Toàn cảnh buổi họp báo giới thiệu Cổng Dịch vụ công quốc gia
Tham dự cuộc họp báo có sự tham dự của đại điện lãnh đạo Bộ Công Thương; Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn VNPT; các chuyên gia đến từ Ngân hàng Thế giới (WB), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD)...
Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng cho biết, chiều 9/12, Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì khai trương Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG). Đây là dấu ấn quan trọng trong mục tiêu Chính phủ lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ và phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ”.
Giới thiệu về Cổng DVCQG, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC (VPCP) cho biết: Cổng DVCQG có vai trò quan trọng trong xây dựng Chính phủ điện tử, đây là hệ thống kết nối Chính phủ với người dân và doanh nghiệp qua phương thức điện tử.
Nhận thức rõ vị trí, vai trò của Cổng DVCQG, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao VPCP chủ trì, phối hợp với bộ, ngành, địa phương xây dựng Cổng DVCQG với mong muốn tạo dựng một địa chỉ hỗ trợ, cung cấp thông tin thủ tục hành chính và dịch vụ công liên tục, chính xác,hiệu quả, thể hiện tinh thần phục vụ của Chính phủ.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Văn phòng Chính phủ đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp công nghệ thông tin, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ công ích, các tổ chức quốc tế, chuyên gia trong và ngoài nước nghiên cứu xây dựng Cổng dịch vụ công quốc gia trên cơ sở bám sát quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính và Quyết định số 274/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Cổng dịch vụ công quốc gia.
Sau 9 tháng tích cực triển khai, việc thiết lập Cổng DVCQG về cơ bản đã hoàn thành.
Giao diện chính thức của Cổng Dịch vụ công quốc gia
Cổng DVCQG bao gồm 6 cấu phần chính: Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính và Bộ câu hỏi/trả lời liên quan đến TTHC; nền tảng xác thực, đăng nhập một lần kết nối với các Cổng dịch vụ công cấp Bộ, cấp tỉnh; nền tảng thanh toán trực tuyến; hệ thống phản ánh, kiến nghị cho người dân, doanh nghiệp; tích hợp các dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương; hệ thống hỗ trợ trực tuyến và Tổng đài hỗ trợ.
Cổng DVCQG cung cấp 7 chức năng chính: Chức năng đăng nhập một lần, sử dụng 1 tài khoản của Cổng dịch vụ công quốc gia để đăng nhập Cổng dịch vụ công của Bộ, của địa phương. Tra cứu về thông tin thủ tục hành chính, dịch vụ công của tất cả các ngành, lĩnh vực, các địa phương trên toàn quốc. Theo dõi chi tiết toàn bộ quá trình giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công. Hỗ trợ thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công theo hướng cá nhân hóa thông tin người dùng, cung cấp các tiện ích liên quan đến việc thực hiện dịch vụ công.
Bên cạnh đó, tiếp nhận phản ánh kiến nghị liên quan đến việc giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công, chuyển xử lý và theo dõi chi tiết tình trạng xử lý của bộ, ngành, địa phương. Thanh toán trực tuyến phí, lệ phí thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công sử dụng tài khoản của các ngân hàng, trung gian thanh toán. Đánh giá sự hài lòng trong giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công;
Cùng với VPCP, các bộ, ngành, địa phương đã rất tích cực trong việc rà soát, chuẩn hóa Cơ sở dữ liệu thủ tục hành chính, nâng cấp, tích hợp, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia, xây dựng các Bộ câu hỏi/trả lời với ngôn ngữ đời sống dễ hiểu để hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp; xây dựng, triển khai Cổng dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia để kết nối, tích hợp, chia sẻ tình hình, kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của bộ, ngành, địa phương.
Đây là công việc thường xuyên, liên tục với mục tiêu xuyên suốt là lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo chất lượng cung cấp dịch vụ công của các cơ quan hành chính nhà nước, tổ chức cung cấp dịch vụ công.
Sau thời gian vận hành thử nghiệm, đến nay Cổng dịch vụ công quốc gia đã đủ điều kiện và sẵn sàng đi vào hoạt động chính thức.
Trong quá trình vận hành Cổng Dịch vụ công quốc gia là đầu mối giúp công khai, minh bạch các thông tin liên quan về thủ tục hành chính và cung cấp, hỗ trợ thực hiện dịch vụ công theo nhu cầu sử dụng, phù hợp với từng đối tượng; bảo đảm khả năng giám sát, kiểm tra, đánh giá của cá nhân, tổ chức và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong thực hiện dịch vụ công.
Chỉ cần truy cập một địa chỉ duy nhất (dichvucong.gov.vn), bằng một tài khoản duy nhất, người dân, doanh nghiệp có thể đăng nhập được đến tất cả các Cổng dịch vụ công cấp Bộ, cấp tỉnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến; theo dõi tình trạng giải quyết, đánh giá chất lượng giải quyết và gửi phản ánh, kiến nghị không phụ thuộc vào thời gian, địa giới hành chính.
Đồng thời, với vai trò đầu mối kết nối với các Cổng dịch vụ công, cơ sở dữ liệu, việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia sẽ giúp người dân, doanh nghiệp thuận lợi hơn nhiều do có thể tái sử dụng các thông tin đã có và tiết kiệm thời gian chuẩn bị hồ sơ, từ đó giảm đáng kể chi phí xã hội trong thực hiện thủ tục hành chính, đặc biệt là những thủ tục hành chính có liên quan đến nhiều cơ quan.
Theo lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, qua tính toán với 8 nhóm dịch vụ công thiết yếu, có đối tượng người dùng cao được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia trong tháng 12/2019, dự kiến chi phí tiết kiệm được của người dân, doanh nghiệp khoảng 4.222 tỷ đồng/năm, trong đó, đóng góp từ lợi ích thực hiện trên Cổng Dịch vụ công quốc gia mang lại khoảng 1.736 tỷ đồng/năm.
Về mức độ an toàn thông tin, ông Ngô Hải Phan cho biết, Văn phòng Chính phủ cùng các bộ Quốc phòng, Công an, Thông tin - Truyền thông đã đánh giá và khẳng định hệ thống đảm bảo an toàn, an ninh tuyệt đối.
Bảo Trinh - Thảo Trang