![]() |
Shein và Temu gặp khó khi EU 'siết chặt' hàng giá rẻ từ Trung Quốc |
Ủy ban châu Âu (EC) vừa công bố áp dụng loại phí mới mang tên phí xử lý hàng hóa, để đối phó với tình trạng gia tăng các sản phẩm "có hại" từ bên ngoài vào Liên minh châu Âu (EU).
Cụ thể, tại buổi công bố hôm 5/2, EC nhấn mạnh đây là một phần trong nỗ lực siết chặt kiểm soát chất lượng hàng giá rẻ từ Trung Quốc được nhập khẩu vào EU, đặc biệt là từ các nền tảng thương mại điện tử như Shein và Temu. Song, mức thu cụ thể của loại phí này chưa được tiết lộ.
Ngoài ra, EC cũng sẽ phối hợp với Mạng lưới Hợp tác Bảo vệ Người tiêu dùng (CPC) để tiến hành một cuộc điều tra chung đối với Shein do nghi ngờ nền tảng này vi phạm các quy định bảo vệ người tiêu dùng của EU. Kết quả điều tra đối với Shein sẽ là dấu mốc quan trọng trong nỗ lực siết chặt quản lý các nền tảng thương mại lớn hoạt động tại EU.
EC lo ngại rằng việc nhập khẩu ồ ạt hàng giá rẻ từ Trung Quốc không chỉ gây rủi ro cho người tiêu dùng mà còn tạo ra sự cạnh tranh không công bằng đối với các doanh nghiệp EU đang tuân thủ quy định.
Trong năm 2024, khoảng 4,6 tỷ mặt hàng có giá trị dưới 150 euro (156 USD) đã được nhập khẩu vào EU, tương đương 12 triệu bưu kiện mỗi ngày. Trong số đó, 91% đến từ Trung Quốc. Tổng lượng hàng nhập khẩu thuộc nhóm này đã tăng gấp đôi so với năm 2023.
"Trong một số trường hợp, các nền tảng thương mại điện tử có thể phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng buôn bán sản phẩm không đạt tiêu chuẩn hoặc nguy hiểm", EC nhấn mạnh trong hướng dẫn mới.
Bên cạnh đó, lượng lớn bưu kiện được vận chuyển mỗi ngày cũng tác động tiêu cực đến môi trường, gây áp lực lên hệ thống logistic và kiểm soát hải quan của EU.
Mới đây, EC đã công bố Bộ công cụ toàn diện của EU để kiểm soát hàng nhập khẩu giá trị thấp từ các nhà bán hàng ngoài EU. Bộ công cụ này sẽ tập trung vào việc tăng cường thực thi Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số (DSA) đối với các nền tảng thương mại điện tử, giúp kiểm soát chặt chẽ hơn quá trình lưu thông sản phẩm, đặc biệt là những mặt hàng có nguy cơ không tuân thủ quy định của EU.
Với những động thái cứng rắn này, EC đang khẳng định cam kết bảo vệ người tiêu dùng và đảm bảo tính minh bạch trong thương mại điện tử xuyên biên giới.
Theo giới quan sát, các biện pháp mới của EU sẽ ảnh hưởng mạnh đến hệ thống thương mại điện tử Trung Quốc, nơi cung cấp đến 91% hàng hóa giá rẻ đến châu Âu. Trước đó, Mỹ cũng siết chặt hàng giá rẻ từ Trung Quốc khiến 4 triệu đơn hàng giá rẻ mỗi ngày của Trung Quốc “chết đứng” sau khi chính phủ của Tổng thống Mỹ Donald Trump chấm dứt quy chế “de minimis” (miễn thuế nhập khẩu tối thiểu) đối với các lô hàng từ Trung Quốc và một số quốc gia khác.