Cheryl Simpson, một công dân New Zealand lẽ ra sẽ có buổi tiệc mừng tuổi 60 với bạn bè nhưng tình hình hiện nay đã hoàn toàn bị đảo ngược. Việc phát hiện một trường hợp Covid-19 tại địa phương duy nhất ở New Zealand đủ để chính phủ áp đặt hạn chế nghiêm ngặt trên khắp cả nước. Có thể đối với nhiều người quyết định này có phần hà khắc nhưng người dân và lãnh đạo New Zealand nói chung ủng hộ các biện pháp đã có hiệu quả trong quá khứ. Quả thực, tính đến thời điểm này, đây là quyết định đúng đắn của New Zealand bởi số ca nhiễm tại đây tăng cao.
Tuy nhiên, ở những quốc gia khác trên Thái Bình Dương, Nhật Bản đang chống trọi với làn sóng nguy hiểm nhất từ trước đến nay bằng cách nhấn mạnh chương trình tiêm chủng vaccine đang tăng tốc. Bên cạnh đó, Úc dường như khá mơ hồ khi quyết định thực hiện cả hai biện pháp đóng cửa và tiêm vaccine.
Cả ba quốc gia đã vượt qua năm đầu tiên của đại dịch với tình hình tương đối lạc quan nhưng trước sự bùng phát của biến thể Delta, nhiều con đường bảo vệ khác nhau đang được thực hiện. Giáo sư Michael Baker, nhà dịch tễ học tại Đại học Otago của New Zealand, cho biết, các quốc gia trên thế giới đang vật lộn để thích ứng với mối đe dọa mới nhất. Sự khác biệt giữa hai biện pháp đóng cửa và tiêm vaccine nằm ở hiệu quả chiến lược được chứng minh tác dụng trong đánh bại biến thể Delta có khả năng gây ra những tác động sâu rộng đối với nền kinh tế của cả ba quốc gia cũng như sức khỏe của công dân.
Nhật Bản chưa bao giờ áp đặt các lệnh đóng cửa đất nước chống lại vi-rút Corona. Điều này có lẽ là do người dân nước này thường cảnh giác với những hoạt động của chính phủ sau thời kỳ phát xít trước đây và ảnh hưởng từ Thế chiến thứ hai. Hiến pháp sau chiến tranh của Nhật Bản đưa ra những biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt đối với quyền tự do dân sự. Trước khi biến thể Delta xuất hiện, đất nước này đã cố gắng ngăn chặn sự bùng phát và đạt được thành công phần nào nhờ thói quen đeo khẩu trang tránh dị ứng vào mùa xuân hoặc khi bị cảm lạnh.
Giờ đây, hầu như tất cả hành khách di chuyển trên phương tiện công cộng đều đeo khẩu trang và trong giờ làm. Nhưng khi màn đêm buông xuống, người dân có xu hướng tìm đến các nhà hàng, quán bar khiến vi-rút có cơ hội lan rộng. Không những vậy, các chuyên gia như tiến sĩ Shigeru Omi, cố vấn y tế chủ chốt của chính phủ, cho rằng Thế vận hội đã tạo ra một không khí lễ hội khiến người dân Nhật Bản hạ thấp cảnh giác. Các ca mắc mới ở Nhật Bản trong tháng này đã tăng vọt lên 25.000 ca mỗi ngày, nhiều hơn gấp ba lần so với mức cao nhất trước đó. Ông Omi coi đây là một thảm họa.
Thủ tướng Yoshihide Suga hôm thứ Sáu đã mở rộng và gia hạn tình trạng khẩn cấp bao trùm Tokyo và các khu vực khác cho đến ít nhất là giữa tháng 9, mặc dù hầu hết các hạn chế không có hiệu lực pháp luật. Nhiều thống đốc đang thúc giục thủ tướng xem xét các biện pháp hạn chế cứng rắn hơn. Nhưng Suga chỉ ra các lệnh cấm vận đã được phổ biến trên khắp thế giới và vắc xin là “con đường” mà Nhật Bản lựa chọn.
Tốc độ và khả năng tiêm chủng hàng ngày ở Nhật Bản đã tăng gấp 10 lần từ tháng 5 đến tháng 6 khi hàng ngàn công trường và trường cao đẳng bắt đầu cung cấp vaccine nhưng khởi đầu chậm chạp đã khiến quốc gia này chạy đua với thời gian. Cho đến nay chỉ có khoảng 40% dân số được tiêm chủng đầu đủ.
Ở Úc, một đợt bùng phát mới đã tấn công Sydney vào tháng 6, sau khi một tài xế xe limousine không được tiêm phòng đã bị nhiễm bệnh. Các nhà chức trách tiểu bang đã do dự suốt 10 ngày trước khi áp dụng các biện pháp đóng cửa trên khắp Sydney và hiện đã kéo dài hai tháng.
Thời điểm đầu đại dịch, chính phủ liên bang Úc chỉ áp đặt một đợt đóng cửa quy mô toàn quốc. Giờ đây, xứ sở Chuột túi đang theo đuổi một chiến lược gọi là “đàn áp tích cực” bao gồm kiểm soát chặt chẽ người Úc rời khỏi đất nước và người nước ngoài nhập cảnh nhưng về cơ bản đây là những bước đầu trong cuộc chiến mới.
Các ca nhiễm mới ở Sydney đã tăng từ chỉ vài ca mỗi tuần lên hơn 800 ca mỗi ngày. Gladys Berejiklian từ bang New South Wales của Sydney cho hay: “Không thể loại bỏ vi-rút hoàn toàn. Chúng ta phải học cách sống chung với lũ. Đó là lý do tại sao chính phủ thực hiện chiến lược kép ở New South Wales. Giảm số trường hợp nhiễm bệnh và tăng tỷ lệ tiêm chủng là hai đích đến mà Úc phải đạt được để giành lại cuộc sống tự do trong tương lai”.
Dịch bệnh bùng phát ở Sydney đã tràn sang Canberra cũng đã bị phong tỏa. Nhân viên chính phủ Matina Carbone đeo khẩu trang khi đi mua sắm hôm thứ Sáu: “Tôi không biết liệu ai có thể đánh bại biến thể Delta. Tôi nghĩ chúng ta chỉ cần cố gắng tăng tỷ lệ tiêm chủng và từ từ mở cửa trở lại khi thấy an toàn”. Tuy nhiên Úc đang thua xa Nhật Bản trong cuộc đua tiêm chủng, chỉ với 23% tiêm vaccine đầy đủ.
Năm ngoái, ngay sau khi đại dịch lần đầu tiên xảy ra, nước láng giềng New Zealand đã áp đặt một lệnh cấm nghiêm ngặt trên toàn quốc và đóng cửa biên giới đối với những người không có thẻ cư trú. Chiến lược này đã giúp xóa sạch dấu vết vi-rút trong nhiều tháng. Đất nước 5 triệu dân trở thành “anh hùng” của thế giới đánh bại làn sóng Covid-19 và chỉ ghi nhận 26 trường hợp tử vong.
Kể từ đợt lây nhiễm mới đây, thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern ngay lập tức áp đặt hình thức đóng cửa nghiêm ngặt nhất. Đến chủ nhật, số ca lây lan cục bộ ở New Zealand đã tăng lên 72 và vi-rút đã đến được thủ đô Wellington. Các quan chức hiện đang theo dõi thêm 10.000 người.
Baker, nhà dịch tễ học cho biết, ông tin rằng New Zealand vẫn có thể quét sạch vi-rút một lần nữa bằng cách theo đuổi các biện pháp quyết liệt để dập tắt dấu hiệu bùng phát đầu tiên. Sau tất cả, New Zealand không có nhiều kế hoạch B dự phòng. Tính hình có khả năng trở nên đáng lo ngại hơn khi New Zealand là quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ thấp nhất (20%) trong số ba quốc gia.
TL