Bổ sung khoản 5 và khoản 6 vào Điều 37
Tại phiên thảo luận, các đại biểu về cơ bản thống nhất với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 Luật để kịp thời tháo gỡ vướng mắc để tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới của đất nước.
Đại biểu Thái Thị An Chung (đoàn Nghệ An). |
Một trong những vấn đề quan tâm nhất được đưa ra trong buổi dự thảo lần này là việc bổ sung đối tượng kiểm toán được quy định tại Điều 37 Luật Kiểm toán độc lập. Đại biểu Thái Thị An Chung (đoàn Nghệ An) nêu quan điểm nhất trí với các đề xuất tăng cường các đối tượng cần kiểm toán bằng việc “bổ sung khoản 5 và khoản 6 vào Điều 37 Luật Kiểm toán độc lập”. Cụ thể là: “Doanh nghiệp, tổ chức khác có quy mô lớn phải kiểm toán báo cáo tài chính theo quy định của chính phủ; Doanh nghiệp, tổ chức khác theo quy định của luật có liên quan”.
Lý do bổ sung khoản 5 và khoản 6 nêu trên, vị đại biểu này cho biết: Luật Kiểm toán độc lập hiện hành không quy định điều này dẫn tới một số doanh nghiệp, tổ chức có quy mô lớn hay các công ty bất động sản không niêm yết, không đại chúng cũng không cần kiểm toán gây ảnh hưởng nặng nề tới xã hội trong thời gian qua…
Khoảng 20.000 doanh nghiệp thuộc diện phải kiểm toán bổ sung
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (đoàn Hà Tĩnh). |
Nêu quan điểm về việc này, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (đoàn Hà Tĩnh) cũng bày tỏ đồng tình mở rộng đối tượng cần kiểm toán. Theo bà Thơ cho biết: Qua rà soát nghị định hướng dẫn của Chính phủ cho thấy 2 tiêu chí được xác định gồm “số lượng lao động tham gia bình quân trên 200 người” và “tổng doanh thu của năm từ 300 tỷ đồng trở lên hoặc tổng tài sản trên 100 tỷ đồng”.
Nếu áp dụng theo hai tiêu chí trên thì tính toán sơ bộ cho thấy, có “khoảng 20.000 doanh nghiệp thuộc diện phải kiểm toán bổ sung”, con số này là tương đối lớn. Vì vậy, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ đề nghị, cần làm rõ mục đích kiểm toán theo diện rộng này là gì? Báo cáo đánh giá tác động nêu lý do là thời gian qua có một số doanh nghiệp tư nhân có sai phạm dẫn đến kiểm toán theo diện rộng như trên liệu đã thỏa đáng?
Lý do đặt ra các câu hỏi nêu trên vì đại biểu Thơ cho rằng: Việc kiểm toán báo cáo tài chính hằng năm của doanh nghiệp sẽ gây tốn kém chi phí và nguồn lực lớn cho xã hội. Hằng năm doanh nghiệp đều phải thực hiện hồ sơ kiểm toán có thể sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, trong khi đó, các đơn vị được kiểm toán theo quy định tại Điều 37 Luật Kiểm toán độc lập hiện hành đang quy định theo lĩnh vực và ngành hoạt động, nếu bổ sung đối tượng kiểm toán theo quy mô sẽ dẫn đến tình trạng không thống nhất đối với các đối tượng kiểm toán trong cùng một điều luật. Vì vậy, cần xác định rõ phạm vi, đối tượng kiểm toán theo ngành, lĩnh vực để bảo đảm tương đồng với các quy định tại Điều 37 Luật Kiểm toán độc lập hiện hành…
Bổ sung quy định tại Điều 18 của Luật Kiểm toán độc lập
Toàn cảnh phiên thảo luận Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV. |
Ngoài nội dung nêu trên thì một trong các lý do cần phải sửa đổi, bổ sung Luật Kiểm toán độc lập này là do các quy định về kiểm tra, giám sát chất lượng kiểm toán viên chưa thực sự hiệu quả cũng được các ĐBQH vô cùng quan tâm.
Đại biểu Thái Thị An Chung cho rằng: “Luật hiện hành chưa quy định kiểm toán viên hành nghề phải là hội viên của tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán”. Trong khi đó, quy định này đã được áp dụng tại nhiều quốc gia và mang lại hiệu quả trong việc phối hợp giữa tổ chức nghề nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước, góp phần nâng cao chất lượng kiểm toán và bảo đảm sự phát triển bền vững của kiểm toán độc lập.
Vì vậy, đại biểu Thái Thị An Chung đề nghị Quốc hội, Chính phủ bổ sung quy định tại Điều 18 của Luật Kiểm toán độc lập về nghĩa vụ của kiểm toán viên nhằm mục đích “hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý và nâng cao chất lượng dịch vụ kiểm toán, đồng thời tăng cường vai trò và trách nhiệm của tổ chức nghề nghiệp. Cụ thể, quy định theo hướng: kiểm toán viên đăng ký hành nghề kiểm toán phải là hội viên của một tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán”…
Ngoài ra, đại biểu Thái Thị An Chung cũng đề nghị, bổ sung quy định tại Điều 12: “giao trách nhiệm cho tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán trong việc phối hợp kiểm tra, giám sát việc tuân thủ chuẩn mực kiểm toán và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán. Quy định này cũng tương tự như đối với luật sư, công chứng viên và tổ chức nghề nghiệp của luật sư, công chứng viên mà Quốc hội đã ban hành”…