Du lịch Cà phê – Định hướng trong việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch Việt Nam

15:23 28/03/2021

Du lịch – một ngành công nghiệp không khói với sự phát triển mạnh mẽ và là chìa khóa quan trọng trong sự thu hút đầu tư, ngoại tệ, việc làm và giải quyết các vấn đề sinh kế của địa phương.

Trên thế giới cũng như Việt Nam, các loại hình du lịch ngày càng được sáng tạo và phát triển đa dạng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Phát triển sản phẩm du lịch hiện nay dựa trên nguyên tắc liên ngành và đa ngành, trong đó, nông nghiệp là một trong các ngành tiềm năng có thể tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới lạ theo xu hướng thế giới như “du lịch bền vững” hay “du lịch trách nghiệm”,… Cà phê là một trong các mặt hàng nông sản có giá trị cao trên thế giới. Cà phê Việt Nam là mặt hàng nông nghiệp nổi tiếng thế giới về chất lượng và cả số lượng xuất khẩu.

Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, giai đoạn 2020-2030 diện tích trồng cà phê ở Việt Nam có thể đạt đến 600.000 ha và kim ngạch xuất khẩu dự kiến từ 5-6 tỷ đô la. Việt Nam là một trong mười quốc gia xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới. Cụ thể, trong niên vụ 2017-2018 sản lượng cà phê nước ta đạt 30,4 triệu bao, trong đó lượng cà phê xuất khẩu ra thế giới là 27,9 triệu bao tương đương 1,55 triệu tấn chỉ xếp sau Brazil và là quốc gia có sản lượng cà phê robusta lớn nhất thế giới. 

Cà phê Việt Nam là mặt hàng nông nghiệp nổi tiếng thế giới về chất lượng và cả số lượng xuất khẩu. Ảnh: Internet
Cà phê Việt Nam là mặt hàng nông nghiệp nổi tiếng thế giới về chất lượng và cả số lượng xuất khẩu. Ảnh: Internet. 

Tất cả điều trên cho thấy cà phê đã và đang là cây công nghiệp mang lại giá trị kinh tế lớn cho Việt Nam. Cùng với danh tiếng về chất lượng và các đồn điền cà phê lớn, giá trị của cây cà phê không chỉ dừng lại ở mức độ thương mại hay xuất khẩu, mà nó hoàn toàn có thể được áp dụng nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, cụ thể là Du lịch cà phê. Theo thống kê, có 400 tỷ ly cà phê được tiêu thụ hằng năm trên toàn thế giới, trong đó 140 tỷ ly cà phê được người Mỹ tiêu thụ trong 1 năm và hơn 60% người Mỹ đến tham quan các cửa hiệu, cơ sở sản xuất hoặc đồi cà phê một lần/tháng. Ngày nay cả du khách quốc tế và Việt Nam, nhiều người xem việc đi du lịch là một cách để làm giàu thêm vốn tri thức.

Cụ thể, du khách lồng ghép việc đi du lịch với sự học hỏi về nông nghiệp, về cà phê với kiến thức liên quan đến thực hành canh tác, điều kiện tự nhiên, cách thức sản xuất, … để áp dụng trong hoạt động canh tác của họ. Ngoài ra, cà phê là thức uống yêu thích của hầu hết mọi người, vì vậy tạo ra một môi trường thưởng thức, tìm hiểu văn hóa cà phê của một địa danh bên ngoài cũng chính là một nhu cầu thực sự đáng kể.

Du lịch cà phê cũng giúp các địa phương thúc đẩy phát triển các sản phẩm cà phê như quà lưu niệm và các loại đồ uống khác nhau để nâng cao giá trị trải nghiệm cho du khách. Thưởng thức cà phê tại không gian bản địa không chỉ nâng cao trải nghiệm của du khách mà còn giúp nâng cao danh tiếng và sự tiêu thụ cà phê địa phương tại Việt Nam sau khi du khách trở về nhà.

Mặc khác, cây cà phê Việt Nam được trồng trọt tại các tỉnh đặc thù ở Tây Nguyên – nơi có nguồn tài nguyên du lịch phong phú cả về tự nhiên và văn hóa. Đây chính là cơ sở tiền đề để phát triển mạnh sản phẩm du lịch cà phê với các sản phẩm đi kèm. Tài nguyên thiên nhiên của Tây Nguyên vô cùng đa dạng với hệ thống các cao nguyên hùng vĩ, khí hậu mát mẻ, cảnh sắc phong phú với hệ thống thác nước, sông suối, biển hồ,… Cùng với đó, sự đa dạng trong văn hóa cũng tạo cho vùng đất đỏ bazan trở nên sống động và thu hút. Tây Nguyên là nơi cư ngụ của 47 dân tộc anh em, mang đậm các giá trị văn hóa của người dân vùng cao như kiến trúc, nét sinh hoạt và các tập tục đặc sắc. 

Mùa hoa cafe nở. Ảnh: Internet
Mùa hoa cà phê nở. Ảnh: Internet. 

Hơn nữa, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại vào năm 2005, đây là một điểm sáng để khai thác trong việc phát triển loại hình du lịch cà phê tại vùng cao nguyên này. Đồng thời, hoạt động du lịch cà phê có thể tận dụng các cơ sở sản xuất, đồn điền cà phê và nguồn lao động bản địa hay tạo thêm nhiều cơ hội việc làm nhằm thúc đẩy kinh tế địa phương.

Nhóm tác giả ThS. Lê Thị Hồng Thúy, Khoa Du lịch, ĐH Đông Á, Việt Nam; NCS.TS Lê Ngọc Quang, ĐH Khon Kaen, Thái Lan đã nghiên cứu và cung cấp một hướng tiếp cận chuyên ngành du lịch trong bối cảnh yêu cầu về tính đa dạng của sản phẩm đã trở nên cấp thiết. Theo nhóm tác giả du lịch cà phê Việt đã bắt đầu phát triển trong những năm gần đây, du khách được thưởng thức và trải nghiệm không gian cà phê, hòa mình vào văn hóa cà phê tại các trung tâm cà phê lớn.

Một vài doanh nghiệp kinh doanh lữ hành đã bắt đầu xây dựng những tuyến du lịch trên cơ sở lấy cà phê làm trung tâm, không gian cà phê làm điểm đến như “coffee tour”. Một điểm du lịch độc đáo liên quan đến cà phê có thể kể đến như Làng du lịch cà phê Trung Nguyên. Làng du lịch này là một điểm đến mang phong cách Tây Nguyên có sự đan xen giữa những giá trị văn hóa lịch sử bản địa cũng như mang lại trải nghiệm cho du khách với nhiều phong cách cà phê thế giới như Thổ Nhĩ Kỳ, Ethiopia, Italia, Nhật Bản, Brazil…

Tuy du lịch cà phê đã ít nhiều nhận được sự quan tâm của doanh nghiệp kinh doanh lữ hành và cả du khách, nhưng mức độ phát triển của loại hình du lịch mới chỉ dừng lại ở cấp độ “khởi điểm”. Để du lịch cà phê phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam các bên liên quan việc đầu tiên cần nhận thức đúng đắn và thấu đáo về loại hình này trong mối tương quan và có kế thừa từ những điển hình tốt trên thế giới.

 Lê Mai