Đông Nam Á cần đầu tư 2 nghìn tỷ đô la cho mục tiêu giảm lượng khí thải

16:11 30/09/2021

Theo báo cáo mới từ Bain & Company, Microsoft và Singapore’s Temasek Holdings cho thấy, Đông Nam Á cần khoản đầu tư trị giá 2 nghìn tỷ đô la trong thập kỷ tới để xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững có thể giúp cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của khu vực.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: internet) 

Báo cáo có tiêu đề “Nền kinh tế xanh của Đông Nam Á: Cơ hội trên con đường tới Net Zero” (Net Zero: Mục tiêu khí nhà kính bằng không) chỉ ra mục tiêu này bao gồm các khoản đầu tư vào các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, xe điện và quản lý chất thải.

Năm ngoái, các nhà đầu tư chỉ đầu tư khoảng 9 tỷ đô la vào các doanh nghiệp và tài sản xanh. Để đạt được con số đầu tư 2 nghìn tỷ đô la, các khu vực công, tư nhân của khu vực phải làm việc cùng nhau để khai thác toàn bộ tiềm năng của Đông Nam Á. Biến đổi khí hậu là mối quan tâm nghiêm trọng đối với khu vực khi số lượng các thảm họa khí hậu cũng như hiện tượng thời tiết cực đoan, khắc nghiệt tăng trong những năm gần đây. Mặc dù đẩy lùi dịch Covid-19 vẫn là ưu tiên hàng đầu của hầu hết các chính phủ nhưng đã nhiều chú ý hơn dành cho bối cảnh khí hậu và một nền kinh tế xanh.

Dale Hardcastle, đồng Giám đốc đổi mới bền vững toàn cầu của Bain chia sẻ trong khuôn khổ hội nghị về khí hậu Ecosperity: “Chúng tôi đã thấy nhiều kế hoạch xanh được đưa ra ở Singapore và các quốc gia khác”. Ông nói thêm: “Chúng tôi bắt đầu nhận thấy nhiều nỗ lực hơn của các chính phủ trong việc xem xét sự hợp tác xuyên khu vực, cho dù đó là các biện pháp mới xung quanh tài chính xanh, chuyển đổi năng lượng hay những thứ khác”.

Liên hợp quốc mô tả cái gọi là nền kinh tế xanh là nền kinh tế nơi tăng trưởng được thúc đẩy bởi các khoản đầu tư vào các hoạt động kinh tế, cơ sở hạ tầng và tài sản cho phép giảm thiểu ô nhiễm và khí thải carbon. Nền kinh tế xanh cũng giúp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và tài nguyên, đồng thời ngăn ngừa mất đa dạng sinh học và hệ sinh thái. Báo cáo cho thấy, khoảng 90% lượng khí thải carbon của Đông Nam Á có thể được giải quyết bằng cách chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng sạch hơn như gió và mặt trời, đánh giá cao thiên nhiên và làm cho sản xuất nông nghiệp của khu vực này hiệu quả hơn.

Theo báo cáo, trong khi nông nghiệp là ngành đóng góp lớn cho nền kinh tế Đông Nam Á, đây cũng là nguồn phát thải carbon chính. Các quốc gia cần vận động và khuyến khích hộ nông nghiệp nhỏ lẻ áp dụng các phương thức canh tác bền vững hơn như một cách để giảm lượng carbon dioxide thải ra khí quyển. Báo cáo cho biết, nếu các quốc gia hành động ngay hôm nay, đến năm 2030, nền kinh tế xanh của khu vực có thể đóng góp khoảng 1 nghìn tỷ đô la các cơ hội kinh tế và tạo ra khoảng 5 triệu đến 6 triệu việc làm mới.

Hardcastle chỉ ra nhiều tập đoàn khu vực Đông Nam Á và các công ty lớn đang suy tính về tính bền vững, mặc dù tiếp nhận có thể chậm hơn so với các đối tác Hoa Kỳ và châu Âu. “Họ đang bắt đầu suy nghĩ kĩ lưỡng về việc làm thế nào để đầu tư vào nền kinh tế xanh, dù đó là vì lợi ích cá nhân để bảo vệ các doanh nghiệp hay thực hiện các hành động phối hợp đối phó biến đổi khí hậu”.

TL