Doanh nhân Lê Tấn Thanh Thịnh: Vượt qua giới hạn an toàn, từ bỏ công việc đã gắn bó nhiều năm để trở thành một nhà khởi nghiệp

15:16 24/07/2021

Lê Tấn Thanh Thịnh là đồng sáng lập và CEO của BrandBeats, công ty chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn và triển khai kênh truyền thông qua âm nhạc. BrandBeats từng kết nối các nhà sản xuất âm nhạc với các chuyên gia xây dựng thương hiệu mang đến các chiến dịch truyền thông hiệu quả cho những khách hàng lớn như Pepsi, Unilever, P&G và Nestle.

Lê Tấn Thanh Thịnh là một người con xứ Huế. Thịnh đã hoàn thành các chương trình đào tạo chuyên sâu của Tập đoàn Carlsberg như Marketing Master Class của Carlsberg Indochina năm 2012, chương trình Project Management của Carlsberg Group Đan Mạch năm 2015. Anh cũng là giảng viên khách mời của một số trường Đại học Kinh tế và trường Báo chí truyền thông...

 

Doanh nhân Lê Tấn Thanh Thịnh. Nguồn: Internet

Doanh nhân Lê Tấn Thanh Thịnh. Nguồn: Internet.

Nói về lúc mới bắt đầu khởi nghiệp, Thịnh chia sẻ, là một người con xứ Huế, được làm việc trong Tập đoàn Carlsberg – đơn vị sở hữu nhãn hàng bia Huda, thực sự là một niềm tự hào lớn. Hơn nữa, sau gần 5 năm làm việc tại một tập đoàn với 2 năm đảm nhận vai trò quản lý, lúc đã nhen nhóm ý tưởng “ra riêng” để vận hành BrandBeats, anh còn có cơ hội được ra nước ngoài tham gia khóa đào tạo về kỹ năng lãnh đạo. Lúc đó, Thịnh băn khoăn khi đứng giữa 2 sự lựa chọn: một bên là được hiện thực hóa ước mơ từ nhỏ là đi học ở nước ngoài, cộng thêm sự ủng hộ mạnh mẽ từ gia đình và cơ hội thăng tiến cao; một bên là theo đuổi ý tưởng khởi nghiệp mà khả năng thành công không thể được đảm bảo.

Tuy nhiên, khi nhớ đến một câu nói thể hiện triết lý sống của người Do Thái anh từng đọc trong một cuốn sách: “Khi bạn đang ở tại một giới hạn an toàn thì phải vượt qua nó”, Thịnh quyết định vượt qua giới hạn an toàn của mình bằng cách từ bỏ công việc đã gắn bó nhiều năm để trở thành một nhà khởi nghiệp.

Trải qua nhiều cú va vấp, người điều hành BrandBeats Music Marketing nhận định, sự kiên nhẫn là một trong những chiến lược quan trọng để thành công: “Người khởi nghiệp không cần suy nghĩ những chuyện quá cao siêu, điều quan trọng là phải "sống" được trong 1 – 2 năm đầu, sau đó hãy tính đến những chiến lược vĩ mô hơn. Hãy tập bay trước khi muốn bay cao, bay xa”.

Trong quá trình đó, một kỹ năng quan trọng mà Thanh Thịnh nhận thấy rất quan trọng nhưng nhiều nhà khởi nghiệp còn chưa đầu tư đúng mức, đó là xây dựng một mạng lưới cộng đồng lớn trong lĩnh vực mình đang theo đuổi. Anh nêu ví dụ, mạng lưới cộng đồng trong ngành marketing là các giám đốc marketing, giám đốc các công ty agency… Thịnh kể, lúc còn làm việc tại Tập đoàn Carlsberg, anh luôn nuôi dưỡng mối quan hệ tốt với nhiều phòng ban. Hiện tại, những mối quan hệ này vẫn được duy trì hiệu quả. Một bằng chứng cụ thể là Thịnh đã “nhờ vả” thành công giám đốc tài chính ở công ty cũ tư vấn cách quản lý tài chính cho BrandBeats. Không những thế, BrandBeats còn từng nhận thực hiện dự án quảng bá thương hiệu cho sản phẩm bia Huda của Tập đoàn Carlsberg. Lúc đó, Thịnh lại quay về “mái nhà xưa” nhưng với vai trò là một đối tác.

Doanh nhân Lê Tấn Thanh Thịnh: vượt qua giới hạn an toàn, từ bỏ công việc đã gắn bó nhiều năm để trở thành một nhà khởi nghiệp. Nguồn ảnh: Internet
Doanh nhân Lê Tấn Thanh Thịnh: Vượt qua giới hạn an toàn, từ bỏ công việc đã gắn bó nhiều năm để trở thành một nhà khởi nghiệp. Nguồn ảnh: Internet. 

Bước vào năm 2019, Lê Tấn Thanh Thịnh, CEO BrandBeats đã trở thành một người khác, với sự tái tạo toàn bộ tư duy và hội tụ nguồn năng lượng mới. Đến lúc này, Lê Tấn Thanh Thịnh vẫn chưa thực hiểu vì sao BrandBeats và Thịnh được chọn là một trong 3 start-up Việt trở thành thành viên chính thức của Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) cuối năm 2018, cùng khoảng 70 start-up từ các quốc gia ASEAN khác. Nhưng với CEO của BrandBeats, đó không phải là mối quan tâm chính. Điều quan trọng là Thịnh đã ở đó, là một phần của cuộc đối thoại của những think tank về tương lai toàn cầu.

“Tôi chợt giật mình, giấc mơ của tôi hình như bé quá so với cơ hội đang mở rộng sau cuộc nói chuyện vỏn vẹn 10 phút trên đường về khách sạn với ông Edphawin của Quỹ Temasek; sau khi nghe vị Bộ trưởng Indonesia tự hào giới thiệu về Go-JEK và GoViet; sau mấy buổi ăn trưa cùng các sáng lập start-up, nghe họ kể về những sản phẩm lần đầu được nghe đến. Họ đầy nhiệt huyết với giấc mơ lớn. Dĩ nhiên, kinh doanh trước hết phải đủ khả năng trả các hoá đơn vào mỗi sớm mai thức dậy, nhưng khi ngồi giữa những CEO của các công ty đã tồn tại trên 5 năm, gọi được vốn trên 3-5 triệu USD, tôi phải thay đổi, phải nhìn xa hơn. Trước đó, giấc mơ của tôi là một ngày chuyển mình hoàn toàn, đưa BrandBeats từ một agency (quảng cáo sáng tạo) trở thành một start-up trong ngành công nghiệp giải trí và truyền thông đứng đầu Việt Nam. Nhưng đến giờ, tôi tự tin với giấc mơ lớn hơn khi vươn ra khu vực”, Lê Tấn Thanh Thịnh chia sẻ.

Với Thịnh, mơ lớn, để không hài lòng với những gì đã đạt được, để vươn lên dấu mốc cao hơn. “Cùng một thời gian, công sức bỏ ra để làm công việc mình đam mê, thì tại sao ta không định hình giấc mơ lớn hơn, mạnh mẽ hơn. Tất nhiên, kết quả công việc sẽ chứng minh đó là ảo mộng, viển vông hay thành quả của giấc mơ lớn. Nhưng như ai đã nói, ta không thể đạt thành tựu 4.0 mà dựa vào tư duy 1.0. Xác định đích đến và tầm nhìn rõ ràng để chuẩn bị tư duy, thậm chí phải thay đổi tư duy, chuẩn bị năng lượng. Đây là điều Thịnh học được từ các câu chuyện tại WEF ASEAN 2018”, Thịnh chia sẻ thêm.

TH