13 năm trước, Tập đoàn Lehman trở thành nạn nhân lớn nhất của cuộc khủng hoảng tài chính thế chấp cho vay dưới chuẩn ở Hoa Kỳ. Ngày 15/9/2008, đây là doanh nghiệp lớn nhất trong lịch sử đệ đơn phá sản với số tài sản 636 tỷ đô la Mỹ và nợ 619 tỷ đô. Vào thời điểm sụp đổ, Lehman là ngân hàng đầu tư lớn thứ tư của Mỹ với 25.000 nhân viên trên toàn thế giới. Sự kiện Lehman Brothers đã gây ra làn sóng chấn động khắp thế giới khi đó. Ngày nay, có vẻ như lịch sử một lần nữa lặp lại và tập đoàn bất động sản danh giá Evergrande của Trung Quốc là mục tiêu tiếp theo.
Hiệu ứng toàn cầu
Ed Yardeni, Chủ tịch của Yardeni Research, viết trong một lưu ý cho khách hàng hôm thứ Năm: “Một số ý kiến lo sợ rằng cuộc khủng hoảng Evergrande sẽ để lại rủi ro, hệ quả tương đương với tác động của Lehman Brothers đối với thị trường chứng khoán Mỹ năm nào”. Giống như Lehman trong thời kỳ hoàng kim, Evergrande đã vô cùng lớn mạnh. Tập đoàn có 200.000 nhân viên, đạt doanh thu hơn 110 tỷ đô la vào năm ngoái và có hơn 1.300 các hạng mục phát triển. Hiện phố Wall theo dõi chặt chẽ tình hình của Evergrande, nhấn mạnh số lượng khoản vay bất thường trong những năm qua là điểm đáng lưu ý. Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy vụ vỡ nợ của Evergrande sẽ ảnh hưởng đến thị trường Hoa Kỳ.
Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng tại Moody's Analytics cho biết: “Tôi không nghĩ rằng cuộc khủng hoảng Evergrande và các vấn đề tài chính của các công ty bất động sản Trung Quốc nói chung sẽ ảnh hưởng ngược lại thị trường Mỹ”. Theo Simon MacAdam, nhà kinh tế toàn cầu cấp cao tại Capital Economics: “Chúng tôi nghĩ rằng câu chuyện về 'khoảnh khắc Lehman của Trung Quốc' là rất đáng chú ý. Vụ việc của Evergrande sẽ có ít tác động toàn cầu ngoài một số bất ổn thị trường”. David Kotok, đồng sáng lập và Giám đốc đầu tư của Cumberland Advisors, đồng ý bác bỏ quan điểm Evergrande là “vấn đề tín dụng nội địa của Trung Quốc”.
Động lực tăng trưởng trong nước chậm lại
Ngoài tác động thị trường, sự sụp đổ của Evergrande có khả năng ảnh hưởng đến nền kinh tế Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Hoa Kỳ, và là chất xúc tác quan trọng cho tăng trưởng toàn cầu. Với quy mô khủng, Evergrande sụp đổ sẽ gây áp lực lên thị trường bất động sản trong nước. Guy Lebas, trưởng chiến lược gia về thu nhập cố định tại Janney Capital Management nhận định: “Phát triển bất động sản là động lực tăng trưởng chính cho nền kinh tế Trung Quốc trong thập kỷ qua”. Ông cho biết, việc thiếu phát triển bất động sản quy mô lớn có thể làm chậm nền kinh tế Trung Quốc. Sự lạc quan thận trọng của Phố Wall đến từ chính phủ Bắc Kinh có ảnh hưởng to lớn đối với hoạt động của nền kinh tế, thị trường tài chính và hệ thống ngân hàng. Hãy xem xét các cuộc đàn áp gần đây của Bắc Kinh với mọi lĩnh vực từ trò chơi điện tử, đi chung, công nghệ hay giáo dục. Zandi của Moody’s cho hay: “Nếu xảy ra một vụ vỡ nợ có khả năng tạo thành khủng hoảng tài chính, các nhà chức trách Trung Quốc gần như chắc chắn sẽ ngăn chặn điều này”.
Ai sẽ là người bị ảnh hưởng?
Mark Williams, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á tại Capital Economics, cho biết: “Sự sụp đổ của Evergrande sẽ là thử thách lớn nhất mà hệ thống tài chính của Trung Quốc phải đối mặt trong nhiều năm. Sau khi mở rộng nhanh chóng trong nhiều năm và thu về khối tài sản khủng khi nền kinh tế Trung Quốc bùng nổ, Evergrande hiện đang chìm trong một khoản nợ lớn 300 tỷ đô la.
Nhà phát triển bất động sản mắc nợ nhiều nhất thế giới đang dốc sức trả tiền cho các nhà cung cấp và cảnh báo các nhà đầu tư trong nhiều tuần về khả năng vỡ nợ. Hôm thứ Ba, Evergrande cho biết, doanh số bán bất động sản có thể sẽ tiếp tục giảm đáng kể trong tháng chín, khiến tình hình dòng tiền càng trở nên tồi tệ hơn. Phản ứng của các ngân hàng đối với hạng mục của Evergrande cũng xấu đi. Tại Hồng Kông, HSBC và Standard Chartered đã từ chối gia hạn các khoản vay mới cho người mua hai dự án khu dân cư Evergrande chưa hoàn thành. Các vấn đề của Evergrande ngày càng gia tăng vào năm ngoái khi Trung Quốc đưa ra các quy tắc nhằm kiềm chế chi phí đi vay của các nhà phát triển, đặt giới hạn nợ liên quan đến dòng tiền, tài sản và mức vốn của một công ty.
Trên thực tế, Evergrande có mặt ở khắp mọi nơi. Hoạt động kinh doanh chính là bất động sản và là nhà phát triển bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc tính theo doanh số bán hàng. Chi nhánh quản lý dịch vụ bất động sản tham gia vào gần 2.800 dự án trên hơn 310 thành phố ở Trung Quốc. Công ty có bảy đơn vị hoạt động trong nhiều ngành công nghiệp, bao gồm xe điện, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, sản phẩm tiêu dùng, đơn vị sản xuất video và truyền hình và thậm chí cả một công viên giải trí. Cổ phiếu và trái phiếu của Evergrande được đưa vào các chỉ số trên khắp châu Á.
Dự kiến, nhóm các bên bị ảnh hưởng bao gồm ngân hàng, nhà cung cấp, người mua nhà và nhà đầu tư. Evergrande đã cảnh báo trong tuần này những rắc rối leo thang sẽ dẫn đến rủi ro vỡ nợ rộng hơn. Theo tập đoàn, nếu không trả được nợ sẽ lâm vào tình trạng vỡ nợ chéo, nghĩa là một khoản vỡ nợ trong tình huống này có thể lan sang các vụ việc khác, khiến quy mô lan rộng hơn.
Williams của Capital Economics chỉ ra ngành ngân hàng sẽ là một trong những ngành đầu tiên bị ảnh hưởng nếu có bất kỳ tác động lây lan nào đến lĩnh vực bất động sản rộng lớn hơn ở Trung Quốc. Bên cạnh đó, các cuộc biểu tình của những người mua nhà và nhà đầu tư đã nổ ra trong những ngày gần đây ở một số thành phố, bất ổn xã hội là một trong những mối quan tâm hàng đầu. Thứ Hai vừa qua, khoảng 100 nhà đầu tư đã có mặt tại trụ sở của Evergrande ở Thâm Quyến, yêu cầu hoàn trả các khoản vay đối với các sản phẩm tài chính quá hạn tạo thành khung cảnh hỗn loạn. Trên thực tế, hiệu ứng đã lan sang khu vực khác của châu Á. Theo TS Lombard, lợi suất trái phiếu ra nước ngoài của châu Á, do các công ty bất động sản thống trị, đã tăng vọt lên mức trung bình 13%, đồng nghĩa với các nhà đầu tư nước ngoài đang rơi vào tình trạng thua lỗ.
Hệ quả của sự thất bại của Evergrande cũng có thể tác động tiêu cực đến các ngành công nghiệp khác nếu các nhà cung cấp không được trả tiền. Theo đánh giá của S&P Global Ratings, Evergrande có thể đang “cố gắng thuyết phục” các nhà cung cấp và nhà thầu chấp nhận thanh toán các tài sản vật chất nhằm nỗ lực duy trì tiền mặt để hoàn trả các khoản vay. Trong một báo cáo hồi tháng 8, S&P ước tính trong 12 tháng tới, Evergrande sẽ có hơn 240 tỷ Nhân dân tệ (37,16 tỷ đô la) tiền hóa đơn và các khoản phải trả từ các nhà thầu. Khoảng 100 tỷ nhân dân tệ trong số đó sẽ đến hạn thanh toán trong năm nay.
Kịch bản nào cho Evergrande?
Theo các nhà phân tích, chính phủ có thể sẽ can thiệp vì Evergrande đóng vai trò quan trọng trong ngành bất động sản. Dan Wang, chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng Hang Seng cho hay: “Evergrande là một nhà phát triển bất động sản quan trọng... Tôi tin rằng sẽ có một số biện pháp hỗ trợ từ chính phủ trung ương, hoặc thậm chí là ngân hàng trung ương cố gắng giải cứu Evergrande”. Nhưng theo các nhà phân tích khác không loại trừ khả năng xuất hiện một cuộc tái cấu trúc... “các nhà phát triển khác tiếp quản các dự án chưa hoàn thành của Evergrande để đổi lấy một phần quỹ đất”, Williams của Capital Economics cho biết trong một lưu ý vào tuần trước. Nhiều khả năng chính phủ sẽ ưu tiên người mua nhà và ngân hàng hơn các bên khác. Cũng theo Williams: “Ưu tiên chính của các nhà hoạch định chính sách sẽ là những hộ gia đình đã bàn giao tiền đặt cọc cho những bất động sản chưa xây xong. Các chủ nợ khác của công ty sẽ chịu thiệt hại. Ngoài ra, ngân hàng đầu tư Natixis cho biết, chính phủ Trung Quốc sẽ tránh “rủi ro hệ thống” trước thềm Đại hội toàn quốc năm 2022 của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
TL