EU tiến hành thử nghiệm "Hộ chiếu vắc xin", đo lường mức độ hồi phục ngành du lịch

09:24 11/05/2021

Mặc dù tình hình dịch bệnh tại châu Âu vẫn chưa lắng xuống nhưng các quốc gia tại khu vực này đã và đang chuẩn bị cho mùa du lịch sắp tới.

Thử nghiệm "Chứng chỉ xanh kỹ thuật số"

Liên minh châu Âu bắt đầu thử nghiệm chương trình “Chứng chỉ xanh kỹ thuật số” tức “Hộ chiếu vắc xin” đối với các quốc gia bao gồm Đức, Pháp, Hà Lan và Hy Lạp trong đợt đầu tiên. Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết, mặc dù còn một thời gian nữa mới chính thức ra mắt “Chứng chỉ xanh kỹ thuật số” nhưng tình hình dịch bệnh ở một số quốc gia thành viên EU như Bồ Đào Nha đang được kiểm soát tương đối tốt. Do đó bà hy vọng ngành du lịch châu Âu sẽ phục hồi trong năm nay. Vào ngày 17 tới, Vương quốc Anh cũng sẽ nới lỏng các hạn chế đi du lịch nước ngoài của công dân. Bộ Giao thông Vận tải Anh tuyên bố sẽ cho phép công dân đi lại tương đối tự do đến 12 quốc gia và khu vực, bao gồm cả Bồ Đào Nha. Theo quy định của chính phủ, sau khi nhập cảnh 12 quốc gia và khu vực trên, công dân Anh không cần phải cách ly chiều về nhưng phải tiến hành xét nghiệm.

Trong thời kỳ dịch bệnh, thói quen của người tiêu dùng đã có nhiều thay đổi khi quan tâm nhiều hơn đến việc bảo vệ sức khỏe và giữ khoảng cách an toàn. Những chính sách như “bong bóng du lịch”, “giấy thông hành vắc xin” được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh sự phục hồi của ngành nhưng yếu tố quyết định khả năng phục hồi chính là tỷ lệ tiêm chủng. Theo số liệu từ Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC) cho thấy, so với các khu vực khác, ngành du lịch ở châu Âu chịu ảnh hưởng sâu rộng hơn trong thời gian bùng nổ Covid-19. Trong năm 2019, chi tiêu cho ngành du lịch tại khu vực này đạt cao nhất 619 tỷ đô la nhưng con số này đã giảm mạnh 64% vào năm 2020. Ở châu Âu, 3,6 triệu nhân sự trong ngành du lịch bị mất việc làm, chiếm gần 10% tổng lực lượng lao động tại đây. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: internet) 

Chính vì vậy, Ủy ban châu Âu và chính phủ Anh tin rằng việc nới lỏng các hạn chế đi lại nói trên sẽ đẩy nhanh sự phục hồi của ngành du lịch. Phía Ủy ban tuyên bố sau khi thử nghiệm “Chứng chỉ xanh kỹ thuật số”, EU hy vọng chính thức ra mắt giấy phép trước ngày 30 tháng 6. Bên cạnh đó, kể từ tháng 3, nhiều quốc gia châu Âu đã liên tiếp triển khai các chương trình cấp "Hộ chiếu vắc xin", chẳng hạn như Iceland sẽ mở cửa biên giới cho người nước ngoài tiêm vắc-xin và Hy Lạp đã ký thỏa thuận “thông hành xanh” với Israel. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Anh Grant Shapps cho hay, nới lỏng các hạn chế đi lại là bước đầu tiên để Vương quốc Anh thận trọng nối lại các chuyến du lịch quốc tế. Tuy nhiên, sau khi người dân Anh đi du lịch đến các điểm đến nổi tiếng như Pháp, Ý, Tây Ban Nha vẫn cần phải cách ly trong 10 ngày và xét nghiệm hai lần biến thể vi rút mới.

Trong khi chính phủ của nhiều nước châu Âu nới lỏng các hạn chế đi lại, ngành du lịch của nhiều nước cũng đang tìm cách chuyển đổi sang ngạch du lịch cao cấp với hy vọng thích ứng tốt hơn với nhu cầu đi lại của du khách trong thời kỳ đại dịch. Bộ trưởng Bộ Du lịch Tây Ban Nha, Reyes Maroto, cho biết: “Chúng tôi đang chuyển từ mô hình du lịch phổ thông sang mô hình du lịch hạng sang cho phép khách du lịch chi tiêu nhiều hơn”. Bộ trưởng Bộ Du lịch Hy Lạp, Harry Theoharis nhận định Athens sẽ không còn khuyến khích đầu tư vào các dự án du lịch bãi biển truyền thống do mô hình kinh doanh này không còn bền vững. Công ty dữ liệu tiêu dùng Statista cho biết năm 2019, du lịch hạng sang chiếm 21% tổng doanh thu du lịch châu Âu: "Mặc dù trong thời kỳ đại dịch, du lịch hạng sang bị ảnh hưởng nhiều hơn so với du lịch kinh tế, nhưng tốc độ phục hồi dự kiến sẽ nhanh hơn và chiếm nhiều thị phần hơn trong thị trường du lịch châu Âu”.

Thách thức

Sharpstein cho biết, mặc dù chính phủ Anh đã nới lỏng các hạn chế đi lại nhưng khách du lịch vẫn phải chi trả nhiều chi phí hơn, bao gồm phí xét nghiệm và các hoạt động liên quan khác. Truyền thông Anh trích dẫn quan điểm của các công ty lữ hành châu Âu cho rằng tại EU hiện đang tồn tại các phiên bản “hộ chiếu vắc xin” khác nhau. Ví dụ, Hy Lạp chấp nhận bản in trong khi Bồ Đào Nha sử dụng phiên bản điện tử của chứng chỉ. Ji Zhiying chia sẻ ý tưởng triển khai "Hộ chiếu vắc xin" ở nhiều nước châu Âu sẽ đem lại động lực thúc đẩy tuy nhiên vẫn gặp nhiều khó khăn.

Nhà phân tích Richard Clarke của Công ty Nghiên cứu Bernstein tại Phố Wall, Hoa Kỳ cho rằng, dù có gỡ bỏ các hạn chế đi lại hay bất kỳ chính sách nào thì yếu tố tiên quyết vẫn là tỷ lệ tiêm chủng. Mục tiêu hiện tại của Ủy ban châu Âu thực hiện tiêm chủng cho 70% người trưởng thành trong khu vực vào tháng 7 nhưng đến nay chỉ mới đạt được 31% tiêm mũi đầu tiên. Con số này thấp hơn rất nhiều so với 66% ở Vương quốc Anh. Ji Zhiying tin rằng tỷ lệ tiêm chủng liên tục tăng ở các nước trên thế giới sẽ vực dậy niềm tin của thị trường du lịch quốc tế kéo theo xu hướng tích cực. Trên tất cả, sự hồi phục tại thị trường du lịch của Liên minh châu Âu và ngành du lịch toàn cầu vẫn bấp bênh trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn hiện hữu.

TL