Nhiều năm trở lại đây, phong tục đi lễ đầu năm dần dần phát triển thành du lịch tâm linh. Người dân không chỉ đi lễ ở những đền chùa ở gần nơi sinh sống mà bắt đầu hành hương đến những địa điểm xa xôi hơn. Người ta không chỉ đi lễ, đi “cầu” mà cùng với đó, còn là những chuyến du xuân, vãn cảnh ở những nơi thanh tịnh khắp mọi miền.
Về bản chất, tâm linh gắn liền và biểu hiện những điều thiêng liêng, cao cả, siêu việt trong đời sống tinh thần, đời sống sinh hoạt xã hội của con người, nhất là những cư dân cùng Á Đông nói chung trong đó ở Việt Nam, văn hóa tâm linh đã tạo nên chiều sâu, sức sống cho nền văn hóa cộng đồng, dân tộc
Ngày nay, nhu cầu và du lịch tâm linh ngày càng đa dạng không chỉ giới hạn trong khuôn khổ hoạt động gắn với tôn giáo mà ngày càng mở rộng tới các hoạt động, sinh hoạt tinh thần, tín ngưỡng cổ truyền của dân tộc và những yếu tố linh thiêng khác. Hoạt động du lịch tâm linh ngày càng chủ động, có chiều sâu và trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đại bộ phận nhân dân.
Bên cạnh những ngôi chùa rất đông lượng nhân dân phật tử đến lễ Phật , vẫn có những ngôi chùa yên tĩnh, thư thái với tiếng chuông tiếng mõ thanh thản, tiếng câu kinh nhẹ nhẹ đều đều xua tan sự ồn ào náo nhiệt bên ngoài, khiến ai ai khi bước đến chốn Thiền môn cũng đều cảm thấy tâm an và thanh tịnh.
Lễ chùa đầu Xuân để cầu tài cầu lộc, cầu may mắn bình yên…dường như là nét văn hóa tâm linh không thể thiếu của mỗi người dân Việt. Chúng ta không chỉ cầu phúc cho riêng bản thân mà còn cầu phúc cho gia đình và những người thân xung quanh, đó chính là một nét văn hóa đáng trân trọng.
Đi chùa lễ Phật đầu xuân không chỉ để thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng mà còn là dịp để du ngoạn thưởng thức phong cảnh đẹp và kiến trúc cổ của các ngôi chùa. Đó là nét đẹp văn hóa của người Việt cần được duy trì và phát triển. Chính câu tục ngữ “ Lễ Phật quanh năm không bằng đi rằm tháng giêng”đã góp một phần không nhỏ cho ngày rằm đầu năm trở thành ngày lễ hội lớn của dân tộc Việt.
A.D (tổng hợp)