội địa tiếp tục bị chững lại do dịch COVID-19, kinh tế toàn cầu tăng trưởng trì trệ.

47,4% người trả lời cho rằng doanh thu năm nay của doanh nghiệp mình sẽ ở mức tương tự năm ngoái, 37% trả lời doanh thu sẽ giảm.

Yếu tố trong và ngoài nước ảnh hưởng lớn nhất tới tình hình kinh doanh năm 2020 là sự hồi phục tâm lý kinh doanh (71%), sự hỗ trợ chính sách của Chính phủ (46,2%) và điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp (33,6%).

Chính sách mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ mong muốn được Chính phủ và Quốc hội hỗ trợ đó là thúc đẩy tiêu thụ nội địa, ưu đãi thuế, vốn chính sách, giảm nhẹ quy chế cho hoạt động của doanh nghiệp, hoàn thiện chế độ tuần làm việc tối đa 52 tiếng.

Bất chấp cú sốc từ đại dịch COVID-19, nền kinh tế Hàn Quốc vẫn hoạt động tương đối tốt trong năm ngoái nhờ xuất khẩu mạnh mẽ. Sự phục hồi sớm của kinh tế Trung Quốc đã góp phần tăng khối lượng thương mại toàn cầu, và xuất khẩu của Hàn Quốc cũng được hưởng lợi.

Theo đó, kinh tế Hàn Quốc có thể tăng trưởng nhẹ trong năm 2021. Chính phủ và các tổ chức trong và ngoài nước dự đoán GDP của Hàn Quốc sẽ tăng trưởng từ 2,5% đến 3,3% trong năm nay.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng còn quá sớm để kết luận nền kinh tế đã bước vào giai đoạn phục hồi hoàn toàn. Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế Chamjoeun, ông Lee In-chul cho biết.

Đầu tiên, nợ quốc gia của Hàn Quốc ước tính sẽ đạt 956.000 tỷ won (880,6 tỷ USD), cao hơn khoảng 100.000 tỷ won (92,1 tỷ USD) so với 845.000 tỷ won (778,3 tỷ USD) của năm ngoái. Theo đó, tỷ lệ nợ trên GDP dự báo sẽ đạt hơn 47%. Nợ quốc gia của Hàn Quốc năm 2021 có thể vượt qua 1.000.000 tỷ won (921,1 tỷ USD).

Thứ hai, theo ước tính, dịch COVID-19 đã làm mất đi 220.000 việc làm. Năm 2021, Chính phủ dự kiến sẽ tạo ra 150.000 việc làm.

Thứ ba, năm ngoái giá nhà đất đã tăng vọt, làm phân cực tài sản càng trở nên sâu sắc. Năm 2020, giá nhà và giá thuê nhà đặt cọc dài hạn theo hình thức jeonse đã lần lượt đạt tốc độ tăng nhanh nhất trong vòng 14 năm và 9 năm qua. Nhiều nhà phân tích dự đoán giá nhà sẽ tiếp tục trong năm nay, căn cứ vào số lượng nhà mới được bán ra và mức lãi suất thấp. Song Chính phủ kỳ vọng có thể ổn định thị trường bất động sản thông qua các chính sách.

Dịch COVID-19 đã mang tới những thay đổi căn bản trong môi trường kinh tế và công nghiệp Hàn Quốc. Chính sách tài khóa quy mô lớn đã trở nên phổ biến trong quá trình đối phó với đại dịch. Các dịch vụ không tiếp xúc trực tiếp đã tăng lên đáng kể trong cuộc sống hàng ngày, và hình thức trực tuyến đã trở thành một xu hướng mới.

Sự mở rộng của các công nghệ mới như mạng di động thế hệ thứ năm (5G) và trí tuệ nhân tạo (AI) đã thúc đẩy chuyển đối kỹ thuật số trong nền kinh tế. Ngay cả khi việc phân phối vắc-xin COVID-19 thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu đi đúng hướng, thì những thay đổi nêu trên vẫn có khả năng tiếp tục diễn ra, ông Lee In-chul giải thích.

Dịch bệnh đã thúc đẩy kỷ nguyên mới của các dịch vụ không tiếp xúc và con người đang dần thích nghi với xu thế mới. Trong khi các hoạt động kinh doanh trực tiếp ngày càng giảm, các chương trình tập luyện tại nhà, các dịch vụ truyền hình trực tuyến hàng đầu lại đang bùng nổ.

Chính phủ Hàn Quốc sẽ hỗ trợ khẩn cấp lần ba cho các hộ kinh doanh nhỏ lẻ bị ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới. Lãi suất cơ bản của Hàn Quốc đã giảm xuống mức 0%, và BOK có thể giữ nguyên mức lãi suất này thay vì cắt giảm một lần nữa. Do đó, Chính phủ Hàn Quốc sẽ thiên về các chính sách tài khóa mở rộng, hướng đến chi tiêu ngân sách trong tương lai.

Trong môi trường công nghiệp, cuộc cạnh tranh toàn cầu được dự đoán sẽ tạo ra các doanh nghiệp mới liên quan đến Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Các nhà phân tích cho rằng việc thích ứng với những thay đổi này sẽ quyết định khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Hàn Quốc.

Cho đến nay, ngành ô tô, đóng tàu, hóa chất vẫn dẫn dắt nền kinh tế Seoul, nhưng tỷ trọng các ngành công nghiệp truyền thống trong nền kinh tế đang dần thu hẹp, các ngành công nghiệp mới đang phát triển biến các doanh nghiệp mới thành công ty toàn cầu.

Theo các nhà quan sát thị trường, các ngành công nghiệp truyền thống cần nâng cao năng lực cạnh tranh, ứng dụng công nghệ thông tin. Theo đó, Chính phủ cần có biện pháp hỗ trợ cần thiết và kiểm tra, cải cách các quy chế liên quan, Giám đốc Lee In-chul nhận định.

Nền kinh tế Hàn Quốc sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức khó khăn với bất ổn cả trong và ngoài nước. Trước hết, điều quan trọng là phải đảm bảo vắc-xin COVID-19 và sớm triển khai tiêm chủng. Seoul đã ký thỏa thuận mua vắc-xin với các hãng dược phẩm như Moderna (Mỹ), Astra-Zeneca (Anh) để đảm bảo lượng vắc-xin cung cấp cho toàn dân.

Ngoài ra, điều quan trọng là phải bãi bỏ bớt các quy chế để doanh nghiệp có thể thúc đẩy công nghệ mới, nâng cao khả năng cạnh tranh, giúp các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả cao trở thành công ty toàn cầu, tăng cường xuất khẩu, chìa khóa của nền kinh tế Hàn Quốc.

Cuối cùng, Chính phủ Hàn Quốc cần phản ứng kịp thời với các chính sách kinh tế mới của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden và môi trường thương mại toàn cầu nhiều biến động, vẫn theo ông Lee In-chul.

Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc (KBIZ) công bố kết quả khảo sát trên sau khi thăm dò 250 doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Kết quả 38% doanh nghiệp dịch vụ trả lời bị thiệt hại do dịch dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona (nCoV), trong đó có 77% cho biết doanh thu bị giảm do lượng khách du lịch tới Hàn Quốc giảm, 9% doanh nghiệp trả lời gặp trở ngại trong hoạt động kinh doanh, 4,3% trả lời bị giảm doanh thu.

31% doanh nghiệp chế tạo trả lời đã bị thiệt hại, trong đó có 56% gặp trở ngại về cung cầu nguyên vật liệu, 44% gặp khó khăn về cung cầu phụ tùng, linh kiện. Ngoài ra, 23% doanh nghiệp chế tạo cho biết đã bị hủy hợp đồng, 21% giảm cơ hội trúng thầu hợp đồng mới do các lịch trình triển lãm, hội chợ hàng xuất khẩu bị hủy.

43% doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc nhận định nền kinh tế đã xấu đi so với trước khi xảy ra dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV. Đặc biệt, 57% doanh nghiệp dịch vụ đưa ra nhận định này, cho thấy lĩnh vực dịch vụ gặp thiệt hại lớn hơn lĩnh vực chế tạo.

62% doanh nghiệp vừa và nhỏ cho rằng điều quan trọng nhất là chính phủ nước này phải nhanh chóng có đối sách hỗ trợ doanh nghiệp gặp thiệt hại, như hoãn thời hạn nộp thuế, sớm giải ngân ngân sách để thúc đẩy tiêu thụ nội địa.

TH