Ngày 14/4/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 759/QĐ-TTg, chính thức phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp. Đây là bước đi chiến lược nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực quản lý, đồng thời tạo nền tảng thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.
Theo Đề án, cả nước sẽ có 52 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện sắp xếp, sáp nhập, hình thành 23 tỉnh, thành mới. Cùng với đó, 11 tỉnh, thành phố còn lại sẽ giữ nguyên hiện trạng và không thực hiện sáp nhập. Việc sắp xếp này không chỉ thay đổi bản đồ hành chính mà còn làm thay đổi toàn diện “bảng xếp hạng” về quy mô diện tích và dân số của các địa phương.
![]() |
Đồng Nai có quy mô dân số lớn thứ ba cả nước sau sáp nhập |
Quá trình xây dựng Đề án được triển khai trên cơ sở nghiên cứu toàn diện từ lịch sử hình thành và phát triển đơn vị hành chính cấp tỉnh tại Việt Nam, kết hợp với các cơ sở khoa học, lý luận và thực tiễn, cũng như kinh nghiệm quốc tế. Sáu tiêu chí quan trọng được xác lập làm căn cứ cho việc sáp nhập bao gồm: diện tích tự nhiên; quy mô dân số; yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa và dân tộc; yếu tố địa kinh tế; yếu tố địa chính trị; và yếu tố quốc phòng, an ninh. Các tiêu chí này phản ánh tư duy sắp xếp không chỉ theo chiều rộng mà còn tính đến chiều sâu của phát triển bền vững và ổn định lâu dài.
Sau sáp nhập, cục diện diện tích các địa phương thay đổi đáng kể. Tỉnh mới Lâm Đồng – được hình thành từ việc sáp nhập ba tỉnh là Đắk Nông, Bình Thuận và Lâm Đồng – sẽ trở thành tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, đạt 24.233,1 km² và dân số khoảng 3.324.400 người.
Đứng thứ hai về diện tích là tỉnh mới Gia Lai, được hợp nhất từ tỉnh Gia Lai và Bình Định, với diện tích 21.576,5 km² và dân số 3.153.300 người. Tỉnh mới Đắk Lắk, hình thành từ sự sáp nhập tỉnh Phú Yên và Đắk Lắk, sẽ giữ vị trí thứ ba với diện tích 18.096 km² và dân số 2.831.300 người.
Đáng chú ý, cả ba địa phương mới này đều có diện tích vượt qua tỉnh Nghệ An – địa phương hiện đang đứng đầu cả nước về diện tích với 16.493,7 km² – khiến Nghệ An sau sáp nhập lùi xuống vị trí thứ tư. Theo sau là tỉnh mới Quảng Ngãi (sáp nhập Kon Tum và Quảng Ngãi) với diện tích 14.832,6 km².
Ở phương diện dân số, bức tranh mới cho thấy những đô thị đặc biệt có quy mô vượt trội. Thành phố Hồ Chí Minh – sau khi hợp nhất với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Bình Dương – sẽ trở thành địa phương đông dân nhất cả nước với quy mô dân số lên tới 13.608.800 người.
Thành phố Hà Nội, dù không thực hiện sáp nhập, vẫn giữ vị trí thứ hai với dân số ước tính khoảng 8.718.000 người (số liệu năm 2024).
Xếp thứ ba là tỉnh mới Đồng Nai – hợp nhất giữa tỉnh Bình Phước và Đồng Nai – với quy mô dân số đạt 4.427.700 người. Tiếp theo là thành phố Hải Phòng, sau sáp nhập với tỉnh Hải Dương thành một thành phố trực thuộc Trung ương, sẽ có tổng dân số khoảng 4.102.700 người. Ở vị trí thứ năm là tỉnh mới Ninh Bình, hợp nhất ba tỉnh Hà Nam, Ninh Bình và Nam Định, với dân số 3.818.700 người.
Việc sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp tỉnh được kỳ vọng sẽ giúp tinh giản bộ máy hành chính, tiết kiệm chi phí vận hành, đồng thời tăng hiệu quả quản lý và điều hành. Việc hình thành những tỉnh, thành có quy mô lớn cả về dân số lẫn diện tích tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc hoạch định chính sách phát triển vùng, phân bố nguồn lực, đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ và phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững, hiện đại.
Quá trình thực hiện Đề án sẽ đi kèm với việc sắp xếp tổ chức bộ máy chính quyền theo mô hình hai cấp phù hợp, bảo đảm tính ổn định, kế thừa và phát triển, đồng thời tính đến yếu tố đặc thù của từng địa phương, vùng miền. Đây không chỉ là sự thay đổi về địa giới, mà còn là cuộc cải cách hành chính toàn diện, sâu rộng với tầm nhìn dài hạn, đặt nền móng cho sự phát triển mạnh mẽ hơn của Việt Nam trong giai đoạn tới.