Singapo
Giải đua F1 tại Singapore được coi là huyền thoại của khu vực châu Á sau thành công liên tiếp của chuỗi các mùa giải. Giải Grand Prix Singapore pha trộn sự quyến rũ, cảnh tượng về đêm huyền ảo, những màn giải trí bắt mắt và vị thế tại một trung tâm kinh doanh toàn cầu như Singapore đã nhanh chóng trở thành một viên ngọc quý trong chuỗi các giải đua công thức một khó có thể đạt được, kể cả là các nước phương tây.
Singapore là quốc gia duy nhất ở châu Á giành được quyền đăng cai trường đua F1 trong suốt mười năm liên tiếp. Quốc gia này bắt đầu tổ chức giải Grand Prix từ năm 2008 và đã đàm phán tái kí kết quyền đăng cai vào năm nay, đánh dấu mốc 10 năm lịch sử.
Vậy điều gì đã thôi thúc Singapore kiên trì với giải đua này đến như vậy? Malaysia đã phải từ bỏ giải đua vì lợi nhuận thu được không đủ bù cho chi phí đầu tư. Còn Singapore thì sao? Đối với Singapore, các giải Grand Prix được cho là mang lại lợi nhiều hơn hại. Có thể kể đến một số tác động tích cực đối với kinh tế địa phương. Grand Prix Singapore cung cấp cơ hội hoàn hảo cho các công ty đi kèm những giao dịch cả trong và ngoài nước. Theo Jean Ng, giám đốc thể thao thuộc nhóm phát triển kinh nghiệm của STB cho biết: “Các doanh nghiệp địa phương bao gồm cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng tham gia tích cực vào các giải đấu, chẳng hạn như thiết lập mạng lưới dịch vụ, bán vé, gặt hái được những lợi ích kinh tế cũng như năng lực xây dựng các cơ hội kinh doanh mới”.
Tuy nhiên, đây chưa phải “món hời” lớn nhất cho Singapore nếu đăng cai trường đua công thức một. Du lịch thể thao vốn không phải yếu tố mới lạ nhưng lại là “át chủ bài” mang lại lợi nhuận không ngờ tới cho đảo quốc Sư Tử.
Đầu tiên phải nhắc đến danh tiếng mà Grand Prix đưa đến cho Singapore. Theo phó giáo sư Sharon Ng từ đại học công nghệ Nanyang, F1 cho phép quốc gia này giới thiệu thành phố và đất nước tuyệt đẹp. Singapore dù sao cũng thường được xem là khu vực kém sôi động hơn những nơi khác, F1 giúp tăng niềm vui và hứng khởi cho đất nước. Giải công thức một đem lại cho nơi đây cơ hội tiếp xúc toàn cầu chưa từng có. Thật khó có thể tìm được một sự kiện nào thu hút được sự chú ý của truyền thông quốc tế mạnh mẽ như giải đua này đối với một đất nước với diện tích khiêm tốn để tổ chức sự kiện thể thao quy mô. Đăng cai trường đua công thức một đồng nghĩa với việc cả thể giới dõi theo bạn.
Giải Grand Prix Singapore có thể được xếp vào loại sự kiện thể thao quốc tế lớn với khả năng thu hút một lượng lớn du khách và tạo ảnh hưởng mạnh mẽ đến ngành du lịch. Dễ nhận thấy rằng giải F1 mang lại nhiều tác động tích cực đến các lĩnh vực thuộc du lịch dịch vụ như giải trí, khách sạn, các cửa hàng ăn uống… nhờ thu hút lượng khách du lịch khổng lồ. Ví dụ như giải Grand prix Singapore thời kì đầu từ năm 2008 đã thu hút khoảng 100 nghìn khán giả, trong đó khoảng 40% là khách nước ngoài. Thời gian lưu trú trung bình của khách du lịch là 3,96 ngày và đạt được tổng thu nhập du lịch lên đến 15,2 tỷ đô la Sing (10,97 tỷ đô la Mỹ). Vào những ngày diễn ra sự kiện, giá phòng sẽ tăng lên gấp đôi, thậm chí gấp ba lần. Tất cả các chủ sở hữu dịch vụ cũng như cả nền kinh tế đều được hưởng tác động tích cực này. Ngoài ra, lượng khách du lịch lớn cũng dẫn đến lượng vận chuyển , xuất nhập cảnh đông đảo. Số lượng khách tìm đến Singapore Airlines từ đây sẽ tăng lên và du lịch nội địa Singapore tấp nập hơn bao giờ hết. Chi tiêu bán lẻ cũng được kì vọng vì các khách hàng sẵn sàng chi trả để tận hưởng trọn vẹ kì nghỉ của mình.
Du lịch tại Singapore không phải ngành kinh tế hàng đầu nhưng chắc chắn ngành này đóng một vai trò quan trọng, đặc biệt là khi Singapore đăng cai giải đua và ngành du lịch được nhìn nhận ngành như một yếu tố đa dạng hóa nền kinh tế của đất nước. Vào năm thứ 10 đăng cai, Singapore Grand Prix đã thu hút hơn tổng cộng 450 nghìn du khách, tạo ra khoảng 1,4 tỷ đô la Singapore tính riêng chi tiêu của khách hàng dành cho du lịch. Quả thực, Grand Prix công thức một là một nhân tố thúc đẩy lớn cho nền kinh tế Singapore và đất nước này đã đúng đắn khi tiếp tục con đường Grand Prix “hái ra tiền” này.
Monaco
Nếu như Singapore Grand Prix là điểm đến sáng giá nhất của châu Á thì Monaco Grand Prix Formula One được biết đến như một trog những sự kiện thể thao hấp dẫn và đắt giá nhất hành tinh.
Đôi khi người ta nói rằng Formula One nhận được nhiều hơn từ Monaco. Nói như vậy nghĩa là đối với giải đua công thức một, Monaco là một mắt xích then chốt, là chiếc chìa khóa vàng để đạt được thành công cũng như danh tiếng đỉnh cao. Như vậy có thể ngầm hiểu rằng lợi nhuận mà Monaco có được từ giải công thức một có lẽ là lớn nhất trong số các quốc gia đã và đang tổ chức giải này.
Monaco từ cuối thế kỉ 19 đã trở thành điểm đến của những kẻ lắm tiền với những sòng bạc hào nhoáng và cần khoản tiền gửi tối thiểu 400 nghìn đô la để mở một tài khoản ngân hàng hay giá bất động sản đắt đỏ nhất thế giới giá 5,635 đô la/ foot vuông. Với sự thịnh vượng và giàu có như vậy, giải Monaco Grand Prix được ví von quá mức lộng lẫy so với một sự kiện thể thao.
Monaco Grand Prix rất được lòng giới lắm tiền nhiều của nhờ sự xa hoa, choáng ngợp mà quốc gia Địa Trung Hải vốn sở hữu. Đến với giải đua này hàng năm là những siêu sao thể thao, những tay đua danh giá nhất, những nhà tài phiệt giàu có và cả giới minh tinh chi tiền không tiếc tay mang lại một nguồn thu khổng lồ cho nước chủ nhà. Thành phần du khách đến với Monaco Grand Prix cũng ngày càng tăng và đa dạng hơn khi kéo theo cả những fan hâm mộ cuồng nhiệt của người nổi tiếng, người hâm mộ đua xe và cả những khách du lịch đến đây để thưởng thức bầu không khí cũng như ăn mừng các sự kiện bên lề cuộc đua. Dòng tiền và dòng người cứ như vậy đổ về Monaco không ngớt như một lẽ dĩ nhiên.
Trong một báo cáo của viện Thống kê và Nghiên cứu Kinh tế Monegasque (IMSEE) đã đánh giá lợi ích kinh tế của giải đua công thức một năm 2017 ở Monaco là 90 triệu euro trong vỏn vẹ chỉ bốn ngày ngắn ngủi trong đó 21,7 triệu từ lợi ích trực tiếp và 68,3 triệu từ lợi ích gián tiếp). Trong khoảng thời gian từ ngày 25 đến 28 tháng năm, tổng số người có mặt tại đây đạt 200 nghìn người, ước tính từ 50 nghìn đến 65 nghìn người tùy theo từng ngày.
Bên cạnh đó nghiên cứu cũng cho thấy rằng ngoài những người trực tiếp theo dõi trên khán đài, nhiều khán giả theo dõi giải đua ở nhiều địa điểm khác nhau. Những sân thượng, ban công nhà hàng, khách sạn là một trong những lựa chọn thú vị. Từ đây các loại hình dịch vụ cho thuê phương tiện di chuyển, dịch vụ vui chơi, ăn uống tăng lên theo nhu cầu của du khách giúp có được lượng lớn thu nhập. Dữ liệu của STR (công ty theo dõi dữ liệu cung cầu ở nhiều lĩnh vực trong đó có khách sạn) ở giải Monaco 2015, tỷ lệ giá trung bình hàng ngày tại các khách sạn tăng 246% từ 544,80 euro (616,64 đô la) lên đến mức cao nhất đêm trước ngày khai mạc là 1,885,54 euro (2,113,40 đô la). Trên thực tế, mặc dù sự kiện chính chỉ kéo dài trong vài giờ ngày chủ nhật nhưng lợi nhuận mà Monaco thu được đã bắt đầu từ năm ngày trước đó khi tỷ giá trung bình tăng từ 455,35 euro tương đương 510,38 đô la vào thứ tư và chỉ trong một ngày con số này đã tăng lên chóng mặt tới 1,575,31 euro ước tính khoảng 1,765,67 đô la Mỹ.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Daily Mail nước Anh, Michel Boeri, chủ tịch của tổ chức đua ô tô Club de Monaco (ACM) chia sẻ: “Ngày chủ nhật của tuần lễ diễn ra sự kiện là ngày cao điểm, thành phố như muốn phát nổ theo đúng nghĩa đen. Người ta ước tính rằng có 100 nghìn người hiện diện trong thành phố vốn chỉ khoảng 30 nghìn người”. Ông cũng cho biết thêm “Doanh thu của thành phố trong giai đoạn này thường được ước tính khoảng 100 triệu euro (112 triệu đô la Mỹ) và ở các thị trấn lân cận, con số này cũng đạt 10 triệu euro (11,2 triệu đô la)”.
Nếu bạn đã chìm ngập trong những lợi nhuận lên đến hàng nghìn euro thì còn một điều nữa chắc hẳn bạn sẽ không ngời tới. Monaco Grand Prix quan trọng với môn thể thao đua ô tô công thức một đến nỗi mà đây là nơi duy nhất không phải trả tiền để tổ chức cuộc đua. Không giống như những điểm dừng khác trên bản đồ giải công thức một, các quốc gia khác ước tính phải trả từ khoảng 28 triệu đô là đến 31,2 triệu đô la để tổ chức giải, còn Monaco không phải trả gì dù chỉ một đồng. Đúng như vậy, thành phố giàu có và hấp dẫn đến mức mà ông trùm khét tiếng của giải công thức một, Bernie Eclestone cho phép nhà tổ chức cuộc đua Automobile Club de Monaco giữ 100% thu nhập trong suốt cuộc đua cuối tuần. Không còn nghi ngờ gì nữa, Monaco đích thực là ông hoàng của giải đua Grand Prix F1 với lợi nhuận chẳng quốc gia nào bì kịp.
Abu Dhabi
Không nhiều tiền của như Monaco, cũng không phải huyền thoại trong một khu vực như Singapore, giải đua ở Abu Dhabi trông có vẻ kém nổi tiếng hơn nhưng cũng là địa điểm tổ chức kì cựu, thú vị không kém các quốc gia ở trên.
Cũng như các quốc gia khác tổ chức giải đua, sự kiện F1 là điểm thu hút khách du lịch quan trọng đối với Abu Dhabi. Nó đã thu hút hàng chục ngàn du khách đến thành phố tổ chức giải mỗi năm. Sự kiện này mang lại thúc đẩy ngắn hạn cho doanh nghiệp tại đây, đưa Abu Dhabi vào bản đồ Grand Prix và nhận được nhiều sự quan tâm từ quốc tế. Abu Dhabi cũng đã tận dụng tốt bài toán kinh tế mà giải Grand Prix đem lại.
Năm 2016, Abu Dhabi đã đón chào lượng khách vượt trên 60 nghìn người đến với giải đua. Tất nhiên đất nước Trung Đông này cũng phải tổ chức một loạt các buổi hòa nhạc với những ngôi sao hàng đầu như một phần của giải F1 với giá vé không hề rẻ. Về mảng khách sạn, theo lời Mark Griffihs, giám đốc điều hành khách sạn Yas Viceroy thì “đó là tuần của chúng tôi và phải tính phí sao cho phù hợp”. Ông cho biết thêm: “Đối với cuộc đua cuối tuần, giá có thể tăng tới tám lần so với bình thường. Bởi vì chúng tôi là khách sạn duy nhất trên thế giới được xây dựng trên đường đua F1. Chúng tôi có 100% chỗ ở cho cuộc đua cuối tuần từ thứ năm đến chủ nhật và tất cả các cửa hàng thực phẩm, đồ uống sẽ hoạt động hết công suất.
Không chỉ kiếm lợi nhuận từ các dịch vụ đơn thuần như trên, đối với Abu Dhabi thời điểm diễn ra giải Grand Prix cũng là dịp để nền kinh tế tăng trưởng nhờ kích cầu mua sắm. Các doanh nghiệp tại thủ đô mỗi mùa đua công thúc một lại chuẩn bị phục vụ lượng khách lớn. Ví dụ như Style Gallery, một cửa hàng trang sức tại cung diện Emirates đã ủy quyền cho Amorelli ở Lebanon chế tạo chiếc xe công thức một thu nhỏ bằng kim cương mạ vàng 22 cara để bán tại cửa hàng. Ông El Anin, trợ lí bán hàng tại Style Gallery cho biết: “Mỗi năm chúng tôi hi vọng doanh số bán hàng tăng nhiều hơn vì có rất nhiều khách hàng từ khắp nơi trên thế giới. Mỗi khách hàng có khoản chi tiêu khác nhau. Giá bán của chúng tôi bắt đầu từ 800 đô la lên đến 100 nghìn đô la”.
Tuy nhiên nếu so với nhưng đất nước tỏ chức F1 khét tiếng như Monaco, bấy nhiêu lợi nhuận cũng chưa phải là quá lớn. Vậy nên, hướng mà Abu Dhabi nhắm tới là một hướng đi lâu dài hơn cho nền kinh tế đất nước, biến giải công thức một trở thành động lực phát triển.
Mười năm trước, thành phố của Abu Dhabi chỉ là một cái bóng của hiện nay, chẳng có tiếng tăm trên toàn cầu và chỉ có 65 khách sạn so với tổng số 115 hiện tại. Sự xuất hiện của giải Grand Prix chính là bước ngoặt mở đường đối với quốc gia Trung Đông. Ba năm trước, thái tử của Abu Dhabi, Sheikh Mohamed bin Zayed Al Nahyan đã đưa ra một kế hoạch chuyển đổi kinh tế gọi là Tầm nhìn 2030 với mục đích đa dạng hóa nền kinh tế của Abu Dhabi, không còn chỉ phụ thuộc vào dầu mỏ, bằng cách thúc đẩy sự hấp dẫn của đất nước đến khách du lịch và F1 sẽ là thuốc dẫn tốt nhất.
Vào mùa hè năm nay, Abu Dhabi đã mở cửa công viên giải trí lớn nhất thế giới Warner Bros.World trên đảo Yas của đất nước. Công viên chỉ cách một đoạn ngắn đường đi bộ từ đường đua F1 đã nhận được sự chú ý và tiếng vang lớn. Ngoài ra còn có công viên nước Yas Waterword và một công viên khác theo chủ đề Ferrari. Nhờ danh tiếng của F1 mà các công trình này đã giúp Abu Dhabi trở thành thiên đường yêu thích của những người thích thể thao mạo hiểm và cảm giác hồi hộp. Và cũng chính lượng khách dồi dào từ F1 đã lấp đầy các công trình mới, mang lại nguồn thu không hề nhỏ.
Abu Dhabi rất biết cách tận dụng giải đua công thức một để làm kinh tế. F1 tại Abu Dhabi là một dấu hiệu thời đại, tốc độ và sức sống của những chiếc xe đánh dấu những thay đổi tích cực của quốc gia Trung Đông này.
Phan Lê