Giám đốc điều hành (CEO) Google, Adam Juda đã trình diện trước tòa để giải trình về chiến lược định giá quảng cáo trực tuyến gây tranh cãi của tập đoàn này. Đây là một trong những vấn đề trọng tâm trong vụ xét xử Google do Bộ Tư pháp Mỹ thúc đẩy liên quan cáo buộc tập đoàn này vi phạm luật chống độc quyền để duy trì vị thế nổi trội của mình trong dịch vụ tìm kiếm trực tuyến.
Tại phiên tòa diễn ra ở thủ đô Washington, luật sư đại diện cho Bộ Tư pháp Mỹ, ông David Dahlquist cho rằng kỹ thuật tìm kiếm và quảng cáo mà Google áp dụng để thúc đẩy giá quảng cáo trực tuyến là không công bằng. Theo Bộ Tư pháp, Google thao túng lĩnh vực đấu giá trực tuyến, một ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ USD, với những công thức mang lại lợi nhuận cho công ty này.
Trong khi đó, CEO Adam Juda bào chữa rằng Google đã áp dụng một công thức chung, trong đó có đánh giá chất lượng của quảng cáo, để quyết định doanh nghiệp nào sẽ chiến thắng trong các cuộc đấu giá để có được vị trí quảng cáo trên trang web của Google.
Khi luật sư Dahlquist hỏi rằng liệu Google có thay đổi theo hướng gia tăng chi phí sau mỗi cú "click chuột" của khách hàng, ông Juda trả lời: “Tôi tin điều đó là công bằng”.
Hoạt động kinh doanh quảng cáo của Google đã bị các nhà quảng cáo và nhà xuất bản trang web chỉ trích vì thiếu minh bạch. Cả hai đều cáo buộc Google bòn rút quá nhiều doanh thu.
Ngoài việc bị cáo buộc đẩy giá quảng cáo trực truyến, trong các đơn kiện riêng rẽ, Bộ Tư pháp Mỹ và hàng chục bang của Mỹ còn cáo buộc Google lạm dụng vị thế thống trị của mình trong lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến, cản trở cạnh tranh bằng cách thỏa thuận với các nhà mạng viễn thông và các hãng sản xuất điện thoại thông minh để đưa Google Search trở thành công cụ tìm kiếm mặc định hoặc duy nhất trên các sản phẩm được hàng triệu người tiêu dùng sử dụng. Các đơn kiện được tập hợp vào một vụ kiện tập thể.
Bộ Tư pháp Mỹ đã cáo buộc Google chi 10 tỷ USD mỗi năm cho Apple và các công ty khác để duy trì vị thế độc quyền nói trên. Hiện Google chiếm tới 90% thị phần dịch vụ tìm kiếm toàn cầu.
Ngoài ra, Microsoft còn cáo buộc Google hạn chế các đối thủ công nghệ tiếp cận kho dữ liệu khổng lồ để phát triển trí tuệ nhân tạo (AI).
Việc hạn chế này được thực hiện thông qua các thỏa thuận độc quyền giữa Google với các nhà cung cấp nội dung vốn đóng vai trò quan trọng trong việc huấn luyện các mô hình AI sáng tạo.
Mai Anh (t/h)