Bảo tồn và quảng bá văn hóa, lịch sử các di sản của một quốc gia hay thành phố, không gian di sản là nguồn lực kinh tế quan trọng, được nhiều quốc gia khai thác thành công, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế đất nước. Một trong những mối quan tâm lớn của các ban ngành, cộng đồng hiện nay là làm sao hạn chế mức thấp nhất các di sản bị xâm hại, đề ra nhiều giải pháp bảo tồn, trùng tu và khai thác có hiệu quả nguồn lực kinh tế thông qua du lịch.
Hội thảo bảo tồn và phát triển di sản kiến trúc trong đô thị hiện đại
Song song với việc bảo tồn, phát triển thì cũng cần thiết việc kế thừa, chắt lọc các tinh hoa kiến trúc di sản để đưa vào công trình mới, tiếp nối sự hài hòa giữa quá khứ và tương lai.
Theo PGS – TS - KTS Trần Văn Khải, giảng viên bộ môn Bảo tồn di sản, kiến trúc, từng giảng dạy tại nhiều trường đại học lớn trong nước và trên thế giới: Bảo tồn di sản là phải làm sao cho công trình đó tồn tại với các đặc điểm nguyên gốc, không được thay đổi so với nguyên trạng ban đầu, kể cả chất liệu xây dựng hay hình dáng kiến trúc. Việc bảo tồn các di sản văn hóa phải tuân theo pháp luật nhà nước và luật pháp quốc tế, vì chúng ta đã tham gia các công ước quốc tế về bảo tồn di sản.
Mục tiêu của bảo tồn di sản luôn gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội. Bởi nó cần có sự kết hợp hài hòa giữa nguồn lực kinh tế bên cạnh giá trị văn hóa mà con người là yếu tố quyết định.
Cũng theo ông Khải, có nhiều yếu tố tác động đến việc bảo tồn di sản:Thiên nhiên, xã hội, thị trường giá đất, phi thị trường. Việc phá bỏ công trình di sản không phải chỉ phá hủy một ngôi nhà hư nát mà chính là phá bỏ chén cơm của động đồng dân cư sinh sống trong khu vực di sản đó.
“Nhà nước cần chú trọng việc bảo tồn công trình kỷ niệm thuần túy, bảo tồn như một vật thể sống. Đồng thời, nhà nước cần có chính sách để bảo tồn di sản kiến trúc thông qua quy hoạch sử dụng đất, xây dựng cơ sở hạ tầng và các chính sách thuế. Bảo tồn các di sản kiến trúc – đô thị chính là bảo vệ quyền lợi chính đáng của ngời dân sống trong di sản đó”, ông Khải nói.
Theo KTS Cao Thành Nghiệp, việc bảo tồn và phát triển các di sản rất cần sự quan tâm vào cuộc của nhiều thành phần trong xã hội nhất là các doanh nhiệp, nhà đầu tư. Thời gian qua có nhiều công trình, di tích lịch sử là bị “xóa sổ” bởi những dự án bất động sản mà các nhà nghiên cứu đành bất lực. Ông Nghiệp mong muốn các doanh nghiệp đừng xem di sản là bất động sản, dù lợi ích kinh tế vẫn là ưu tiên hàng đầu nhưng cần có sự linh hoạt trong sự điều chỉnh, ứng xử với các di sản.
Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu bày tỏ sự lo ngại, giá trị kiến trúc đô thị của TP HCM sau hơn 40 năm đang có chiều hướng đi xuống, nhiều công trình dần biến mất.
Theo bà Hậu, di sản là bản sắc của một đô thị, chúng ta không thể đánh đổi di sản để lấy một giá trị khác nhất là khu trung tâm thành phố. Bên cạnh đó, bà đề cao vai trò của nhà đầu tư, nhà nghiên cứu và cộng đồng là yếu tố rất quan trọng trong việc bảo tồn các di sản thành phố.
Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, doanh nghiệp tham dự
Đồng quan điểm, KTS Nguyễn Hạnh Nguyên cho rằng, câu chuyện di sản ở đây là câu chuyện của con người, nhất là các nhà đầu tư khi họ có di sản trong tay, bản thân họ có muốn đầu tư hay không? Cần có sự thay đổi nhận thức của các thành phần xã hội, nhất là thay đổi trong đào tạo tại các trường kiến trúc. Thay đổi về truyền thông, cần sự tham giam của giới chuyên môn và truyền thông thông qua các buổi hội thảo.
Đại diện doanh nghiệp, bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang chia sẻ: Thời gian qua Phúc Khang quyết tâm lựa chọn biểu tượng bất động sản xanh hướng đến những dự án có kiến trúc tinh tế, cổ điển, thân thiện với môi trường. Những dự án bất động sản của Phúc Khang luôn thu hút sự quan tâm của cộng đồng bởi không gian sống xanh trong lành thân thiện, điển hình là dự án tại quận 8. Hiện nay 3 tòa nhà được nối lại với nhau, tạo nên một khu vườn xanh trên không rộng 5000m2 đã được phủ xanh. Hiện có 85% cư dân đến sinh sông sâu 3 tháng bàn giao nhà.
Ông Trương Kim Quân, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích TP HCM cho biết, trong thời gian qua, công tác bảo tồn di sản, kiến trúc đô thị luôn được chính quyền thành phố quan tâm. Tuy nhiên, thời gian qua công tác bảo tồn gặp không ít khó khăn, một số công trình chưa được bảo tồn, tu bổ đúng kịp thời dẫn đến tình trạng xuống cấp hư hỏng, mất mát...
Chính quyền thành phố đã chỉ đạo các sở, ban, ngành khẩn trương lập hồ sơ kịp thời công nhận những công trình di sản, di tích. Tuy nhiên, một số chủ sở hữu di tích chưa đồng thuận dẫn đến sự chậm trễ, nhất là các công trình tôn giáo. Bên cạnh đó, việc quản lý các công trình di tích cũng chưa thật đồng bộ dẫn tới một số công trình xuống cấp, nguyên nhân chính là nguồn kinh phí hạn hẹp, hiện nay phần lớn nguồn kinh phí đều do thành phố cấp.
Ông Quân chia sẻ thêm, TP HCM là thành phố trẻ, trải qua hơn 300 năm, nhưng may mắn lại được thừa hưởng kiến trúc qua từng gia đoạn và gìn giữ được các công trình đó. Điều này tạo nên hài hòa cho sự phát triển của thành phố. Trung bình, cứ 3 người nước ngoài đến Việt Nam thì có 1 người đến với TP HCM.
Kim Cường